Ba lý do Ukraine quyết cố thủ ở Bakhmut, dù Nga đã triển khai đến lính đánh thuê của Wagner
Sau 7 tháng giao tranh để giành lấy Bakhmut, cả Ukraine và Nga đều không muốn đầu hàng nhưng cũng chưa thể chiếm giữ thành phố công nghiệp này. Song, dường như ngày càng có nhiều khả năng Nga sẽ giành ưu thế.
Hôm 8/3, hãng thông tấn Tass đã thuật lại lời ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn lính đánh thuê Wagner đang chiến đấu ở Bakhmut. Prigozhin cho biết Wagner đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn phần phía đông thành phố.
Bất chấp việc binh lính có vẻ dễ bị bao vậy, Ukraine hồi đầu tuần này tuyên bố sẽ tiếp tục bảo vệ Bakhmut và sẽ gửi thêm quân tiếp viện. Chính quyền Kiev phủ nhận thông tin cho rằng họ đang cân nhắc rút lui.
Cả Nga và Ukraine đều đã triển khai rất nhiều binh lực cho cuộc chiến tại Bakhmut, một bên để đánh chiếm và bên còn lại để bảo vệ thành phố. Hai bên cũng tuyên bố đã gây hàng trăm tổn thất về nhân lực cho kẻ thù mỗi ngày.
Theo CNBC, có một số lý do khiến cả Nga và Ukraine đều muốn tiếp tục chiến đấu cho đến cùng, từ mục đích tượng trưng cho đến ý nghĩa quân sự chiến lược.
Ý nghĩa biểu tượng
Tổng thống Volodymyr Zelensky từng nói quyết định bảo vệ Bakhmut là lời tuyên bố từ Kiev rằng không nơi nào ở Ukraine sẽ bị “bỏ rơi”.
Đây là một thông điệp đánh vào tâm lý và mang tính biểu tượng quan trọng đối với các binh sĩ Ukraine, rằng sau một năm chiến đấu với quân Nga, việc bảo vệ đất nước của họ là rất hệ trọng.
Song, giá trị mà Ukraine nhận được khi tiếp tục chiến đấu ở Bakhmut đang bị công chúng đặt dấu hỏi. Các nhà phân tích và quan chức quân sự lưu ý rằng ngay cả khi Bakhmut rơi vào tay Nga, cục diện cuộc chiến cũng không thay đổi đáng kể.
“Tôi nghĩ trận chiến ở Bakhmut mang nhiều giá trị biểu tượng hơn là giá trị chiến lược và tác chiến”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chia sẻ với các phóng viên hồi đầu tuần này.
“Nếu Ukraine thất thủ ở Bakhmut, không hẳn là người Nga có thể thay đổi cục diện cuộc chiến này”, vị bộ trưởng nói thêm, lưu ý rằng ông không dự đoán khi nào Bakhmut có thể rơi vào tay Moscow.
Các quan chức Ukraine cho biết phần lớn Bakhmut đang nằm trong đống đổ nát, do đó nếu chiếm được thành phố thì giá trị mà Nga nhận được cũng đã giảm đi vài phần. Trong khi đó, với Kiev thì Bakhmut là một phần của Ukraine.
Chia sẻ với CNBC, ông Yuriy Sak, cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine, nhận định: “Tôi nghĩ Bakhmut thiên về giá trị biểu tượng hơn là giá trị chiến lược thực tế”.
Mặt khác, tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga cũng có lý do để tiếp tục đánh chiếm Bakhmut. Wagner đang cố gắng nâng cao uy tín của mình trong Điện Kremlin cũng như trong mắt Bộ Quốc phòng và công chúng Nga.
Ông Michael Clarke, cựu Giám đốc tổ chức tư vấn quốc phòng RUSI của Anh, nói: “Trong 7 tháng qua, Wagner đã chọn Bakhmut làm mục tiêu để chứng tỏ rằng họ có thể chiếm ưu thế trong khi phần còn lại của quân đội Nga mất dần vị thế”.
“Vì vậy, Bakhmut đã trở thành một vấn đề mang tính biểu tượng lớn”, ông Clarke nhấn mạnh. Đồng thời, ông cho biết mình không chắc liệu Bakhmut có sụp đổ hay không, nhưng khả năng là rất cao.
Giá trị chiến lược
Nga không giấu giếm gì về việc họ coi chiến thắng ở Bakhmut là một cách để cắt đứt các tuyến đường tiếp tế của Ukraine trong khu vực Donetsk.
Bakhmut hiện đang đóng vai trò như một trung tâm vận chuyển để Ukraine tiếp tế cho quân đội tại Donetsk, dù các quan chức tại Kiev cho rằng nếu Bakhmut thất thủ, ảnh hưởng đến cuộc chiến sẽ không quá lớn.
Tuy nhiên, Kiev cảnh giác rằng Moscow sẽ sử dụng Bakhmut như một bàn đạp đến chiếm lấy các thành phố khác ở miền đông, củng cố những khu vực mà quân đội Nga đã chiếm đóng trong khu vực.
Hôm 7/3, Tổng thống Zelensky cảnh báo rằng quân đội Nga sẽ “mở đường” tới các thành phố trọng yếu ở miền đông Ukraine nếu họ chiếm được Bakhmut.
“Bakhmut là thành phố có tầm quan trọng chiến thuật đối với chúng tôi”, ông Zelensky nhấn mạnh với CNN. “Chúng tôi hiểu rằng sau Bakhmut, Nga có thể tiến xa hơn. Họ có thể đánh tới Kramatorsk, Sloviansk... Đó là lý do chúng tôi cố thủ ở Bakhmut”.
Dù vậy, không nhiều chuyên gia có cùng lo ngại với Ukraine. Các nhà phân tích nói rằng Nga đã tiêu hao quá nhiều nhân lực trong trận chiến giành Bakhmut đến mức quân Nga có thể đã rệu rã.
Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nói Bakhmut không “có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến thuật hoặc chiến lược” nhưng đối với Nga, chiếm được nơi này là “cần thiết nhưng không đủ để tiến xa hơn” ở khu vực Donetsk.
Cản đường lính đánh thuê
Ukraine cho biết còn một lý do khác buộc họ phải tiếp tục chiến đấu ở Bakhmut. Đó là bởi Nga đã triển khai các đơn vị chiến đấu tốt nhất của mình trong trận chiến này, theo CNBC.
Hôm 6/3, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine là Thượng tướng Oleksandr Syrskyi đã một lần nữa đến thăm những binh lính bảo vệ Bakhmut.
Ông Syrskyi nhận thấy “kẻ thù đã đưa lực lượng bổ sung của Wagner ra trận” và quân Ukraine “đã gây tổn thất đáng kể cho quân địch”.
Theo vị thượng tướng, quân Ukraine tại Bakhmut đã “phá huỷ một lượng lớn thiết bị, buộc các đơn vị tấn công tinh nhuệ nhất của Wagner phải chiến đấu và giảm tiềm năng tấn công của kẻ thù”.
Các nhà phân tích quốc phòng của ISW cho biết bản thân nhà sáng lập của Wagner là ông Priogozhin giờ đây đã tỏ ra cảnh giác.
Priogozhin dường như lo ngại rằng Bakhmut có thể “làm suy giảm nghiêm trọng các lực lượng tốt nhất của Wagner, tước mất của Nga một số quân xung kích hiệu quả và khó thay thế nhất”.
Đối với Ukraine, khiến lính đánh thuê của Wagner xuống cấp nghiêm trọng hoặc thậm chí tiêu diệt họ sẽ tạo ra những tác động tích cực không chỉ ở chiến trường Bakhmut, ISW nhận định.
“Làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền lực và danh tiếng của Priogozhin ở Nga sẽ là một thành tựu quan trọng để khôi phục nhận thức [đúng đắn] của công chúng Nga trong dài hạn”, ISW nhận xét.