|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vụ nổi loạn của Wagner có thể kích thích lạm phát đi lên lần nữa

17:31 | 26/06/2023
Chia sẻ
Tập đoàn quân sự Wagner đã đồng ý chấm dứt cuộc nổi loạn chống lại chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng thị trường năng lượng đã ở trong tình thế báo động và có thể châm ngòi cho áp lực lạm phát phình to trở lại.

Ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, tham gia một sự kiện cùng ông Vladimir Putin vào năm 2011, khi đó vẫn đang là Thủ tướng Nga. (Ảnh: AP).

Vụ nổi loạn vào cuối tuần

Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner do ông Yevgeny Prigozhin lãnh đạo đã bất ngờ hành quân về thủ đô Moscow của Nga vào ngày 24/6. Tuy nhiên, trong chưa đầy 24 giờ sau khi bắt đầu, cuộc nổi loạn đã dừng lại.

Wagner được cho là đã nắm quyền kiểm soát thành phố phía nam Rostov-on-Don, nơi giao nhau của nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt lớn.

Vụ việc lần này được coi là mối đe doạ lớn nhất trong 23 năm cầm quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo CNBC.

Cùng ngày 24/6, ông Putin tuyên bố sẽ trừng phạt bất kỳ ai tham gia vào “cuộc nổi loạn vũ trang”, đồng thời cáo buộc Wagner phản bội.

Song, khi Wagner huỷ bỏ cuộc nổi dậy, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các cáo buộc hình sự đối với nhà lãnh đạo Wagner sẽ bị huỷ bỏ và ông được phép lưu vong đến Belarus, theo hãng thông tấn TASS của Nga.

Tuy vụ việc đã được dẹp yên, nỗ lực của Wagner đã đẩy thị trường năng lượng vào tình trạng báo động và có thể tạo ra một đòn bẩy khác giúp lạm phát, vốn vừa hạ nhiệt, tăng trở lại.

Rủi ro lạm phát

Đầu phiên giao dịch ngày 26/6, giá dầu Brent và WTI giao sau đều tăng hơn 1% nhưng sau đó đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng giá dầu kỳ hạn có thể tiếp tục tăng do rủi ro địa chính trị tại gã khổng lồ năng lượng Nga. Nga hiện là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.

Chia sẻ với CNBC, ông Alok Sinha, trưởng bộ phận phân tích dầu khí và hoá chất của Standard Chartered, cho hay: “Nhìn chung, cả thế giới đã thở phào nhẹ nhõm bởi ít nhất vụ gián đoạn ở Nga không đẩy thị trường dầu mỏ vào kịch bản tồi tệ nhất mà mọi người lo sợ”.

Theo dự đoán của vị chuyên gia, nếu vụ nổi loạn của tập đoàn quân sự Wagner làm gián đoạn nguồn cung dầu của Nga, thị trường có thể mất từ 1 - 2 triệu đến 3,5 - 4 triệu thùng mỗi ngày.

“Bây giờ, dù diễn ra trong thời gian ngắn, một gián đoạn kiểu đó cũng có thể làm chao đảo thị trường”, ông nói thêm.

 

Trong một phân tích công bố hồi cuối tuần trước, hãng nghiên cứu năng lượng Rystad Energy tin rằng rủi ro địa chính trị từ tình trạng bất ổn nội bộ của Nga đã gia tăng.

Ông Jorge Leon, Phó Giám đốc cấp cao của Rystad, cho hay: “Chúng ta có thể thấy giá dầu tăng nhẹ trong vài ngày tới, nếu tình hình không xấu đi hơn nữa”.

Theo ông Leon, biến động địa chính trị tại các nhà sản xuất dầu lớn đã khiến giá dầu thô tăng trung bình 8% trong 5 ngày sau khi sự kiện bắt đầu. Vụ Iraq tấn công Kuwait vào năm 1990 và chiến sự Nga - Ukraine vào đầu năm 2022 là ví dụ.

“Trong lịch sử, bất ổn địa chính trị ở các nước sản xuất dầu lớn thường ngay lập tức tạo thêm áp lực tăng giá cho dầu thô, mặc dù nguồn cung không thay đổi tức thì”, vị phó giám đốc nói thêm.

Ông Leon cho biết, ngay cả khi sự việc không tác động ngay lập tức đến hoạt động khai thác dầu ở Nga, bất ổn có thể lan sang các nước thuộc Liên Xô cũ cũng sản xuất “vàng đen” như Kazakhstan và Azerbaijan. Một sự kiện như vậy cũng có thể kéo giá đi lên.

Do năng lượng là “huyết mạch” của nền kinh tế toàn cầu, giá dầu tăng cao có thể là tin xấu cho cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giá dầu từng nhảy vọt lên mức cao nhất trong 14 năm trong những ngày đầu sau khi Nga tấn công Ukraine, theo Markets Insider. Kể từ đó, giá đã giảm xuống mức trước chiến sự do lo ngại về suy thoái toàn cầu và nhu cầu yếu của Trung Quốc.

Ông Paul Sheldon, cố vấn cấp cao tại S&P Global Commodity Insights, dự đoán thêm: “Khả năng leo thang xung đột quân sự [tại Nga] trong những ngày tới có thể làm tăng nhu cầu tích trữ hàng tồn kho...”

Khả Nhân

Giá vàng tăng nóng, chuyên gia cảnh báo rủi ro kép khi mua vàng giá cao
Giới chuyên gia cho rằng việc mua vàng thời điểm này “cực kỳ rủi ro” vì nhà nước sẽ có nhiều biện pháp kéo giá vàng trong nước gần hơn với thế giới. Vì thế, lúc đó, ai mua giá cao sẽ chịu thiệt hại kép từ chênh lệch mua - bán (khoảng 2 triệu đồng/lượng) và việc NHNN có biện pháp can thiệp để hạ nhiệt giá.