|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Philippines kéo dài thời gian giảm thuế nhập khẩu gạo, có thực sự là cơ hội tốt cho Việt Nam?

16:39 | 22/12/2022
Chia sẻ
Theo một số doanh nghiệp, việc Philippines tiếp tục giảm thuế nhập khẩu gạo xuống còn 35% tuy tạo điều kiện cho Việt Nam đẩy mạnh số lượng xuất khẩu, hỗ trợ Philippines có nguồn gạo ổn định trong bối cảnh lạm phát hiện nay nhưng đồng thời cũng làm giảm sức cạnh tranh của gạo Việt tại thị trường này.

Doanh nghiệp lo phải cạnh tranh với quốc gia xuất khẩu gạo ngoài Đông Nam Á

Theo Reuters, chính phủ Philippines mới đây thông báo, để kiềm chế mức lạm phát cao nhất trong vòng 14 năm qua, quốc gia này đã quyết định kéo dài việc giảm thuế nhập khẩu gạo đến 31/12/2023, tức tăng thêm một năm so với thông báo trước đó. 

Như vậy, mức thuế suất được Philippines áp dụng đối với các quốc gia bên ngoài Đông Nam Á vẫn là 35%, giảm 5 -15% so với mức trước đó là 40-50%. Quyết định này của Philippines tiếp tục đưa thuế quan đối với gạo nhập khẩu từ các nước ngoài Đông Nam Á ngang bằng với mức thuế hiện hành được áp dụng cho các nước trong khu vực.

Câu hỏi đặt ra là quyết định này liệu sẽ tác động ra sao đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Philippines, vốn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam? 

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, cho biết Philippines giảm thuế cho các quốc gia bên ngoài Đông Nam Á với mục đích giảm áp lực lạm phát, hạ giá gạo của các nhà nhập khẩu chính, giúp người tiêu dùng tiếp cận được nguồn cung giá ổn định hơn.   

Tuy nhiên, việc duy trì mức thuế nhập khẩu gạo đối với tất cả quốc gia ở mức 35% lại khiến Việt Nam, cũng như nhiều nước trong khu vực tiếp tục mất đi ưu thế về thuế so với các nước ngoài khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các nước xuất khẩu gạo truyền thống như Ấn Độ, Pakistan…   

"Nếu Philippines không duy trì mức thuế 35%, mà trở về mức cao ở khoảng 40-50% thì khách hàng sẽ tập trung mua gạo của các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, trong khi nguồn cung hạn hẹp, giá gạo sẽ có cơ hội tăng lên", ông Thành phân tích.

Thực tế trước khi có chính sách giảm thuế này của Philippines, Việt Nam vẫn đang được hưởng thuế suất xuất khẩu gạo 35%. 

 Philippines là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam. (Ảnh: VnEconomy)

Trước đó, tháng 5/2021,Philippines hạ thuế suất ưu đãi (MFN) đối với nhập khẩu gạo xuống 35% từ 40% đối với các lô hàng trong khối lượng tiếp cận tối thiểu (MAV) và 50% đối với các lô hàng ngoài MAV.

Động thái này nhằm đa dạng hóa nguồn nhập khẩu gạo của Philippines trong bối cảnh giá gạo từ các nước láng giềng ASEAN tăng và các mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với sản xuất trong nước.

Ban đầu chính sách này được thông báo sẽ áp dụng trong vòng một năm, kể từ ngày 30/5/2021. Tuy nhiên, đến tháng 6/2022, Philippines đã thông báo kéo dài việc giảm thuế suất nhập khẩu gạo đối với các quốc gia bên ngoài Đông Nam Á đến hết năm 2022.

Nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn rất cao

Trái với lo lắng của một số doanh nghiệp, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group cho rằng việc duy trì chính sách giảm thuế nhập khẩu của Philippines sẽ là thông tin tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam bởi nó đảm bảo cho tính ổn định của thị trường.

"Nhu cầu của Philippines còn rất lớn nên quốc gia này mới quyết định giữ nguyên mức thuế thêm một năm để tăng nguồn cung trong nước", ông Nam nói.

Nhiều năm nay, Philippines luôn là thị trường quan trọng của gạo Việt Nam. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, 11 tháng qua, Việt Nam xuát khẩu 6,7 triệu tấn gạo, trong đó, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm gần 45% trong tổng lượng và gần 43% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.

Tổng lượng xuất khẩu 11 tháng đạt gần 3 triệu tấn, trị giá khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 30% về lượng, tăng 18% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.  

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Dữ liệu từ Cục Công nghiệp Thực vật Philippines (BPI) khi cho biết tính đến ngày 8/12, Philippines đã nhập khẩu 3,54 triệu tấn gạo, tăng 27,8% so với mức gần 2,8 triệu tấn của cả năm 2021.

Trong đó, Việt Nam vẫn là nhà cung cấp gạo hàng đầu của Philippines, với gần 3 triệu tấn, tương đương gần 85% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này.

Không chỉ tăng tiêu thụ trong năm nay, dự báo của Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) Philippines cho biết quốc gia này có thể cần nhập khẩu ít nhất ba triệu tấn gạo vào năm tới do tình trạng thiếu hụt đang diễn ra khi sản lượng gạo ở mức thấp hơn so với nhu cầu. 

"Điều này cho thấy năm tới sẽ là năm ổn định cho việc xuất khẩu gạo vào Philippines", ông Đỗ Hà Nam dự báo và cho rằng chỉ nên duy trì sự ổn định trong giai đoạn này thay vì tăng trưởng bởi nó sẽ đi kèm rủi ro là tồn kho tăng và khi đó sẽ dẫn đến việc mất cân đối cung cầu trong năm kế tiếp.

Như Huỳnh