|
 Thuật ngữ VietnamBiz

 

Sau chuyến đi Châu Âu trở về lần này, ông Thông cho biết người dân Châu Âu hiện họ cũng không rõ khi nào xung đột Nga – Ukraine kết thúc. Trong khi người dân Châu Âu nhiều năm nay đã không còn sản xuất các thiết bị mà chuyển cho nước thứ ba, phần lớn đến từ Trung Quốc.

Một chiếc tủ lạnh phải chờ tới 4 tháng mới được giao. Một cái nhà máy của họ phải dừng tới 6 tháng dù đã gần như xong mọi thứ, tất cả chỉ chờ các thiết bị từ Trung Quốc. Nhưng khi nào Trung Quốc mở cửa? Chúng ta cũng chưa biết được. Hiện bây giờ rất khó để khẳng định khi nào thì kinh tế thế giới phục hồi, bây giờ người ta chỉ quan tâm đến thực phẩm. Cho nên ít nhất phải hết năm 2024 mới có thể kỳ vọng kinh tế Châu Âu phục hồi.

 

Tất cả mọi người dân đều trên tinh thần tiết kiệm. Điều này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam. “Hiện tại, anh nghĩ ít nhất khoảng 50% đơn hàng sụt giảm, đặc biệt trong các ngành hàng giày da, may mặc, nội thất, điện tử,… Tôi có người bạn chuyên làm logistics, trước đây mỗi tháng làm khoảng 500 cont, bây giờ chỉ còn 200 cont.

Có thể hình dung rất rõ nếu chúng ta quan sát lượng xe vào ra tại các cảng. Hiện cước tàu từ Việt Nam sang Dubai khoảng 2.600 USD/cont hồi tháng 8, bây giờ là 800 USD/cont. Cách đây 1 năm trước cước tàu sang Mỹ là 19.000 USD/cont, bây giờ còn 5.500 USD/cont”, - ông Thông nói rằng đây là thực tế của sự khó khăn mà không cần nhìn vào các số liệu báo cáo vĩ mô vẫn có thể hình dung được.

 

Điều tạo nên sự khác biệt đó của ông chủ Phúc Sinh đó là tư duy luôn nhìn vấn đề thật đơn giản, việc gì chúng ta cũng có thể làm được nếu thực sự muốn làm. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, bạn sẽ luôn thấy ở ông chủ Phúc Sinh một nụ cười thật tươi và nguồn năng lượng tích cực mà ông mang đến cho người đối diện.

 

"Tôi luôn nói với nhân viên không có nghĩa là người ta khó khăn thì mình khó khăn, mà đây là lúc chúng ta phải tư duy tốt, làm mọi thứ phải đặc biệt để vượt lên. Chúng ta có nhiều dư địa để phát triển tốt trong lĩnh vực kinh doanh, doanh thu 300 triệu USD/năm, tức quy mô của chúng ta mới được 10/100 trong lĩnh vực của mình, chúng ta có thể “grow up” lên 30-50 thậm chí hơn nữa.

Bọn tôi đi rất nhiều. Tham gia nhiều hội chợ bán hàng, tiếp cận khách hàng, thay đổi quan điểm của họ. Bọn tôi không ngồi một chỗ”, ông Thông nói.

Phúc Sinh hiện đang có kế hoạch đầu tư thêm vài nhà máy mới. Ông Thông cho biết bên cạnh nguồn tiền mặt hiện có, Phúc Sinh đã có sự cam kết tài trợ khoảng 1.800 tỷ đồng từ các tổ chức nước ngoài, lãi suất tốt hơn thị trường trong nước hiện nay.

Ông Thông cũng cho rằng mình may mắn vì kinh doanh trong ngành thực phẩm, mặt hàng này không những không suy giảm nhu cầu mà còn đạt được mức tăng trưởng mạnh. Riêng Phúc Sinh xuất khẩu mỗi năm khoảng 300 triệu USD, 6 tháng đầu tăng khoảng 60%, bây giờ cũng chậm lại đôi chút nhưng mức tăng trưởng bình quân cũng đạt khoảng 50% cho cả năm nay. Lợi nhuận 9 tháng đầu năm lợi nhuận của Phúc Sinh tăng gấp đôi so với năm ngoái.

 

Khi được hỏi về “các diễn biến tiêu cực gần đây ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp và và liệu có ảnh hưởng đến kế hoạch IPO của Phúc Sinh hay không?”, ông Thông cho rằng cá nhân ông không phải là người trong ngành tài chính, nhưng vẫn đánh giá thị trường Việt Nam vẫn còn rất trẻ, phát triển rất hoang dại nên khi điều chỉnh một cách thô bạo sẽ dẫn đến những tổn thương nhất định. Nhưng nhìn chung, thị trường Việt Nam vẫn tốt hơn rất nhiều so với cách đây 10 hay 5 năm trước.

Riêng Phúc Sinh, IPO không nhằm mục đích để huy động vốn, mà nhiều nhân viên đã gắn bó với Phúc Sinh ngay từ những ngày đầu, đến lúc phải nghĩ đến việc cho họ thêm quyền lợi theo sự phát triển của công ty. Phúc Sinh đã làm việc nhiều với các nhà tư vấn, các đối tác nước ngoài nhiều năm, sổ sách rõ ràng ngay từ đầu nên việc IPO không có gì khó, dự kiến là 2024 khi thị trường ổn định trở lại.

“Tôi hay nói với mọi người trong công ty rằng có thể chúng ta không giàu bằng dân chứng khoán, bất động sản hay ngân hàng, nhưng cái nghề thực phẩm này nuôi sống chúng ta rất là bền, bằng chứng là bây giờ chúng ta vẫn đang tăng trưởng”, ông Thông nói.

Thậm chí, khi được hỏi rằng trong điều kiện nền kinh tế kéo dài khó khăn như vậy nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn và mức giá để mua lại sẽ giảm đi nhiều, Phúc Sinh có xem đây là cơ hội để mở rộng kinh doanh hay không?, ông Thông cho biết "Phúc Sinh thực sự có quan tâm. Chúng tôi có thế mạnh làm sản xuất, nguyên liệu xuất khẩu, nếu giá tốt mình sẽ mua thôi. Nhưng đó phải là ngành sản xuất, xuất khẩu, không phải ngành tài chính, bất động sản hay bán lẻ”.

 

Khi tôi hỏi ông Thông về việc ông đánh giá như thế nào về khả năng thành công của một doanh nghiệp trong nước muốn xuất khẩu ngành xây dựng ra nước ngoài, câu trả lời của ông chỉ gói gọn: “Quan trọng là họ muốn làm!”.

 

Ông Thông lấy ví dụ: “Lần đầu tiên ra sách “Sáng Tạo Không Giới Hạn Trong Kinh Doanh” hồi hộp và đầy lo lắng, tuy nhiên sách được mua khá nhiều hơn 10.000 cuốn được bán ra và bạn đọc dành nhiều sự yêu thích, thấy tự tin hơn. Sau 4 năm, ra cuốn thứ hai “Vượt Lên, Những Con Đường Kinh Doanh” cũng nhận được sự yêu thích của người đọc, mình nghĩ, nếu có người đọc Việt Nam yêu thích thì đâu đó trên thế giới cũng sẽ có người yêu thích.

Sách về các câu truyện kinh doanh, vượt khó, các câu truyện về khác biệt văn hoá thân phận con người, sách về start up ở đâu cũng vậy, dễ đọc dễ tiếp cận.

Vậy sao không tìm cách phát hành ở nước ngoài? Mình liên hệ với các nhà sách trong nước thì nhận thấy bản thân các nhà sách cũng không biết phải làm thế nào? Chỉ có từ nước ngoài bán và dịch sách vào Việt nam chứ không có từ Việt nam ra thế giới, có chăng rất ít do các tổ chức từ thiện, tổ chức phi chính phủ làm.

Và một câu hỏi nảy ra trong đầu mình, có lẽ mình sẽ là một trong những người đầu tiên tìm cách xuất bản ra thế giới theo con đường kinh doanh. Mình sẽ áp dụng tư duy bán sách của mình như bán hạt tiêu và cà phê ra thế giới. 

 

Nhưng phải thừa nhận là người Việt chúng ta hay bị hạn chế bởi tư duy. Ban đầu khi anh nói anh muốn in thành 7 thứ tiếng, hầu hết mọi người đều cười cợt.

Thế nhưng, tôi vừa có được hợp đồng rất tuyệt vời, cuốn sách Vượt lên, những con đường kinh doanh sẽ được xuất bản tại Anh. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên của người Việt được xuất bản tại Châu Âu”, ông Thông phấn khích kể lại.

Chính Chủ tịch Phúc Sinh cũng thừa nhận ông chỉ là một tác giả. Ông viết vì niềm vui. Tác phẩm Vượt lên, những con đường kinh doanh vốn chỉ là các câu chuyện ông ghi lại trong quá trình kinh doanh của mình, phần lớn thời gian ông viết là trong những kỳ công tác dài ngày tại phương Tây, một mình trong khách sạn.

Nhưng rồi ông thấy nhiều người quan tâm. Số lượng xuất bản tốt hơn nhiều so với dự kiến. Ông Thông nói tiếp: "Nhiều người phản hồi rất tốt, tôi không giỏi viết nhưng họ đánh giá cách viết rất chân thật. Với lại cái cách mà bọn tôi kinh doanh khắp thế giới làm cho mọi người rất ngạc nhiên.

Mỗi ngày có hàng chục nghìn các bản thảo gửi đến các nhà xuất bản gửi đến từ khắp nơi, và đại đa số các nhà xuất bản họ bỏ vào sọt rác. Harry Porter đó còn gì? Họ gửi cả trăm các bản thảo cho các nhà xuất bản nhỏ, và đến cuối cùng mới được nhà xuất bản nhỏ nhất chấp nhận phát hành.

Nhà văn luôn nghèo, rất ít người giàu. Và việc nhà văn họ phát hành, dịch sang tiếng anh và gửi cho các nhà xuất bản thế giới có phải là việc gì xa xôi đâu? Việc này có gì khó đâu bởi vì chúng ta gửi bằng bản PDF. Chúng ta gửi qua email mà. Nhưng họ có quyết định làm không?

Bọn tôi làm và bọn tôi luôn hy vọng. Bọn tôi nghĩ đó là sự thật. Hàng ngày, tôi luôn hỏi các bạn nhân viên “thế nhà xuất bản đó họ trả lời chưa, nhà xuất bản kia họ trả lời chưa (cười)?”".

Nhưng liệu rằng nhà xuất bản đó họ nhận bản thảo của anh vì tên tuổi của ông trên thị trường không? - tôi hỏi, ông Thông đáp: 

“Vì sao em lại nghĩ như thế? Vấn đề nằm ở chỗ nội dung có hay không, có sức hút hay không? Anh không phải là người trực tiếp làm việc với họ, anh thuê đối tác ở Châu Âu làm việc đó, nhưng họ cũng chỉ là người bình thường thôi.

Lúc nào mọi người cũng nghĩ rằng Thông có đặc quyền nào đó. Thực sự tôi không có một đặc quyền hay một lợi thế nào cả. Thực sự việc này bọn mình cũng chiến đấu rất lớn, dù rất là bận”.

 

Huy Nguyên
Alex Chu
Doanh Nghiệp & Kinh Doanh