|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xây dựng thương hiệu cho hàng Việt: 'Phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn'

15:56 | 20/04/2019
Chia sẻ
Nhân Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4, trả lời PV Báo PNVN, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp muốn xây dựng được thương hiệu bền vững, mấu chốt là chất lượng sản phẩm phải tốt. Đó là là cơ sở cơ bản nhất để xác lập niềm tin của người tiêu dùng.

Chất lượng là tiêu chí hàng đầu

- Để xây dựng được một thương hiệu doanh nghiệp thành công, theo bà điều gì là quan trọng nhất?

Doanh nghiệp muốn “đứng vững” và phát triển thì cần nâng cao năng lực cạnh tranh về nhiều mặt như nâng cao quy mô để cạnh tranh về thị phần, số lượng, phương pháp quản lý để cạnh tranh về phong cách, chất lượng phục vụ cũng như xây dựng thương hiệu uy tín để cạnh tranh về giá trị thương hiệu. Xây dựng thương hiệu rất quan trọng, bởi nó quyết định đến chỗ đứng của doanh nghiệp đó trên thị trường và có lúc còn quyết định đến vấn đề thành công hay thất bại của doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu cho hàng Việt: Phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn - Ảnh 1.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam

Để xây dựng một thương hiệu có giá trị và bền vững, mấu chốt là chất lượng sản phẩm phải tốt, đó là là cơ sở cơ bản nhất để xác lập niềm tin của người tiêu dùng. Cụ thể, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn và phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp.

- Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ thì sao, thưa bà?

Đối với các doanh nghiệp bán lẻ thì có những đặc thù riêng, đó là khâu trung gian phân phối, nghĩa là ngành dịch vụ chứ không phải là trực tiếp sản xuất. Điểm khác biệt cơ bản giữa xây dựng thương hiệu của sản phẩm và thương hiệu bán lẻ chính là sự tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng. Đối với ngành bán lẻ, người tiêu dùng trực tiếp tiếp xúc với thương hiệu hay sản phẩm, còn ngành sản xuất thì không.

Tôi lấy ví dụ như sản phẩm chocolate Mars. Thực tế thì sản phẩm này được chế biến trong nhà máy theo công thức định sẵn, không ai nhìn thấy. Nhân viên làm việc tại nhà máy cũng không tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng. Do đó, nhà sản xuất có thể xây dựng một hình ảnh, tính cách thương hiệu và thông qua các kênh truyền thông tạo thành nhận thức thương hiệu trong người tiêu dùng.

Điều đó cho thấy, thương hiệu bán lẻ có lợi thế lớn là bao giờ cũng gần gũi hơn với người tiêu dùng. Cửa hàng bán lẻ là nơi lý tưởng để truyền thông trực tiếp tới người tiêu dùng tại thời điểm ra quyết định mua hàng. Đây là hình thức tiếp thị từng cá nhân. Nhà bán lẻ chính là người giúp đỡ khách hàng chọn lựa bằng cách tuyển chọn trước các sản phẩm và trình bày chúng theo cách của mình. Khi người tiêu dùng đã nhận biết và tin tưởng vào thương hiệu bán lẻ, đó là lúc nền tảng của lòng trung thành với thương hiệu được thành lập. Với những lợi thế nói trên, một số nhà sản xuất đã quyết định đầu tư luôn vào ngành bán lẻ, vì đây là nền tảng xúc tiến thương hiệu hiệu quả đến với người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, xây dựng thương hiệu bán lẻ là vấn đề đã được đề cập rất nhiều trong thời gian qua, từ khi ngành bán lẻ Việt Nam đón nhận thêm các thương hiệu bán lẻ nước ngoài. Nhưng dường như các nhà bán lẻ ở ta vẫn sử dụng công cụ xây dựng thương hiệu dành cho sản phẩm để áp dụng vào hoạt động xây dựng thương hiệu bán lẻ, đây là điểm chưa hợp lý.

Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 vừa được Brand Finance công bố, "Vietnam" được định giá 235 tỷ USD, nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Chương trình Thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Xu thế tiêu dùng trải nghiệm

- Thời gian qua, chúng ta nghe nói rất nhiều về “Cách mạng 4.0”. Vậy ở góc độ xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu của riêng lĩnh vực bán lẻ, “Cách mạng 4.0” sẽ có những tác động như thế nào?

Công nghệ mới đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả vận hành và marketing của nhà bán lẻ, giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao hơn. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 giúp doanh nghiệp có thêm khách hàng trung thành cũng như thu hút được khách hàng tiềm năng. Do đó, xu hướng thị trường bán lẻ trong tương lai gần gồm tăng cường trải nghiệm tại điểm bán, trung tâm thương mại không chỉ là điểm mua sắm, giải trí mà trở thành nơi kết nối văn hóa, nơi công nghệ sẽ trở thành xu thế mới để tăng tính cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài.

Xây dựng thương hiệu cho hàng Việt: Phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn - Ảnh 3.

Tại Việt Nam, các trung tâm thương mại hiện nay không chỉ đồng bộ về mặt hàng mà còn là điểm đến mang tính cộng đồng. Ảnh minh họa

Trên thế giới, các thương hiệu lớn và các nhà kinh doanh trực tuyến lớn như Everlane, Amazon, Habitat... đều mở cửa hàng thực. Trong khi đó, các thương hiệu Uniqlo, Funan đã mang đến cho khách hàng cảm giác được trải nghiệm mua sắm online lẫn offline bởi xu hướng khách hàng mua nhiều hơn khi đến cửa hàng nhận những món hàng đặt mua trực tuyến.

Ở Việt Nam, các trung tâm thương mại hiện nay không chỉ đồng bộ về mặt hàng mà còn là điểm đến mang tính cộng đồng, là nơi vui chơi, mua sắm của cả khu vực và đang có xu hướng mở rộng ra các tỉnh - thành. Đặc biệt, các chủ đầu tư lớn như Vincom Retail, Vivo City, Aeon Mall... đã thường xuyên tổ chức quảng bá, hoạt động cộng đồng mang đến nhiều trải nghiệm cho người dùng và nhà bán lẻ cũng được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động này.

Rõ ràng, trong bối cảnh của ngành bán lẻ hiện nay, để tăng sức cạnh tranh, các cửa hàng phải có tính hấp dẫn, khiến khách hàng ngạc nhiên khi tới. Doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ số, thiết kế cửa hàng nêu bật được sản phẩm, thương hiệu và có thể kết hợp với những hoạt động mang lại trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng. Đây cũng là một cách thức xây dựng và quảng bá thương hiệu rất hiệu quả.

- Năm nay tròn 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó điểm nhấn là đưa hàng hóa Việt về nông thôn. Bà đánh giá thế nào về vai trò của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong chương trình này?

Việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong khẳng định giá trị doanh nghiệp nói riêng và thương hiệu quốc gia nói chung. Dù đạt được những chuyển biến tích cực nhưng hàng Việt chưa có nhiều thương hiệu mạnh, có khả năng truyền tải thông điệp ấn tượng tới khách hàng. Đây là một quá trình cần có chiến lược xây dựng bền vững, dựa trên mối quan hệ mật thiết giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Những mặt hàng được lựa chọn cần được tính toán để không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn góp phần cải thiện cuộc sống của người nông dân.

Hiện nay, bán lẻ không chỉ diễn ra ở mô hình siêu thị và trung tâm thương mại ở các đô thị mà còn ở các hình thức bán hàng khác, trong đó có cả thị trường nông thôn. Trong những năm gần đây, hệ thống siêu thị, đại siêu thị của khối doanh nghiệp nước ngoài có ảnh hưởng lớn tới hệ thống thương mại nước ta.

Do đó, nếu doanh nghiệp nội địa không nhanh chân, khu vực ngoại thành, ngoại thị, nông thôn cũng sẽ bị khối ngoại chiếm lĩnh. Bởi tốc độ và sự tiện lợi sẽ là hai yếu tố cốt lõi xác định chất lượng của trải nghiệm mua sắm hàng đầu. Các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có nhiều kinh nghiệm, nhiều thương hiệu lớn, tiềm lực tài chính rất mạnh, họ sẽ chiếm thế “thượng phong”. Trong khi đó, Việt Nam chưa có nhiều tập đoàn phân phối mạnh, có đủ sức mạnh để dẫn dắt thị trường nội địa - đây là điều rất đáng lo đối với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện nay.

- Xin cảm ơn bà!

Vỉnh Sưởng

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.