Vượt qua dịch bệnh, hồi phục kinh tế
Tuy nhiên, theo TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ là điều tốt nhưng chưa phải là điều doanh nghiệp (DN) thật sự cần trong lúc này.
PHÓNG VIÊN: - Chỉ trong hơn một tháng rưỡi qua, 42 NH Trung ương đã cắt giảm lãi suất nhưng cho đến khi Fed cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần, NHNN mới quyết định giảm lãi suất điều hành. Theo ông, động thái này của NHNN có tác dụng như thế nào với tình hình trong nước hiện nay?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Trong thời điểm hiện nay, có thể nói bất cứ biện pháp nào để cứu gỡ cho các DN đều tốt. Khoanh nợ, cơ cấu lại nợ và mới đây là giảm lãi suất đều là những giải pháp tốt.
NHNN giảm lãi suất điều hành, trên thị trường 2, các NH có thể vay vốn chi phí thấp và sẽ có nhiều tiền hơn để cho vay ra với lãi thấp trên thị trường 1. Nhưng liệu rằng hạ lãi suất cho vay lúc này có giúp được nền kinh tế hay không là vấn đề cần bàn tới.
Hiện tại, DN nào đủ chuẩn vay vốn cũng không đi vay, vì vấn đề đang đặt ra đối với họ làm sao duy trì được hoạt động, duy trì được đời sống cho người lao động. Còn những DN dưới chuẩn rất cần vay nhưng lại không có NH nào dám cho vay.
Nhìn vào thực tế cũng thấy rõ, tăng trưởng tín dụng trong mấy tháng vừa rồi thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhiều, vì cầu tín dụng hiện tại đã xuống rất thấp. Giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng trong thời điểm nhu cầu tín dụng xuống thấp trở thành một mũi tên bắn không trúng đích.
Vấn đề hiện tại của nền kinh tế, của DN, thậm chí của người dân là thanh khoản chứ không phải tín dụng vì doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Từ các hãng hàng không cho đến DN sản xuất đều đang lo lắng sẽ cầm cự được bao lâu, người lao động lo lắng ngày mai còn có công việc hay không, có đủ tiền chi trả cuộc sống hay không khi nhiều công ty đã đề nghị giảm lương hoặc cho nghỉ luân phiên không lương.
Thực tế ở Mỹ, sau khi Fed giảm lãi suất, thị trường chứng khoán vẫn lao dốc đến 12%, tức là cả nền kinh tế thấy rằng hạ lãi suất đã không phải là mũi tên trúng đích. Đích đến bây giờ là làm sao duy trì được sự sống của cả nền kinh tế, của DN và người dân.
Với Việt Nam cũng vậy, NHNN cũng đã đi theo xu hướng chung, các nước đang giảm lãi suất thì NHNN cũng giảm lãi suất, và điều này tác động làm giảm chi phí cho các DN. Thế nhưng, vấn đề hiện tại DN và người dân cần không phải là hỗ trợ tín dụng mà là những sự hỗ trợ trực tiếp hơn.
- Trong Chỉ thị 11 của Chính phủ, có nêu 2 gói hỗ trợ quan trọng dành cho DN và người dân chịu ảnh hưởng dịch bệnh gồm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng. Nếu nói hỗ trợ tín dụng không phải là điều DN mong chờ trong lúc này, vậy gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn?
Đối với một quốc gia khi lâm bệnh, tất cả những vấn đề như đầu tư làm giàu đều phải để qua một bên và dùng tiền để tập trung chữa bệnh, sau khi sức khỏe phục hồi mới tính tới kế hoạch làm ăn tương lai. |
Với tình hình tín dụng hiện nay, gói tài khóa triển khai sẽ hợp lý hơn gói tín dụng. Tuy nhiên, gói tài khóa này lại quá nhỏ. Tôi đề xuất Chính phủ cần phải có gói quy mô lớn hơn để hỗ trợ DN và người dân.
Ở Mỹ, các DNNVV thông qua cơ quan bảo lãnh tín dụng để vay vốn NH, khi DN không trả được nợ, cơ quan bảo lãnh tín dụng sẽ dùng tiền trong quỹ để bồi thường cho NH.
Với Việt Nam, Chính phủ cũng cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho các DN chịu ảnh hưởng dịch bệnh thông qua việc bơm tiền vào các quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV như vậy.
Đó là những biện pháp hỗ trợ trực tiếp cần thiết, còn việc điều chỉnh chính sách tiền tệ như hạ lãi suất cho vay không có nhiều tác dụng trong thời điểm này.
- Nhưng như vậy sẽ đặt ra một vấn đề nguồn lực ở đâu để thực hiện cơ chế hỗ trợ trực tiếp?
- Nhà nước có thể tính toán cân đối từ các nguồn khác để có gói hỗ trợ trực tiếp đối với DN và người dân trong giai đoạn này. Đơn cử gần đây, nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công liên tục được nhắc đến nhằm thúc đẩy để tăng trưởng kinh tế năm nay.
Tôi cho rằng nên duy trì những kế hoạch đầu tư công, tăng cường phát triển hạ tầng cơ sở, nhưng có thể cân nhắc chỉ thực hiện những chương trình cần thiết của quốc gia, còn lại trích dùng một phần tiền đó để có nguồn lực hỗ trợ DN, đưa nền kinh tế ra khỏi bờ vực nguy hiểm.
Đối với một cá nhân, khi họ bị bệnh, tất cả những vấn đề như đầu tư làm giàu đều phải để qua một bên và dùng tiền để tập trung chữa bệnh, sau khi sức khỏe phục hồi mới tính tới kế hoạch làm ăn tương lai.
Hiện nay quốc gia đang ở trong hoàn cảnh tương tự như vậy, do đó cần phải có kế hoạch để vượt qua dịch bệnh trước, rồi sẽ lập lại kế hoạch phục hồi phát triển trong tương lai.
Hiện giờ vấn đề sống còn của DN rất quan trọng, cần phải cho họ một cái phao để cứu họ trước. Sau khi vượt qua được khủng hoảng này, chúng ta mới tính đến ổn định và phát triển kinh tế.
Theo tính toán của tôi, giả sử dịch bệnh đạt cao điểm trong 3 tháng tới, thì phần còn lại của năm là thời điểm chúng ta dần dần hồi phục lại.
Và thời gian hồi phục này sẽ kéo dài khoảng 1 năm, tức là đến giữa năm 2021 may ra nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam mới dần trở lại trạng thái bình thường được. Nên từ đây tới đó rất cần gói hỗ trợ cho người dân và DN.
- Xin cảm ơn ông.