|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hồ tiêu chật vật tìm đường 'thoát nạn'

14:09 | 04/09/2019
Chia sẻ
Giá giảm, cạnh tranh gay gắt, và hàng rào kĩ thuật đang đẩy ngành hồ tiêu trong nước vào thế chân tường.
Hồ tiêu chật vật tìm đường 'thoát nạn' - Ảnh 1.

Ngành hồ tiêu đang bị đẩy vào thế chân tường. Ảnh: TTXVN

Bảy năm, diện tích tăng ba lần

Những tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu vẫn tiếp tục tăng mạnh nhưng điều này không khiến nông dân tại huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước vui mừng. 

Anh Nguyễn Văn Hanh, nông dân tại đây, nói giá tiêu giảm mạnh trong năm năm liên tiếp khiến gia đình anh càng thu hoạch, càng lỗ. “Tôi cố gắng cầm cự thêm một đến hai năm nữa chờ giá lên”, anh Hanh nói, “nếu tình hình không thay đổi, chắc tôi phải chuyển sang trồng cây khác”.

Những khoản nợ ngân hàng đến ngày đáo hạn, giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi giá bán tiêu giảm, thậm chí không thể bán được đang khiến người trồng tiêu trên cả nước lao đao.

“Cạnh tranh gay gắt”, “hàng rào kỹ thuật” và “giá hồ tiêu giảm mạnh” là những yếu tố đẩy ngành hồ tiêu lao dốc, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận xét.

Nguồn cung hạt tiêu tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu đã đẩy giá mặt hàng này lao dốc trong thời gian qua. Bộ Công Thương cho hay trong nửa đầu năm 2019 xuất khẩu hồ tiêu đạt 177.000 tấn, trị giá hơn 452 triệu đô la Mỹ, dù tăng hơn 34% về lượng nhưng lại giảm 0,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Sáu tháng đầu năm, tại những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, lượng xuất khẩu hồ tiêu đều tăng mạnh nhưng giá trị mang về lại không bằng năm 2018, thậm chí giảm sâu. 

Ví dụ, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nơi chiếm khoảng 15,6% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam, đã tăng 17,5% về lượng nhưng lại giảm tới 11,2% giá trị.

Hồ tiêu chật vật tìm đường 'thoát nạn' - Ảnh 2.

Diện tích hồ tiêu của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 51.000 héc ta năm 2010 lên 153.000 héc ta năm 2017, tức tăng gấp ba lần chỉ sau bảy năm, vượt xa quy hoạch, theo số liệu của Ban Quản lý dự án nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Tăng nhanh về sản lượng nhưng không quản lý được chất lượng nên ngành tiêu Việt Nam càng bị tác động nặng nề hơn bởi vòng xoáy giảm giá trên thị trường toàn cầu. 

Và trong khi giá bán giảm trên 30%, theo phân tích của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thì chi phí sản xuất năm 2018 của Việt Nam tăng ít nhất 10% so với năm 2017.

Năm năm trước, hạt tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. Nhưng hai năm gần đây, vị thế này đang có nguy cơ bị nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia làm lung lay. Brazil, đối thủ cạnh tranh lớn nhất ngành tiêu trong nước, có chất lượng hạt tiêu tốt hơn hẳn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Cửa mở nhưng không dễ vào

Nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và vừa ký kết như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sẽ mở cửa thị trường cho mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có hạt tiêu vốn đang điêu đứng về giá và chất lượng.

Chín nước trong CPTPP cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan gồm Úc, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản. Trong khối này, hồ tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khá lớn.

Tuy nhiên, với mặt hàng nông sản, không phải cứ mở cửa thị trường, thuế giảm về 0% là có thể tăng kim ngạch xuất khẩu.

Theo Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), các tiêu chuẩn của các nước CPTPP khá nghiêm ngặt vì các thành viên trong hai khối này đều là các nước phát triển, có hệ thống tiêu chuẩn trong nước ở mức rất cao.

Hồ tiêu chật vật tìm đường 'thoát nạn' - Ảnh 3.

Đối với CPTPP, không có các quy định thống nhất vì đây không phải là một khu vực kinh tế chung. Mỗi nước trong CPTPP sẽ có một quy định riêng về các hàng rào kỹ thuật, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS/TBT). 

Do vậy, tùy vào từng nước mà các quy định về SPS/TBT cao hay thấp khác nhau. Các nước phát triển trong CPTPP thường sẽ có các yêu cầu cao hơn như Nhật Bản, Úc và Canada.

Trong khi đó, EVFTA ban hành các quy định chung về SPS/TBT của toàn khối như giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mức tối đa đối với một số chất nhất định, độc tố nấm, kim loại nặng... 

Trong trường hợp sản phẩm liên tục bị phát hiện không tuân thủ quy định, EU sẽ tăng tần suất kiểm tra và yêu cầu các điều kiện chứng nhận. Ngoài các quy định tối thiểu chung của EU, các đối tác nhập khẩu tại EU có thể có các quy định cao hơn nữa từ các nhà nhập khẩu, đặc biệt là các siêu thị.

“Các hàng rào kỹ thuật trong các hiệp định như vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là rào cản lớn của ngành hồ tiêu Việt Nam”, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định.

Do đó, xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường này không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam nhiều lần bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu.

Vấn đề dư lượng hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào thị trường châu Âu là một ví dụ cụ thể. Trước đây, lượng tối đa cho phép của hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU là 0,1 ppm, nhưng Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu điều chỉnh mức này xuống còn 0,05 ppm. 

Do đó, đến năm 2018, mới chỉ có 46% hồ tiêu Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, theo IPSARD.

Ông Nestor Sherbey, chuyên gia của Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GTFA), cho hay những thay đổi về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của EU và một số nước khác đều nằm trong các điều khoản thương mại quốc tế thuộc WTO nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Tất cả các thành viên WTO đều có tiêu chuẩn riêng đối với hàng nhập khẩu. Ví dụ tại Mỹ, nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp vượt ngưỡng giới hạn dư lượng hóa chất có thể dẫn đến các hình phạt về pháp lý đối với doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa đó, cũng như tái xuất hoặc tiêu hủy hàng hóa vi phạm dưới sự giám sát của hải quan.

Vì thế, ông Nestor Sherbey cho rằng ngành hồ tiêu cần tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn, ở đó quy tụ các doanh nghiệp thành công trong việc tiếp cận các thị trường khó tính, chia sẻ kinh nghiệm để các doanh nghiệp khác trong ngành học hỏi.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phải làm trong thời gian tới là xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững. 

Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ thực hiện thí điểm mô hình liên kết có cấp chứng nhận, mã số vùng trồng tại một số địa phương trồng hồ tiêu lớn, đáp ứng nhu cầu một số thị trường yêu cầu cao về chất lượng và có thể kiểm soát qua thông tin chỉ dẫn xuất xứ.

Vũ Dung