|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vượt họ Vingroup, nhóm ngân hàng dẫn dắt VN-Index tăng mạnh nhất, cổ phiếu nào kìm hãm sức mạnh của thị trường?

13:37 | 28/10/2019
Chia sẻ
Theo thống kê, cổ phiếu VCB của Vietcombank đứng đầu trong việc thúc đẩy VN-Index tăng điểm với 38,26 điểm. 6 cổ phiếu ngân hàng trong nhóm 20 mã tác động lớn nhất đến đà tăng của VN-Index kéo chỉ số tăng 53,4 điểm, vượt con số 39,44 điểm của họ Vingroup.

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tương đối tích cực trong 10 tháng đầu năm nay (1/1/2019 - 25/10/2019). Cụ thể, VN-Index là chỉ số thị trường có sức tăng mạnh nhất với 11,75%, tương ứng với . Theo sau đó, VN30-Index tăng 8,34% lên 927,05 điểm. Cùng với đó, HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 1,99% và 7,06%. Vậy đâu là cổ phiếu tác động lớn nhất đến đà tăng của VN-Index trong 10 tháng đầu năm nay?

Số liệu được Nhóm phân tích MMA Stock tổng hợp trong 10 tháng đầu năm, sàn HOSE có 203 cổ phiếu giao dịch tích cực, thúc đẩy đà tăng của VN-Index. Ở chiều ngược lại, sàn HOSE ghi nhận 175 mã kéo tụt điểm số của VN-Index.

Nhóm ngân hàng và họ Vingroup "kéo" VN-Index tăng bao nhiêu điểm?

Tăng giá

Dữ liệu thống kê cho thấy nhóm ngân hàng chiếm ưu thế trong Top20 cổ phiếu tác động lớn nhất đến điểm số của VN-Index với 6/20 mã. Theo đó, cổ phiếu VCB của Vietcombank đứng đầu trong việc đóng góp vào sức tăng điểm số của VN-Index. Với việc tăng giá 64,5%, mã VCB giúp VN-Index tăng 38,26 điểm. Ghi nhận tại ngày 25/10, Vietcombank là công ty niêm yết có giá trị vốn hóa đứng thứ hai trên thị trường.

Top 20 cổ phiếu tác động lớn nhất đến đà tăng điểm số của VN-Index còn có nhiều cổ phiếu ngân hàng khác như BID (tăng 5,78 điểm), MBB (3,96 điểm), CTG (3,01 điểm), VPB (1,45 điểm), EIB (0,94 điểm). Tổng cộng 6 cổ phiếu ngân hàng trên giúp VN-Index tăng 53,4 điểm trong 10 tháng đầu năm nay.

Đứng sau dòng cổ phiếu ngân hàng là cổ phiếu 'họ Vingroup' khi nhóm này kéo VN-Index tăng 39,44 điểm trong 10 tháng đầu năm nay. Cụ thể, với việc đứng đầu về giá trị vốn hóa trên thị trường, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng gần 23%, giúp VN-Index tăng 21,42 điểm. Theo sau đó, cổ phiếu VHM của Vinhomes cũng tăng giá 18,58%, thúc đẩy chỉ số tăng 13,92 điểm.

Nhóm kéo VN-Index tăng hơn 10 điểm còn có mã GAS của PV Gas khi cổ phiếu này tăng giá 23,5%, giúp chỉ số tăng 11,85 điểm. Cổ phiếu khác ngành Dầu khí là PLX của Petrolimex cũng diễn biến tích cực trong 10 tháng đầu năm nay, đóng góp gần 3 điểm vào sức tăng của VN-Index.

Bluechip quen thuộc của các nhà đầu tư trên thị trường là VNM của Vinamilk cũng giao dịch tích cực, đóng góp 9,52 điểm vào sức tăng của chỉ số. Cùng với đó, mã VJC của Vietjet Air cũng giúp VN-Index tăng 4,3 điểm trong 10 tháng đầu năm nay.

Hai cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ là MWG của Thế giới Di động và FPT của FPT cũng đóng góp lần lượt 5,57 và 4,33 điểm vào số điểm tăng của VN-Index. Được biết, cả hai mã này đều đang giao dịch tại vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết.

Ngoài ra những cổ phiếu bluechip trên, với việc tăng giá ấn tượng, một số cổ phiếu cơ bản cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của VN-Index như PNJ (0,99 điểm), PPC (0,83 điểm), GTN (0,77 điểm) và REE (0,74 điểm).

Đâu là "tội đồ" kéo tụt đà tăng của VN-Index?

Giảm giá

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu thuộc nhóm bảo hiểm, chứng khoán giảm sâu, kìm hãm đà tăng của chỉ số. Điển hình, với việc mất giá 19,7%, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt khiến VN-Index giảm 3,7 điểm. Một số cổ phiếu dòng chứng khoán giảm sâu, tác động tiêu cực lên chỉ số như SSI (khiến VN-Index giảm 0,66 điểm), VCI (0,52 điểm).

Cùng với BVH, một cổ phiếu trụ khác cũng diễn biến không mấy khả quan, khiến chỉ số giảm điểm là SAB của Sabeco khi mã này khiến VN-Index mất hơn 2 điểm.

Tại nhóm ngân hàng, cổ phiếu TCB của Techcombank lại giảm giá 7,74% trong 10 tháng, khiến VN-Index mất gần 2,2 điểm. Một số mã ngân hàng khác cũng giảm sâu kéo tụt điểm số của VN-Index như STB (0,59 điểm), HDB (0,44 điểm).

Cổ phiếu ngành xây dựng - vật liệu xây dựng - bất động sản cũng giảm sâu, trở thành "tội đồ" của thị trường. Đơn cử, cổ phiếu ROS của Xây dựng FLC Faros giảm giá 33,85%, kéo VN-Index giảm 2,25 điểm. Ngoài ra, các mã khác trong nhóm này làm giảm điểm chỉ số như CTD (1,8 điểm), HPG (1,53 điểm), NVL (1,05 điểm), DXG (0,49 điểm).

Với kết quả kinh doanh giảm sốc và lùm xùm với Youtube, cổ phiếu YEG của Yeah1 giảm giá 76,6% trong 10 tháng đầu năm, khiến VN-Index mất 1,7 điểm. 'Tân binh' của sàn HOSE là HVN của Vietnam Airlines cũng giảm giá hơn 10% làm VN-Index giảm 1,62 điểm.

Top 20 cổ phiếu kéo giảm điểm số của VN-Index còn có một số cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình nhóm ngành sản xuất như POW (kéo giảm 1,68 điểm), MSN (0,9 điểm), DPM (0,86 điểm), VHC (0,38 điểm) và HNG (0,35 điểm).

Thống kê trên cho thấy, trong 10 tháng đầu năm nay, sự khởi sắc của nhóm ngân hàng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc dẫn dắt đà tăng của thị trường. Với kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm, liệu nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục thể hiện vai trò "đầu tàu" trong việc kéo VN-Index tăng điểm trong chặng đường còn lại của năm 2019.

Nhóm phân tích MMA