|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Wood Mackenzie: Trung Quốc là động lực cho thị trường dầu mỏ toàn cầu, chiếm gần 40% nhu cầu phục hồi năm 2023

20:55 | 23/03/2023
Chia sẻ
Wood Mackenzie cho biết bất chấp tình hình kinh tế ảm đạm, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ phục hồi trong năm nay và Trung Quốc sẽ đóng vai trò rất quan trọng.

Các bể chứa dầu ở ngoại ô thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Cú hích từ Trung Quốc

Trong báo cáo mới công bố hôm 23/3, hãng nghiên cứu Wood Mackenzie cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là “động lực thúc đẩy lớn nhất”, giúp nhu cầu dầu mỏ đi lên trong năm nay.

Các nhà phân tích dự đoán nền kinh tế tỷ dân sẽ chiếm khoảng 38,5% mức phục hồi của nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

“Việc Trung Quốc chuyển sang giai đoạn bình thường mới là động lực thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ lớn nhất. Nước này sẽ chiếm khoảng 1 triệu thùng/ngày trong mức tăng 2,6 triệu thùng/ngày của năm nay”, Wood Mackenzie nhận định.

Trong chuyến thăm Moscow đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận cam kết sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiều năm nữa, trong đó có khía cạnh an ninh năng lượng.

Trong chuyến thăm Arab Saudi trước đó, ông Tập cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một thị trường dầu mỏ ổn định, theo CNBC.

“Không tính kịch bản nền kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng, chúng tôi dự đoán giá dầu Brent sẽ tăng từ mức hiện tại lên trung bình khoảng 89,4 USD/thùng trong cả năm 2023”, Wood Mackenzie cho hay. Hiện, giá dầu đang dao động quanh mức 76 USD/thùng.

Hãng nghiên cứu này khá lạc quan về tăng trưởng GDP năm nay, bất chấp việc Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về chặng đường khó khăn phía trước.

Các nhà phân tích viết trong báo cáo: “Chúng tôi không cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ suy thoái trong năm nay, bất chấp những bất ổn gần đây trên thị trường tài chính sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank”.

“Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán nền kinh tế của các nước phương Tây sẽ tiếp tục chững lại trong nhiều tháng tới, trước khi đi đến một điểm bước ngoặt trong nửa cuối năm 2023”, họ bày tỏ.

 

Các kịch bản tăng trưởng 

Trong kịch bản cơ sở, Wood Mackenzie cho rằng sự phục hồi trong nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ đến từ người tiêu dùng. Song, hãng lưu ý rằng nhu cầu sẽ gia tăng hơn nữa nếu tăng trưởng kinh tế được dẫn dắt bởi lĩnh vực công nghiệp.

Trong kịch bản tích cực hơn, Wood Mackenzie kỳ vọng các quan chức Trung Quốc sẽ tìm cách kích thích kinh tế bằng cách thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy Trung Quốc có một khởi đầu khá im ắng trong năm đầu mở cửa. Sản lượng công nghiệp trong những tháng đầu năm thấp hơn kỳ vọng của thị trường.

Và giới lãnh đạo tại Bắc Kinh cũng đang khá thận trọng. Trong báo cáo công việc tại kỳ họp quốc hội đầu tháng này, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 tương đối khiêm tốn - “khoảng 5%”.

Song, “tốc độ tăng trưởng thực tế của Trung Quốc thường tốt hơn các dự báo của chính phủ, 12 trong 18 năm qua GDP đều tăng vượt mục tiêu chính thức”, Wood Mackenzie lưu ý.

“Đây có thể là một kịch bản kinh tế khác: chính phủ kỳ vọng thấp nhưng tạo ra thành quả tăng trưởng vượt mong đợi”, các nhà phân tích của Wood Mackenzie nhận xét.

Ở kịch bản thứ hai, cũng là kịch bản lạc quan hơn, Wood Mackenzie cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7% trong năm 2023 và 5,5% trong năm 2024.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Oxford Economics cho rằng các biện pháp của chính phủ Trung Quốc sẽ có tác dụng ngược lại.

Theo Oxford Economics, việc Bắc Kinh tập trung giải quyết vấn đề nợ nần của chính quyền các địa phương sẽ hạn chế chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và kéo theo đó là nhu cầu đối với hàng hoá công nghiệp.

Khả Nhân