|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VPBank và một giai đoạn 'có gì đó bất thường'

14:47 | 17/02/2018
Chia sẻ
Nhìn từ bên ngoài vào, theo người trong cuộc, cách làm của VPBank như có gì đó bất thường. 
vpbank va mot giai doan co gi do bat thuong Cảng Sài Gòn tăng trưởng lợi nhuận 'khủng' năm 2017, VietinBank và VPBank vẫn chưa thoái vốn
vpbank va mot giai doan co gi do bat thuong [Infographic] BIDV quán quân số lượng nhân viên và điểm giao dịch, nhưng VPBank mới là vô địch tuyển dụng

Năm 2015, 2016 rồi đến 2017, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) liên tiếp gây bất ngờ, rồi đến những cái nhún vai nghi ngại trên thị trường và chưa dừng lại.

vpbank va mot giai doan co gi do bat thuong
Tổng giám đốc VPBank cho rằng, vì lâu nay tại Việt Nam gần như ngân hàng không cho vay tín chấp, nên người ta thấy việc đẩy mạnh cho vay loại này có gì đó như bất thường.

Đó là ba năm liên tiếp VPBank bùng nổ lợi nhuận. Đến 2017, mức lãi hợp nhất 8.126 tỷ đồng tiếp tục vượt trội, dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân và đã bám sát các "ông lớn" quốc doanh.

Con số trên đưa VPBank tiếp tục dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân Việt Nam, về giá trị tuyệt đối. Đây vẫn là thói quen trong nhiều so sánh về con số hiện nay, dù về kỹ thuật cần sát thực hơn ở các chỉ số hiệu quả sử dụng vốn và chất lượng tài sản…

Dù ở so sánh nào, VPBank vẫn đang có ba năm liên tiếp tạo hiện tượng.

Lỗ trước, lãi sau

Con đường VPBank đi đã thể hiện rõ từ khoảng 5 năm trước, nhận biết ở hướng dịch chuyển nhanh tài sản giữa các phân khúc, cũng như nổi lên ở mảng tín dụng tiêu dùng.

Cách đây khoảng hai năm, trong một lần trao đổi với VnEconomy, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh từng giải thích rằng, VPBank đã chủ động thay đổi. Tín dụng có những quảng sụt giảm, do chiến lược thoái dần phân khúc các doanh nghiệp lớn, tập đoàn và tổng công ty.

"Cạnh tranh ở phân khúc này rất quyết liệt, lãi biên thấp do phải cạnh tranh chủ yếu ở lãi suất cho vay. Chúng tôi đã chủ động dịch chuyển sang bán lẻ, cho vay tiêu dùng và tập trung hơn ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa", ông Vinh cho biết vào thời điểm đó.

Và kết thúc năm 2017, dịch chuyển trên đã rất rõ nét: doanh thu từ phân khúc khách hàng cá nhân, tài chính tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới gần 80% tổng doanh thu. Tổng quát hơn, VPBank trở thành đại diện của mô hình, chiến lược ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.

"Ngân hàng bán lẻ" - khẩu hiệu và định hướng chung của hầu hết các thành viên, nhưng thực tế chuyển động, các bước đi của mỗi ngân hàng Việt không hẳn đều như nhau; không hẳn tất cả cùng chung lựa chọn và cùng dám đầu tư, dám chấp nhận cùng một mức độ rủi ro…

Nên chuyển động ngân hàng Việt hiện nay trở nên đa sắc: có những thành viên làm tín dụng tiêu dùng, nhưng nhiều trường hợp thì không và sẽ không làm; có những bước chân đã đi trước 3-5 năm, có những nơi vẫn đang cố khai thác tài nguyên công nghệ cũ, hoặc chưa thể chi vài ba trăm tỷ mỗi năm và sẵn sàng chịu lỗ kéo dài để sớm nhanh chân.

Trả lời VnEconomy về kết quả kinh doanh 2017, cũng như lần trả lời trong năm 2016, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank nói rằng, để có lợi nhuận hiện nay họ đã phải chuẩn bị từ 5 năm trước ở hầu hết các mảng, và đều phải chịu lỗ kéo dài.

Với tín dụng tiêu dùng, VPBank chịu lỗ ba năm liên tiếp, đến năm thứ tư mới bắt đầu có lãi. Tương tự, mảng ngân hàng bán lẻ đầu tư 5 năm, đến 2016 mới có lãi. Phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải đến năm ngoái mới thực sự cho lợi nhuận. Còn mảng ngân hàng số, hiện vẫn lỗ và ngốn hàng trăm tỷ đầu tư mỗi năm, nhưng dự kiến phải vài ba năm tới mới có đóng góp lợi nhuận cụ thể.

"Cũng vì ở một số phân khúc chính trong lựa chọn chiến lược của chúng tôi, chúng tôi đã đi trước từ 3-5 năm, nên đã có thời gian để củng cố, kiện toàn hệ thống và ngày càng tốt hơn. Theo đó, VPBank sẽ vẫn tiếp tục có lợi thế cạnh tranh trong ít nhất ba năm tới", ông Nguyễn Đức Vinh nói.

Tổng giám đốc VPBank cũng cho biết, bản thân ban lãnh đạo hàng ngày vẫn phải dành hơn 50% thời gian cho việc tính kế hoạch trong tương lai, để chủ động chuẩn bị trước và cố gắng đi trước.

Ví như hai năm qua, VPBank đã chủ động cân đối trước để hiện có được tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ khoảng 30%, nhiều dư địa để hoạt động trong khi nhiều thành viên khác đang phải xoay xở khi Ngân hàng Nhà nước co giới hạn này về 45% rồi 40%...

"Liều", hay có gì đó bất thường?

VPBank đang làm mạnh nhất cũng như nắm thị phần lớn nhất ở phân khúc tín dụng tiêu dùng. Lợi nhuận ở đây lớn, đóng góp lớn, nhưng cũng là phân khúc có độ rủi ro cao. Vì vậy có quan ngại từ góc nhìn bên ngoài.

Có những lần câu hỏi "làm vậy có liều không" được đặt, gửi thẳng tới lãnh đạo VPBank.

Trong lần trao đổi mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh một lần nữa khẳng định: "Chúng tôi không cho vay liều. Một khi đã bước vào phân khúc có rủi ro cao hơn, chúng tôi đã phải tính toán và chuẩn bị trước mức độ chấp nhận được cũng như năng lực xử lý".

Tổng giám đốc VPBank cho rằng, vì lâu nay tại Việt Nam gần như ngân hàng không cho vay tín chấp, nên người ta thấy việc đẩy mạnh cho vay loại này có gì đó như bất thường.

"Vấn đề là có các cơ chế kiểm soát, quản lý và xử lý được rủi ro", Tổng giám đốc VPBank lập luận về phân khúc và con đường đã chọn.

Cụ thể, ngoài các cơ chế, cũng như kinh nghiệm và hệ thống đã thiết lập được hơn 5 năm qua, ông Vinh cho biết ngân hàng luôn dành một nguồn lực dự phòng lớn, lớn nhất trong khối ngân hàng tư nhân tại Việt Nam, để đối ứng cho yêu cầu an toàn hoạt động.

Như trong năm 2017, VPBank đã trích lập hơn 8.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, tương đương 30% tổng thu nhập hoạt động thuần. Và rủi ro không có nghĩa là vốn khi gặp vấn đề thì sẽ bị mất đi, mà ngân hàng vẫn phải áp các biện pháp để thu hồi, như năm qua VPBank đã thu được gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có gần 1.100 tỷ đồng từ các khoản đã xử lý rủi ro ngoại bảng.

Như trên, là phân khúc chiến lược, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết sẽ tiếp tục tập trung cho tín dụng tiêu dùng, vẫn sẽ là "con gà đẻ trứng vàng" như cách gọi có trên thị trường. Và đây cũng là một trong những lý do VPBank chưa bán cổ phần của đầu mối chuyên trách (FE Credit) cho nhà đầu tư nước ngoài, dù nhiều nơi dạm hỏi.

Bên cạnh đó, phân khúc rủi ro đó còn được cân đối với hoạt động bán lẻ và mảng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bắt đầu có lãi, triển vọng xa hơn có thêm mảng ngân hàng số, trong khi các hoạt động ngân hàng truyền thống vẫn là một cấu phần nền tảng.

Còn với hoạt động ngân hàng Việt Nam nói chung, "có gì đó bất thường" trong cách làm của VPBank đến nay không còn riêng biệt nữa. Hệ thống đã và sẽ có thêm những thành viên mới nhập cuộc.

Cho nên, tới đây, cái "có gì đó bất thường" dần trở thành bình thường, thậm chí tiến đến cạnh tranh quyết liệt. Và khi càng có thêm cạnh tranh, lợi ích khách hàng càng có cơ sở để tốt hơn.

Minh Đức