|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Warren Buffett: Các CEO lừng danh nước Mỹ chỉ đáng xách dép cho Mrs B - cụ bà trăm tuổi bán thảm

07:13 | 17/12/2019
Chia sẻ
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng tuyên bố tài kinh doanh của một cụ bà bán thảm trăm tuổi có thể dễ dàng bỏ xa những lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất của nước Mỹ. Phát biểu này của ông chủ tập đoàn Berkshire Hathaway không phải là lời nói quá.
Warren Buffett Mrs B (1)

Đồ họa: Alex Chu.

Năm 1983, Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett mua lại 90% công ty bán lẻ nội thất Nebraska Furniture Mart với giá 55 triệu USD. Nhà đầu tư huyền thoại Buffett khi đó đã không tiếc lời khen ngợi bà chủ Rose Blumkin của Nebraska Furniture, hay thường được gọi với cái tên thân thuộc "Mrs B".

Theo tờ New York Times, năm 1984 Warren Buffett đã nói: "Đưa Mrs B ra đấu với những người tốt nghiệp ưu tú nhất của những trường kinh doanh xuất sắc nhất, hoặc sếp tổng của các công ty Fortune 500, giả sử họ có cùng điểm xuất phát với cùng nguồn lực, Mrs B sẽ bỏ xa, cho những người kia tha hồ hít khói".

Trả lời phỏng vấn đài NBC sau vụ mua lại, ông còn khẳng định: Nếu bây giờ tôi thành lập một công ty và có thể chiêu mộ bất kì ai trong số 25 người tốt nghiệp xuất sắc nhất các trường kinh doanh hoặc CEO trong nhóm Fortune 500, "Tôi vẫn sẽ chọn Mrs B. Không có ai tài năng như Mrs B".

Mrs B thành lập Nebraska Furniture Mart năm 1937 và huy động con, cháu của mình vào làm việc để đưa công ty trở thành hãng bán lẻ nội thất lớn nhất nước Mỹ.

Business Insider dẫn thông tin cuốn sách "The Deals of Warren Buffett Volume 2" cho biết ngày nay công ty nội thất này có doanh thu lên tới 1,6 tỉ USD và lợi nhuận sau thuế hơn 80 triệu USD mỗi năm.

Warren Buffett Mrs B (5)

Warren Buffett Mrs B (2)

Mrs B sinh năm 1893 trong một gia đình nghèo khổ tại vùng quê gần thủ đô Minsk của Belarus. Từ năm 6 tuổi bà bắt đầu làm việc trong cửa hiệu tạp hóa của mẹ mình. Đến năm 16 tuổi, bà đã quản lí 6 nhân viên nam.

Năm 20 tuổi bà lập gia đình, không lâu sau chồng bà chạy sang nước Mỹ để tránh bị bắt nhập ngũ. Năm 23 tuổi, bà tìm đường sang Mỹ để đoàn viên với chồng dù không được học hành, không biết tiếng Anh và không một xu dính túi.

Bà đi xuyên qua vùng hoang mạc Siberia trên tuyến tàu hỏa Trans-Siberian dù không có vé tàu hay hộ chiếu. Để vượt qua biên giới Nga-Trung, bà thuyết phục một người lính canh bằng cách hứa hẹn sẽ "hậu tạ" một trai rượu ngoại thật to khi bà quay lại.

Sau khi đến được bang Iowa của nước Mỹ, Mrs B và chồng chuyển đến thành phố Omaha, bang Nebraska – quê hương của Warren Buffett. Tại đây, bà bán quần áo cũ rồi chuyển tiền về quê giúp cha mẹ và 5 anh chị em tiếp tục di cư sang Mỹ.

Năm 1937 khi đang ở tuổi 43 với 4 người con, Mrs B thành lập Nebraska Furniture Mart với số tiền 500 USD mà bà vay từ một người anh trai. Số hàng tồn kho mà công ty bày bán lúc này trị giá khoảng 2.000 USD.

Đã có lúc, bà phải bán hết đồ đạc trong nhà, bao gồm cả chiếc tủ lạnh để thanh toán cho chủ nợ. Phương châm kinh doanh của bà là "Bán rẻ, nói thật, không lừa dối ai cả".

Bà bán hàng rẻ hơn tất cả đối thủ cạnh tranh của mình, tới mức các đối thủ này gây sức ép yêu cầu nhà sản xuất không được giao hàng cho công ty của bà nữa. Bà quyết định rời đến thành phố Kansas, Chicago và New York, mua hàng từ các cửa hàng bách hóa để bán lại mà giá vẫn thấp hơn đối thủ.

Các công ty khác có lần tập trung tẩy chay công ty của bà, kiện bà ra tòa với cáo buộc có hành vi thương mại không công bằng. Trong một phiên tòa, bà giải thích rằng bà kiếm lợi nhuận bằng cách bán mọi thứ với giá cao hơn chỉ 10% so với giá thành đầu vào.

Vị thẩm phán không những tuyên bà trắng án mà còn tới cửa hàng của bà vào ngay ngày hôm sau để mua tấm thảm trị giá 1.400 USD.

Warren Buffett Mrs B (3)

Huyền thoại Warren Buffett để mắt đến Nebraska Furniture từ rất lâu trước khi ông quyết định mua lại. Ít nhất là từ 12 năm trước thương vụ M&A, ông đã gọi đây là "một công ty thực sự tốt".

Trong nhiều năm liền Mrs B không đồng ý bán đi công ty của mình. Nhưng rồi năm 1983 khi đã 89 tuổi, bà tỏ ra thích ý tưởng này. Bà không muốn sau khi mình chết đi, các con lại tranh nhau tài sản và phải trả thuế thừa kế cao vót. Vậy nên bà quyết định bán công ty lấy tiền mặt và chia cho mọi thành viên trong gia đình.

Warren Buffett tiếp cận ông Louie – con trai của Mrs B trong thương vụ này. Nhà đầu tư huyền thoại đảm bảo với ông Louie rằng gia đình nhà Blumkin vẫn sẽ điều hành công ty và tập đoàn Berkshire Hathaway trong vai trò chủ sở hữu mới sẽ duy trì cái nhìn dài hạn với công ty.

Warren Buffett Mrs B (6)

Khi Warren Buffett đề xuất thương vụ mua lại với Mrs B, ông không buồn kiểm tra hàng tồn kho hay tình trạng bất động sản của công ty, cũng không kiểm toán sổ sách hay thực hiện bất kì biện pháp thẩm định rà soát nào.

"Tôi hỏi Mrs B là 'Công ty bà có nợ ai tiền không?', bà ấy trả lời 'Không', vậy là chúng tôi đàm phán xong", Warren Buffett nhớ lại.

Thương vụ được chốt chỉ với một nụ cười, một cái bắt tay và một bản hợp đồng dài 1/4 trang giấy mà Buffett soạn thảo.

Một cách mà Warren Buffett dùng để định giá trong trường hợp này là tưởng tượng mình phải vào vai nhà bán lẻ cạnh tranh với Mrs B.

"Tôi thà đi đánh nhau với một con gấu xám siêu to khổng lồ còn hơn phải cạnh tranh với Mrs B và con cháu của bà", vị Chủ tịch Berkshire Hathaway nói.

Warren Buffett Mrs B (4)

Sau khi Nebraska Furniture được Warren Buffett mua lại, Mrs B tiếp tục làm chủ tịch công ty và vẫn bán thảm cùng nhiều đồ nội thất khác.

Trong thư gửi cổ đông của Berkshire Hathaway năm 1987, Warren Buffett viết: "Mrs B khiến các đối thủ cạnh tranh phải xách dép chạy theo".

Ông nói thêm: "Tôi thấy rõ ràng là bà đang ngày càng giỏi trong kinh doanh và rất có thể sẽ phát huy hết tiềm năng của mình trong 5-10 năm nữa. Vì vậy, tôi đã thuyết phục hội đồng quản trị của Berkshire bỏ qui định bắt buộc nghỉ hưu năm 100 tuổi. Tôi nghĩ là cũng đến lúc bỏ rồi, mỗi năm trôi qua tôi lại thấy qui định này ngày càng ngu ngốc".

Năm 1989, khi đã 95 tuổi, Mrs B quyết định về hưu sau khi xảy ra bất đồng với các cháu của mình. Tuổi già nhưng đầu óc còn quá minh mẫn, chỉ ba tháng sau khi nghỉ hưu bà đã thành lập một hãng bán lẻ có tên Mrs B's Clearance and Factory Outlet – nằm ngay đối diện cửa hàng hàng Nebraska Furniture Mart.

Chỉ trong ba năm, công ty mới của bà đã trở thành hãng bán thảm lớn thứ ba thành phố Omaha, cạnh tranh trực tiếp với Nebraska Furniture. Warren Buffett quyết định tiếp tục mua lại công ty này để gộp với Nebraska Furniture.

Sau thương vụ này, Warren Buffett nói đùa rằng ông sẽ chỉ cho Mrs B nghỉ hưu sau khi bà kí cam kết không cạnh tranh.

Mrs B tiếp tục làm việc cho tới năm 103 tuổi. Một năm sau, năm 1998, bà qua đời. Các con, cháu của bà giờ đây quản lí cơ nghiệp do bà gây dựng. Chồng của bà qua đời từ năm 1950.

Đức Quyền, Alex Chu