|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

World Cup 2018: Nga chi nhiều nhưng nhận lại chẳng bao nhiêu

07:36 | 15/06/2018
Chia sẻ
Nước chủ nhà Nga đã chi một số tiền kỷ lục để chuẩn bị VCK World Cup 2018, chính thức mở màn tối nay với cặp trận Nga-Saudi Arabia. Song ngoài danh tiếng và sự tự hào, Nga sẽ không nhận được nhiều lợi ích kinh tế từ giải bóng đá danh giá được tổ chức bốn năm một lần này.

Mức chi kỷ lục trong các kỳ World Cup

Ngân sách chính thức mà Nga phê duyệt để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, sân vận động và nơi lưu trú phục vụ VCK World Cup 2018 là 683 tỉ rúp (11 tỉ đô la Mỹ) nhưng theo tính toán của cổng thông tin kinh doanh RBC (Nga), tổng chi của Nga cho giải đấu này có thể lên đến 883 tỉ rúp (14,2 tỉ đô la Mỹ), mức chi kỷ lục của nước chủ nhà trong lịch sử các kỳ World Cup.

world cup 2018 nga chi nhieu nhung nhan lai chang bao nhieu
Sân vận động Luzhniki ở Moscow, Nga, nơi sẽ diễn ra trận thi đấu khai mạc World Cup Nga- Saudi Arabia vào tối nay. Ảnh: Sport Central

Chi phí chuẩn bị World Cup bắt đầu tăng mạnh từ năm 2014 khi nước chủ nhà Brazil phải chi đến 11,7 tỉ đô la Mỹ. Trước đó, các nước chủ nhà như Đức chỉ chi 3 tỉ đô la Mỹ vào năm 2006 và Nam Phi chi 3,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010.

Tuy nhiên, con số 14,2 tỉ đô la Mỹ vẫn còn tương đối nhỏ so với mức chi phí khổng lồ 51 tỉ đô la Mỹ mà Nga dành cho công tác chuẩn bị Thế vận hội Mùa đông 2014 ở thành phố Sochi.

Từ lúc Nga được trao quyền đăng cai World Cup 2018 vào năm 2010, nước này đã 12 lần điều chỉnh ngân sách chính thức chuẩn bị cho giải đấu. Nga đã đầu tư khá thông minh khi chi phần lớn ngân sách để xây dựng sân vận động và hạ tầng giao thông. Các khoản chi lớn nhất của Nga bao gồm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông (6,11 tỉ đô la Mỹ), xây dựng và tu sửa các sân vận động (3,45 tỉ đô la Mỹ). Các hoạt động này đã giúp tạo ra 220.000 công việc mới. Dự kiến, khoảng 500.000 du khách nước ngoài sẽ đến Nga dự khán các trận thi đấu World Cup.

World Cup 2018 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang trải qua giai đoạn hồi phục mong manh sau hai năm tăng trưởng âm vì các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và giá dầu xuống thấp. Ủy ban tổ chức World Cup 2018 của Nga ước tính các hoạt động đầu tư chuẩn bị cho giải đấu này đã giúp GDP tăng 15 tỉ đô la Mỹ trong sáu năm (2013-2018) và dự kiến sẽ đóng góp cho GDP thêm từ 150-210 tỉ rúp (2,4-3,4 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm trong năm năm tới.

Lợi ích kinh tế hạn chế

Cách đây vài ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin xuất hiện trong một đoạn video (video clip) đón chào những người hâm mộ (fan) bóng đá đến Nga dự sự kiện thể thao lớn nhất thế giới. Ông nói rằng việc tổ chức World Cup 2018 là “một niềm vinh dự và niềm hân hoan vĩ đại” của đất nước. Và thực tế, ngoài những điều đó, Nga không nhận được nhiều lợi ích kinh tế từ giải đấu này.

world cup 2018 nga chi nhieu nhung nhan lai chang bao nhieu
Các hãng phân tích cho rằng các lợi ích kinh tế mà Nga nhận được nhờ đăng cai World Cup 2018 là “rất hạn chế” và chỉ mang tính ngắn hạn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Commerzbank (Đức), lòng tự hào là phần thưởng lớn nhất mà các nước chủ nhà World Cup nhận được. Báo cáo cho rằng bất kỳ lợi ích kinh tế tổng thể nào mà nước chủ nhà nhận được cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

“Đăng cai tổ chức World Cup là một trọng trách ngày càng nặng nề, đòi hỏi các ứng cử viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt. Điều này làm gia tăng đáng kể chi phí và có rất ít bằng chứng cho thấy nước chủ nhà sẽ nhận được, nếu có, lợi ích kinh tế như các tuyên bố của họ trước giải đấu”, báo cáo cho biết.

Báo cáo của Commerzbank nói rằng phân tích dữ liệu GDP của các nước chủ nhà World Cup trong hai năm trước giải đấu và ba năm sau đó cho thấy nước chủ nhà không nhận được lợi ích kinh tế rõ ràng nào.

Trong khi đó, các nhà phân tích mà RBC khảo sát ý kiến đều cho rằng bất kỳ mức tăng trưởng kinh tế nào của Nga nhờ World Cup sẽ nhanh chóng lụi tàn dù chính phủ Nga chi tiêu mạnh tay.

Nhà phân tích kinh tế Sergei Drobyshevsky dự báo GDP của Nga sẽ tăng thêm 0,2% trong khoảng thời gian từ tháng 4-2018 đến tháng 9-2018 nhờ các hiệu ứng từ World Cup. Khách sạn, nhà hàng và các cửa hàng lưu niệm sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nhờ các mức giá dịch vụ và hàng hóa cao hơn thường lệ. Drobyshevsky cho biết các fan bóng đá sẽ đóng góp cho nền kinh tế Nga 3 tỉ đô la Mỹ trong thời gian diễn ra World Cup. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Dmitry Kulikov hiệu ứng World Cup sẽ tan biến gần như ngay lập tức sau trận chung kết World Cup.

Ngay cả hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's (Mỹ) cũng nhận định rằng các lợi ích kinh tế mà Nga nhận được nhờ đăng cai World Cup là “rất hạn chế” và “tồn tại trong trong thời gian ngắn”.

Các trận thi đấu trong VKC World Cup 2018 sẽ diễn ra ở 11 thành phố ở Nga. Báo cáo của Moody’s dự báo các fan bóng đá sẽ đóng góp cho GDP danh nghĩa của các thành phố này chỉ 1-2%.

“Sự khuyến khích kinh tế liên quan đến World Cup quá bé nhỏ so với quy mô nền kinh tế 1.300 tỉ đô la Mỹ mỗi năm của Nga”, báo cáo của Moody’s nhận định.

Moody’s cho rằng dù các công tác chuẩn bị World Cup giúp các khu vực của Nga, nơi diễn ra các trận đấu, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, chúng sẽ không giúp củng cố tăng trưởng dài hạn vì các ngành được hưởng lợi như du lịch, khách sạn, thương mại và vận tải “không phải là động lực chính” trong hầu hết nền kinh tế của các khu vực này.

Theo Ngân hàng Nordea Bank Danmark (Đan Mạch), World Cup 2018 sẽ giúp GDP của Nga tăng trưởng thêm 0,3% mỗi năm trong vòng 2-3 tới nhờ lượng khách du lịch tăng.

Xem thêm

Lê Linh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.