|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vốn ngoại 'ngại' chảy vào IPO, do đâu?

10:15 | 14/03/2017
Chia sẻ
Chính phủ quyết liệt trong thoái vốn Nhà nước, thị trường chứng khoán có nhiều tín hiệu khởi sắc…, là những lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài thời gian gần đây quan tâm nhiều hơn đến việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn những quan ngại khiến họ chưa dám “xuống tiền”.
von ngoai ngai chay vao ipo do dau
Chính sách thuế chưa rõ ràng, thiếu ổn định là một trong những nguyên nhân khiến các đợt IPO khó hút vốn ngoại

“Để mắt” nhiều hơn…

Theo Quyết định 58/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, có 137 doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hóa. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn đang và sắp khởi động tiến trình cổ phần như:

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam… Việc tìm kiếm sức cầu để đảm bảo cho IPO các doanh nghiệp này thành công trong thời gian tới đang là vấn đề cấp thiết.

"Nếu báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra IPO không được lập và công bố theo chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế, thì hiếm có nhà đầu tư Mỹ nào dám mạo hiểm rót tiền vào đầu tư…"

- ông Marc Mealy, Phó chủ tịch phụ trách Chính sách, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN.

Không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua, Chính phủ Việt Nam chọn Mỹ và Nhật Bản là 2 điểm đến trong quảng bá các cơ hội đầu tư tại Việt Nam trước thềm tổ chức IPO các doanh nghiệp lớn. Đây là những thị trường lớn, có giới đầu tư hùng hậu, chuyên nghiệp, tiềm lực tài chính mạnh và luôn quan tâm tới tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Bởi vậy, tiềm năng kêu gọi nhà đầu tư từ 2 thị trường này vào Việt Nam là lớn, nhất là khi gần đây, mức độ quan tâm của họ đang ngày một tăng.

“Bên cạnh mở rộng các hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, nhà đầu tư Mỹ đang quan tâm tìm kiếm cơ hội mua cổ phần trong các đợt IPO các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu ngành…”, ông Marc Mealy, Phó chủ tịch phụ trách Chính sách, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cho biết như vậy trước câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về mức độ quan tâm của giới đầu tư Mỹ đối với những đợt IPO các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn tại Việt Nam đang và sắp diễn ra.

Chính vì lẽ đó, vào cuối năm 2016, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN đã có cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Mỹ. Qua những thông tin chi tiết, cởi mở mà Bộ trưởng chia sẻ về tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, giới đầu tư Mỹ nhận thấy, cổ phần hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam, bởi việc này có tác động quan trọng đến tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước.

Về phía nhà đầu tư Nhật Bản, mối quan tâm dành cho thị trường Việt Nam cũng tích cực hơn. Lãnh đạo Công ty TNHH Tư vấn Capital Partners Vietnam (CPVN), thuộc Công ty Capital Partners Securities (CPS) của Tập đoàn Capital Partners (Nhật Bản) cho biết, thời gian gần đây, nhất là từ sau khi VN-Index vượt mốc 700 điểm, nhu cầu nắm bắt thông tin từ thị trường Việt Nam của nhà đầu tư Nhật Bản tăng mạnh, bởi họ muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư đang rộng mở tại đây…

… nhưng chưa mạnh tay “xuống tiền”

Tuy mức độ quan tâm là nhiều, nhưng theo ý kiến của những người trong cuộc, để sự quan tâm chuyển biến thành quyết định giải ngân thì còn một khoảng cách xa, vì nhiều nguyên nhân.

Đại diện CPVN cho biết, trong các bản tin cập nhật về thị trường chứng khoán Việt Nam gửi tới nhà đầu tư Nhật Bản gần đây, rất đáng tiếc là CPVN vẫn phải thông báo rằng, các vấn đề mà họ rất quan tâm như gỡ vướng cho nới room, mức độ minh bạch thông tin của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp tiến hành IPO…, vẫn chưa có nhiều cải thiện mạnh mẽ, bên cạnh việc tiếp cận doanh nghiệp còn khó khăn…

“Đó là lý do khiến nhà đầu tư Nhật Bản chưa hiện thực hóa quyết định giải ngân vào thị trường Việt Nam nói chung, hay các đợt IPO nói riêng”, đại diện CPVN cho hay.

Còn với nhà đầu tư Mỹ, họ chưa đưa ra quyết định giải ngân, theo ông Marc Mealy, vì 2 quan ngại lớn. Thứ nhất, chính sách thuế của Việt Nam còn nhiều quy định chưa rõ ràng, khó dự đoán và đặc biệt là hay thay đổi. Điều này khiến nhà đầu tư Mỹ quan ngại về rủi ro của thuế đánh vào tài sản là cổ phiếu mà họ đầu tư và nắm giữ.

Thứ hai, chế độ kế toán và kiểm toán của Việt Nam chưa theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, nên nhà đầu tư Mỹ không tin cậy về những thông tin mà doanh nghiệp IPO đưa ra. Đó là chưa kể có những thông tin mập mờ, nhưng không được giải trình kịp thời và rõ ràng.

“Nếu báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra IPO không được lập và công bố theo chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế, thì hiếm có nhà đầu tư Mỹ nào dám mạo hiểm rót tiền vào đầu tư…”, ông Marc Mealy nói.

Liên quan đến hướng tháo gỡ những bất cập trên, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, UBCK đang phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính rà soát chính sách thuế để có những sửa đổi phù hợp, nhằm khuyến khích thị trường chứng khoán phát triển nói chung, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường nói riêng.

Về định hướng áp dụng ở mức độ cao hơn các chuẩn mực kế toán và kiểm toán theo thông lệ quốc tế, ông Bằng cho biết, Việt Nam cam kết áp dụng nhanh hơn các chuẩn mực này, bởi không chỉ gia tăng tính minh bạch trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, giúp họ nâng cao chất lượng quản trị, quản lý dòng tiền tốt hơn, mà còn góp phần gia tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, UBCK hiện đang hướng dẫn các công ty chứng khoán lần đầu tiên áp dụng nguyên tắc hạch toán theo giá trị thị trường (giá trị hợp lý) khi lập báo cáo tài chính cho các kỳ trong năm 2017. Đặc thù hoạt động của công ty chứng khoán cho phép áp dụng nguyên tắc giá trị hợp lý. Tuy nhiên, với các loại hình doanh nghiệp khác thì gặp nhiều thách thức hơn, bởi việc áp dụng nguyên tắc này có thể dẫn đến nhiều doanh nghiệp đang lãi thành lỗ, lỗ ít thành lỗ nhiều, nên không cẩn thận sẽ “gây sốc” cho doanh nghiệp, cũng như thị trường.

“Việc áp dụng nhiều hơn các chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế tại Việt Nam cần có lộ trình hợp lý. Riêng trong lĩnh vực chứng khoán, sau khi áp dụng nguyên tắc hạch toán theo giá trị thị trường đối với công ty chứng khoán, sẽ mở rộng áp dụng sang các công ty niêm yết lớn và tiến tới là áp dụng cho các đối tượng doanh nghiệp khác…”, ông Bằng cho hay.

Chính sách thuế cần rõ ràng, ổn định

von ngoai ngai chay vao ipo do dau
Ông Michael Michalak, Phó chủ tịch cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN

Giới đầu tư Mỹ quan ngại khi mua tài sản, trong đó có cổ phần tại các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước lớn tại Việt Nam, vì chính sách thuế của Việt Nam còn thiếu tính minh bạch, lại thường xuyên thay đổi.

Khi thiết kế một thương vụ đầu tư, thuế là một thông số đầu vào quan trọng để nhà đầu tư tiên lượng chi phí, cũng như các rủi ro cần được tính đến để có hướng xử lý. Bởi vậy, chỉ khi chính sách thuế ổn định mới không làm sụp đổ kịch bản đầu tư này của họ.

Thực tế, chính sách thuế của Việt Nam thường xuyên thay đổi và kèm theo đó là không ít điều khoản chưa rõ ràng, khó tiên lượng, nên nhà đầu tư Mỹ tỏ ra e ngại khi bỏ ra lượng vốn lớn mua cổ phần trong các đợt IPO các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, mặc dù họ có nhu cầu. Họ lo vì lúc bỏ tiền ra mua cổ phần thì mức thuế và cách thức điều tiết thuế kiểu này, nhưng trong quá trình nắm giữ và bán tài sản, thì chính sách thuế lại có sự thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho họ.

Một điểm đáng quan ngại hơn là áp dụng chính sách thuế theo kiểu hồi tố, vì họ luôn đối mặt với nguy cơ bị tăng thu thuế bất kỳ khi nào. Kiểu thực thi chính sách thuế này là điều tối kỵ trên thế giới và thực sự quan ngại với nhà đầu tư Mỹ. Do vậy, Việt Nam cần khẩn trương khắc phục những bất cập trên, nếu muốn thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư Mỹ.

Phải mạnh tay xử lý vi phạm quy định về minh bạch thông tin

von ngoai ngai chay vao ipo do dau
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Nhiều doanh nghiệp nhà nước nói chung, các doanh nghiệp đang và sắp IPO nói riêng, chưa nghiêm túc tuân thủ các quy định tại Nghị định 81/2015 về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Điều này khiến mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước minh bạch thông tin như doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán trở nên khó khả thi hơn. Doanh nghiệp muốn bán hàng hóa, bán cổ phần, mà không minh bạch thông tin thì ai dám mua? Thật mâu thuẫn khi muốn bán được nhiều cổ phần để giúp IPO thành công lớn, nhưng bản thân doanh nghiệp lại bưng bít thông tin, không kịp thời giải trình.

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ cần có những chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương áp dụng các biện pháp xử lý mạnh tay các bộ, UBND cấp tỉnh, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước vi phạm quy định về minh bạch thông tin. Khắc phục hiệu quả tình trạng này sẽ vừa góp phần “tránh ế” cho các đợt IPO, vừa giúp nhà đầu tư có thông tin đa dạng về doanh nghiệp nhà nước để họ có dữ liệu phân tích, đánh giá về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó thuận lợi hơn khi đưa ra quyết định đầu tư.

Hữu Hòe