VPBank lãi ròng 3.471 tỉ đồng nửa đầu năm, số dư trái phiếu VAMC giảm hơn một nửa
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2019 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.342 tỉ đồng, xấp xỉ con số của cùng kì năm trước.
Trong kì, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VPBank tăng trên 10% lên hơn 10.812 tỉ đồng nhưng do chi phí dự phòng lại tăng gần 19% lên 6.470 tỉ đồng nên khiến tăng trưởng về lợi nhuận của ngân hàng giảm.
Các mảng hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng trong nửa đầu năm. Thu nhập lãi thuần tăng 18,6%; lãi thuần từ dịch vụ và đầu tư chứng khoán tăng lần lượt là 104% và 43%.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 36 tỉ đồng (cùng kì năm trước lãi hơn 33 tỉ đồng) và lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm gần một nửa so với cùng kì năm trước mang về 851 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh của VPBank (Nguồn: Diệp Bình tổng hợp)
Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính ngân hàng mẹ, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần trong 6 tháng đầu năm của VPBank giảm hơn một nửa từ 2.856 tỉ đồng xuống còn 1.401 tỉ đồng. Nguồn thu nhập này phần lớn đến từ công ty tài chính tiêu dùng của VPBank là FE Credit.
Bảng kết quả kinh doanh của ngân hàng mẹ (Nguồn: VPBank).
Tính đến 30/6, tổng tài sản của VPBank tăng gần 8% lên 348.732 tỉ đồng; trong đó cho vay khách hàng đạt 247.633 tỉ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm trước. Số dư tiền gửi của khách hàng tăng 15,5% đạt 197.363 tỉ đồng.
Cùng với tăng trưởng cho vay, nợ xấu của VPBank cũng tăng 9,3% lên 8.491 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ 3,5% cuối năm 2018 về 3,43%. Số dư trái phiếu VAMC giảm hơn 53% còn 1.483 tỉ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng 371 tỉ đồng.
Mặc dù giảm nhẹ số lượng nhân viên hơn 300 người nhưng thu nhập bình quân tháng của nhân viên VPBank lại tăng gần 20% từ 17,51 triệu đồng lên 21 triệu đồng.
Một số chỉ tiêu tài chính của VPBank (Nguồn: Diệp Bình)
Ngân hàng hiện có hai công ty con là VPBank AMC với vốn điều lệ 117 tỉ đồng và FE Credit với vốn điều lệ 7.328 tỉ đồng.
Ngoài các khoản đầu tư vào công ty con, VPBank còn góp vốn đầu tư vào một số tổ chức kinh tế khác với tổng vốn đầu tư tính đến cuối tháng 6 là hơn 227 tỉ đồng. Những công ty được VPBank góp vốn như: CTCP Vận tải ITRACO, CTCP Đồng Xuân, CTCP Đào tại và Tư vấn Ngân hàng, CTCP Thông tin tín dụng (TBC), CTCP Cảng Sài Gòn (185 tỉ đồng) và TCP Bảo hiểm OPES (33 tỉ đồng).
Một số khoản đầu tư dài hạn khác (Nguồn: BCTC hợp nhật VPBank).
Trong danh mục tài sản nhận thế chấp của ngân hàng với tổng giá trị 605.789 tỉ đồng thì nhóm bất động sản chiếm tỉ lệ lớn nhất với 236.769 tỉ đồng, chiếm 39%. Tỉ lệ cho vay trên tổng giá trị tài sản thế chấp nói chung là gần 41%.
Danh mục tài sản thế chấp của ngân hàng (Nguồn: BCTC hợp nhất VPBank).