Xâm nhập thế giới tín dụng đen đất cảng: Cần tiền, a lô là có!
Tín dụng đen hoành hành: Ðòi nợ bằng… nắm đấm | |
World Cup khai mạc, cầm đồ, tín dụng lên ngôi |
Ảnh minh họa |
LTS:
Họ (hụi) góp, cho vay trả góp, hỗ trợ tài chính… xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng, cột điện, quán nước từ thành thị tới nông thôn. Đây thực chất là tín dụng đen gây nhiều bất ổn cho xã hội. Chủ các đường dây cho vay đa phần là giang hồ, có nơi lập hẳn công ty, cửa hiệu.
Nhiều tháng lăn lộn trong thế giới tín dụng đen ở đất Hải Phòng, chúng tôi biết nhiều thứ: Từ chuyện nhìn mặt cho vay đến “chăm sóc khách hàng”, kể cả chuyện đối phó với… công an.
Có lời giới thiệu, bảo lãnh của đàn anh trong giới giang hồ đất cảng, tôi vào học việc tại một cửa tiệm “hỗ trợ tài chính” dưới hình thức “họ góp”(hụi góp).
Công nghệ cho vay
Cửa tiệm nhỏ, nằm ngay mặt đường gần cầu Niệm, biển hiệu đỏ chót ốp kín mặt tiền với chữ trắng đập vào mắt mọi người “cho vay họ góp” kèm các thông tin: Không cần thế chấp, bảo mật thông tin, lãi suất thấp với đủ hình thức họ ngày, họ tháng, lãi nằm… và chỉ cần “alo là có”.
Vừa bước vào cửa tiệm, ngay lối ra vào là ban thờ thần tài, giữa phòng kê một bộ bàn ghế tiếp khách, trong cùng là chiếc bàn làm việc kê bộ máy tính trên có một mớ giấy tờ, sổ sách.
B. “còi”, chủ cửa tiệm, dáng nhỏ, ngực, cánh tay lồ lộ các hình xăm vằn vện, đang dán mắt trên màn hình máy tính ghi chép tên khách hàng cần thu nợ trong ngày ra một tờ giấy.
Vì chúng tôi là kẻ “nhập môn” nên B. giảng giải: Họ góp là cho vay trả góp cả gốc lẫn lãi hằng ngày theo bát họ 30, 40, 60, 100 ngày. Số tiền trả góp tùy vào số tiền vay và số ngày quay vòng, càng dài ngày mức góp càng thấp.
Theo B. “còi”, cửa tiệm “hỗ trợ tài chính” mang danh nghĩa cầm đồ nhưng chủ yếu cho vay. “Phần đông khách muốn vay họ góp vì trả được cả gốc trong thời gian nhất định” - B. thông tin.
Tại Hải Phòng, do cạnh tranh nên những bát họ ngắn ngày không có mấy khách, đa số khách được chọn bát họ dài ngày, 60 hoặc 100 ngày. Mức tiền cho khách vay phổ biến là 5 đến 10 triệu đồng, có thể lên tới vài chục hoặc cả trăm triệu tùy vào mức độ “uy tín” và năng lực “góp” của khách. Thông thường món vay nhỏ từ 10 triệu đồng trở xuống thì sẽ áp bát họ 60 ngày, món vay lớn hơn mới vào bát họ 100 ngày.
Một món vay 5 triệu đồng cho bát họ 60 ngày, cả gốc và lãi sẽ thành 6 triệu đồng, mỗi ngày khách phải trả 100.000 đồng, vay 10 triệu đồng ngày trả 200.000 đồng. Bát họ 100 ngày danh nghĩa khách vay 10 triệu đồng, tính hết một chu kỳ cả gốc và lãi thành 12 triệu đồng nhưng cửa hàng khấu trừ trước 2 triệu lãi, khách nhận được 8 triệu, trả 100 ngày, mỗi ngày 100.000 đồng. Mọi tính toán đã có phần mềm máy tính lo, khi có khách vay, B. “còi” chỉ cần nhập dữ liệu số tiền và số ngày vay là phần mềm sẽ tính toán được mức thu hằng ngày.
Khi khách hàng đặt vấn đề vay tiền, nếu có người uy tín giới thiệu, B. “còi” sẽ cho vay tín chấp không cần giấy tờ. Với khách lạ, B. cho người xác minh, giữ CMND, hộ khẩu hoặc giấy khai sinh, thậm chí sổ hưu, thẻ sinh viên, giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ ngành… rồi giao tiền. “Xác minh mà khách nào bết quá, vay nợ khắp nơi mới về tới mình thì từ chối thẳng. Thả gà ra đuổi phiền toái lắm!” - B. nói.
Cửa tiệm họ góp mọc lên như nấm sau mưa.
Các tờ rơi quảng cáo về cho vay họ góp, chỉ cần alo là có tiền.
“Thẩm định năng lực tài chính” khách hàng
Tôi đi theo Ngọc “cò lả”, đàn em dưới trướng B. “còi”, được giao quản lý, thu tiền của khách. Có khách góp hằng ngày, có khách thỏa thuận vài ba ngày thu một lần. Căn cứ theo sổ theo dõi, mỗi sáng B. “còi” lên danh sách khách hàng và số tiền phải thu trong ngày để buổi chiều chúng tôi đi thu. Buổi sáng, nhân viên “hỗ trợ tài chính” trực tại cửa hàng đón khách vãng lai, nếu có khách mang tiền tới cửa hàng trả thì thu.
Buổi chiều, Ngọc “cò lả” liên hệ điện thoại cho từng khách hàng để chốt thời gian, địa điểm thu tiền. 4 giờ chiều, nắng nóng hầm hập, tôi leo lên sau xe máy theo Ngọc “cò lả” đi thu tiền. Khách hàng là hai nữ tiếp viên quán karaoke ở huyện An Dương, cô M. vay 10 triệu hạn 60 ngày, mỗi ngày thu 200.000 đồng; cô H. vay 5 triệu hạn 40 ngày, ngày thu 150.000 đồng. Tới nơi, Ngọc “cò lả” đậu xe, bấm điện thoại. Lát sau, một cô gái váy ngắn hai dây từ quán bước ra. Cô lẳng lặng đưa cho Ngọc “cò lả” số tiền 200.000 đồng. “Cái H. hôm nay chưa có, mai trả hai ngày luôn nha” - cô gái nói. Ngọc cười gật gật đầu, rút giấy bút đánh dấu vào rồi nổ máy quay xe.
Cuối chiều Ngọc “cò lả” chạy lòng vòng thu tiền của gần chục khách hàng. Họ thuộc đủ các thành phần buôn thúng bán bưng, người làm chủ quán ăn, người làm nhà nước, chủ thầu đổ bê tông…
Buổi tối, chúng tôi tiếp tục chạy đi thu tiền của hai khách hàng, một người làm phụ xe, một người bán hàng ăn sáng. Đang trên đường về, B. “còi” gọi điện thoại kêu đi xác minh một khách hàng ở Kiến An muốn hỏi vay. Chúng tôi liên lạc rồi chạy đến nhà người này. Khách là một thanh niên chừng 30 tuổi, đang kẹt tiền. Sau khi xem giấy tờ tùy thân, hóa đơn điện, nước… xác định căn nhà mái bằng đúng là nhà của người liên hệ vay tiền, hỏi thăm thêm thông tin tại một quán nước gần đó, Ngọc báo về “OK”.
Hôm sau, tại tiệm, B. “còi” làm hợp đồng cho khách vay với mục đích là “mua xe máy”, giao tiền và B. không quên ghi hình toàn bộ việc này.
B. “còi” cho hay đối với những khách hàng có dấu hiệu “lủng”, dây dưa chậm trả, gọi điện thoại, nhắn tin không được, tùy từng người mà có “biện pháp thích hợp” buộc người vay hoặc người thân con nợ trả đủ.
Tín dụng đen đang “phủ sóng” mọi nơi, từ các ngóc ngách đô thị tới làng xóm nông thôn và khách hàng đa số đã trong tình trạng “không còn cửa để gõ”, thiếu trước hụt sau rồi cuốn vào vòng xoáy như ma trận này.
Vay 2,7 tỉ đồng, trả 12 tỉ trong 6 tháng chưa hết nợ! Tháng 11-2017, bà NTBP ở quận 11 (TP.HCM) vay của Hoàng Quốc Tuấn 500 triệu đồng và một người tên Khánh “kều” 1 tỉ đồng dưới danh nghĩa mua xe trả góp. Khi đưa tiền, Tuấn và Khánh lấy trước 20%, thu trước hai ngày lãi (lãi suất 60%/tháng). Từ tháng 11-2017 đến giữa năm 2018, bà đã trả góp cho Tuấn và Khánh 5 tỉ đồng, hiện còn nợ 3 tỉ đồng. Trong thời gian trên, bà P. không xoay đủ nên vay của Nguyễn Huy Long 500 triệu đồng, đến nay bà P. đã trả góp Long 3 tỉ đồng. Khi còn nợ 100 triệu đồng, Long tiếp tục giới thiệu để bà P. vay của Phạm Văn Khu 500 triệu đồng. Bà P. cũng đã trả Khu gần 3 tỉ đồng và hiện còn nợ 474 triệu đồng. Khu lại tiếp tục giới thiệu bà P. gặp Lê Chí Thắng và được người này cho vay 200 triệu đồng. Đến nay bà P. đã trả Thắng gần 1 tỉ đồng nhưng còn nợ 36 triệu đồng. Công an đã bắt 11 người trong hai nhóm của Tuấn và Long để điều tra. Trước đó Công an quận Tân Phú cũng bắt hai băng nhóm cho vay lãi nặng trên địa bàn. |