'Vua hồ tiêu' đưa tiêu sạch quay về thị trường nội địa
Việt Nam cho đến nay là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất trên thị trường thế giới với trên 140.000 ha diện tích trồng. Trong 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam lượng tăng 21,2% so với cùng kì, lũy kế đạt 631 triệu USD, giảm 7,2% do giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh. Trước đó, từ 2018 trở về trước, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam liên tục đạt kim ngạch tỷ USD, chiếm 55% thị trường toàn cầu.
Theo số liệu thống kê, hồ tiêu Việt Nam hiện chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, chiếm 95%, trong khi thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 5%. Đồng thời, thương hiệu hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa gắn với các sản phẩm có chế biến sâu, giá trị gia tăng cao như nhiều quốc gia khác. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm hồ tiêu với ngành công nghiệp gia vị trong nước, do mức tiêu thụ thấp, gần như bị các doanh nghiệp hoàn toàn bỏ qua.
Từ 2006 đến nay, Công ty cổ phần Phúc Sinh là đơn vị đứng số một tại Việt Nam về xuất khẩu tiêu với 8% thị phần toàn cầu, được mệnh danh là Vua xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam.
Phúc Sinh là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đầu tư nhà máy tiêu tiệt trùng theo công nghệ hiện đại đạt chuẩn vào Châu Âu. Phúc Sinh cũng là 1 trong số ít doanh nghiệp hồ tiêu được cấp chứng nhận Rainforest Alliance – chứng chỉ quốc tế công nhận sản phẩm hồ tiêu bền vững từ vườn trồng; và các chứng nhận Halal, Kosher.
Tuy nhiên, thực trạng nói trên được ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group xem đó là cơ hội. Theo Chủ tịch Phúc Sinh, ngành công nghiệp gia vị Việt Nam vẫn còn để trống các phân khúc được chế biến từ hồ tiêu – nguyên liệu nông sản mà Việt Nam sẵn có.
Lấy cảm hứng từ cuộc trò chuyện với một khách hàng người Đức về những mẫu chuyện về rau quả sấy lạnh, khi được cho vào nước thì nó sẽ trở về nguyên trạng như ban đầu. Ông chủ Phúc Sinh đặt vấn đề "tại sao có rau quả sấy lạnh mà hạt tiêu sấy lạnh thì không làm được?". Từ đó, ông cùng các cộng sự R&D bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm.
Nhờ vào nền tảng công nghệ và kinh nghiệm sau hơn chục năm xuất khẩu sang các thị trường có chuẩn mực an toàn vệ sinh thực phẩm cao nhất toàn cầu như Mỹ và Canada, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha… Phúc Sinh Group đến nay đã chính thức ra mắt sản phẩm Tiêu Sấy Lạnh và Nước sốt Tiêu – thuộc nhãn hàng K Pepper, những sản phẩm gia vị công nghệ mới lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, tiến đến làm đầy các phân khúc chưa được sự quan tâm đúng mực.
Theo Phúc Sinh, tiêu sấy lạnh K Pepper được lựa chọn thu hoạch từ những hạt tiêu xanh được bảo quản theo qui trình chặt chẽ và chế biến sâu ngay tại nhà máy nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Qua công nghệ sấy lạnh đầu tiên được Phúc Sinh Group nghiên cứu và phát triển, tiêu sấy lạnh K Pepper giữ nguyên được màu tươi xanh tự nhiên của hạt tiêu xanh được thu hoạch trước khi chín khoảng 2-3 tháng, vừa đảm bảo đủ độ nồng cay của hạt lõi tiêu già và có hương vị ngọt nhẹ, tươi ngon tự nhiên của lớp vỏ tiêu xanh được giữ nguyên còn bao bọc bên ngoài.
Bên cạnh K PEPPER, một sản phẩm khác cũng được bộ phận R&D của Phúc Sinh nghiên cứu thành công và ra mắt thị trường nội địa là nước sốt tiêu K Pepper, đây cũng là sản phẩm được làm từ hạt tiêu tươi được thu hoạch từ các vùng trồng tiêu chất lượng, được thu hái đúng thời điểm và vẫn giữ nguyên được vị quả tự nhiên trong nước sốt được nghiên cứu cẩn thận tại phòng thí nghiệm đạt chuẩn Châu Âu của Phuc Sinh Group.
"Tiêu sấy lạnh và Nước sốt Tiêu nhãn hiệu K Pepper là hai sản phẩm tiêu biểu theo tiêu chuẩn "From Farm to Dish" (Từ Vườn đến Đĩa) của Phúc Sinh Group ra mắt lần này, đã được kiểm chứng, đón nhận và xuất khẩu từ 2017 ngay tại các thị trường quốc tế. Chúng tôi tin rằng người Việt Nam xứng đáng được sử dụng những sản phẩm gia vị sạch, chất lượng, những sản phẩm có nguồn gốc từ nông sản Việt, của doanh nghiệp Việt, chủ tịch Phúc Sinh nói.
Ông Thông cho biết thêm, để cho ra đời 2 dòng sản phẩm trên, chi phí đầu tư cho cho nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất của Phúc Sinh Group lên đến 50 tỷ đồng.
Dù vậy, những giá trị mà đầu tư cho R&D mang lại theo ông Thông là rất lớn, đặc biệt là sự đón nhận nhiệt tình của khách hàng quốc tế. "Nếu như xuất khẩu tiêu đen chỉ có giá 2,5 USD/kg, tương ứng 2.500 USD/tấn thì tiêu sấy lạnh giữ được màu sắc xanh bóng, đẹp và hương vị tự nhiên được bán với giá cao hơn gấp 6 lần, từ 14 - 18 USD/kg, tương ứng từ 14.000 - 18.000 USD/tấn", ông Thông chia sẻ.