VSSA: Việc áp thuế CBPG, CTC đường Thái Lan đang bị vô hiệu hóa
Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết trong tháng 3/2021 đường có nguồn gốc nhập khẩu bao gồm nhập chính ngạch và nhập lậu tiếp tục làm chủ thị trường.
Một lượng đường lớn đã được các nhà nhập khẩu tìm mọi cách đưa về trước thời điểm Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan có hiệu lực.
Cộng với khối lượng đường nhập khẩu gia tăng đột biến từ một số một số quốc gia ASEAN khác bao gồm 5 quốc gia là Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia đã hoàn toàn làm chủ thị trường nhờ ưu thế giá rẻ (thuế chỉ có 5%).
Cụ thể, số liệu của tổng cục Hải Quan Việt Nam cho thấy trong tháng 2/2021 tiếp tục nhập khẩu đường vào thị trường Việt Nam với khối lượng khá lớn sau khi có quyết định điều tra CBPG và CTC.
Tổng lượng đường nhập khẩu trong tháng 2 là 163.881 tấn lớn hơn tháng 1/2021 là 120.510 tấn, là khối lượng rất đáng kể trong bối cảnh khủng hoảng vận chuyển container trên thế giới.
Đáng chú ý, lượng đường nhập khẩu trước khi có quyết định điều tra (tháng 1/2020 đến 9/2020) bình quân mỗi tháng nhập khẩu 116.353 tấn.
Tuy nhiên, lượng đường bình quân mỗi tháng nhập khẩu sau khi có quyết định điều tra (tháng 10/2020 đến 2/2021) lại là 165.250 tấn. Mức độ nhập khẩu là 142% so với trước khi có quyết định điều tra.
Do đó, theo VSSA đã có hiện tượng tăng đột biến lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế CBPG và CTC tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
"Lượng đường nhập khẩu này với ưu thế giá rẻ đã hoàn toàn bịt đầu ra của đường sản xuất từ mía trong nước khiến đường sản xuất buộc phải tồn kho hoặc giảm giá khiến nhà máy không có tiền trả tiền mía cho nông dân và hủy hoại chuỗi liên kết nông dân – nhà máy gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành mía đường Việt Nam", VSSA nhận định.
Bên cạnh đó, trong tháng 2 còn tiếp tục ghi nhận dấu hiệu của động thái lẩn tránh thuế CBPG và CTC tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan khi tình trạng gia tăng mức độ nhập khẩu đường vào thị trường Việt Nam từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia so với thời gian trước khi có quyết định điều tra.
Tuy nhiên, 5 quốc gia này lại không phải là quốc gia xuất khẩu đường đúng nghĩa, mà bản chất là các quốc gia nhập khẩu đường (net importer) và đặc biệt là nhập khẩu đường từ Thái Lan với tỷ lệ lớn.
Theo số liệu của tổ chức đường thế giới ISO, với số liệu bình quân từ năm 2013 đến 2019 cả 5 quốc gia này đều có lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan lớn hơn lượng đường sản xuất trong nước.
Số liệu cho thấy lượng đường sản xuất trong nước của cả 5 quốc gia nêu trên đều thấp hơn lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan.
VSSA cho biết trong tháng 3/2021 Hiệp hội chưa có số liệu của Tổng cục Hải quan, nhưng thông tin từ các nhà buôn đường quốc tế cho thấy các yêu cầu đặt hàng từ Việt Nam đối với các loại đường có xuất xứ từ 5 quốc gia này vẫn rất cao, nhất là khi giá đang giảm trên thị trường quốc tế.
Như vậy, trong tháng 3 đã tiếp tục xuất hiện dấu hiệu của lẩn tránh phòng vệ thương mại ngay từ giai đoạn điều tra CBPG và CTC đối với sản phẩm đường nhằm đối phó với khả năng có thể bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời có hiệu lực trở về trước trong quyết định 2466/QĐ-BCT.
"Thực chất loại hành động lẩn tránh này đang vô hiệu hóa Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp CBPG và CTC tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan", VSSA nhận định.