|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vốn ngoại dồn dập qua M&A: Cơ hội hay thách thức?

20:35 | 16/10/2019
Chia sẻ
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam qua con đường mua bán, sáp nhập, mua cổ phần (M&A) của các công ty trong nước tăng đột biến trong 9 tháng đầu năm nay, dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây đúng 10 năm.
Vốn ngoại dồn dập qua M&A: Cơ hội hay thách thức? - Ảnh 1.

Dòng vốn mua cổ phần công ty trong nước đang tăng mạnh. Ảnh: TL

Tăng hơn 80%

Việt Nam được cho là quốc gia hưởng lợi từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung khi nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia đã lên tiếng sẽ dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. 

Tuy nhiên, số liệu thống kê thực tế cho thấy nguồn vốn FDI đang có dấu hiệu giảm, trái ngược với những tuyên bố rầm rộ trước đó. 

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm nay, tổng số vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo đó, tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 11 tỉ đô la, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng số vốn điều chỉnh tăng thêm là 4,8 tỉ đô la, giảm 13,6% so với cùng kỳ.

Giải thích về hiện tượng này, ông Đinh Tuấn Việt, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, cam kết FDI có hai hình thức: đầu tư mới và tăng vốn bổ sung tại các dự án đang hoạt động. 

Nhưng, một vài năm gần đây xuất hiện hình thức đầu tư mới là mua bán, sáp nhập và góp vốn vào các doanh nghiệp nội địa.

Trong khi cam kết đầu tư của nhà đầu tư mới và nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam giảm xuống, nguồn vốn chảy vào qua hình thức thứ 3, tức mua lại cổ phần của các doanh nghiệp trong nước lại tăng mạnh. 

Trong 9 tháng đầu năm có 6.502 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 10,4 tỉ đô la, tăng 82,3% so với cùng kỳ năm 2018, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

“Dòng vốn tăng vọt lên thông qua mua cổ phần”, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định.

Quan sát dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam dưới tác động của thương chiến, chuyên gia từ ADB thấy rằng, thời điểm này giống hệt khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. 

Thời kỳ đó, do dòng vốn chảy vào nền kinh tế quá lớn, trong khi khả hấp thụ vốn thấp đã dẫn tới khó khăn cho thị trường chứng khoán, bất động sản, và nhiều tập đoàn nhà nước.

Hệ quả là chỉ 2 năm sau đó - năm 2009, cách đây tròn 10 năm - nền kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng, lạm phát tăng phi mã hơn 20% và phải trả giá bằng 10 năm tăng trưởng thấp. Tới nay, nền kinh tế đã dần hồi phục thì lại tiếp tục chứng kiến một đợt dịch chuyển vốn ngoại lần thứ hai.

Theo chuyên gia từ ADB, đây là thời điểm quan trọng với kinh tế Việt Nam trong 4 đến 5 năm tới, thời điểm chiến tranh thương mại định hình lại toàn bộ nền kinh tế thế giới. “Cuộc chiến Mỹ - Trung đẩy Việt Nam vào thế nếu không nắm lấy cơ hội sẽ không còn cơ hội nữa. Nhưng nếu nắm cơ hội sai còn tệ hơn nữa”, ông Cường nói.

Ông Đinh Tuấn Việt cho hay, vừa qua Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 50 về nâng cao hơn nữa quy trình lựa chọn, giám sát, ra quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài từ nay tới năm 2035 và xa hơn.

“Với Nghị quyết của Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam, từ trung ương tới địa phương, các tỉnh, thành, bộ ngành sẽ có một quy trình lựa chọn FDI theo đúng yêu cầu Việt Nam đề ra, phục vụ lợi ích của đất nước, phát triển kinh tế xã hội cho các năm tiếp theo”, ông Việt kỳ vọng.

Trung Quốc vươn lên đứng thứ 2

Ngoài hiện tượng M&A, điểm đáng lưu ý trong bức tranh thu hút vốn FDI 9 tháng đầu năm là sự vươn lên của nguồn vốn từ Trung Quốc. 

Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 9 tháng, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2,1 tỉ đô la, chiếm 19,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc hơn 2 tỉ đô la, chiếm 18,4%.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng, Phụ trách Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Trung Quốc bởi vị trí địa lý gần cận, tương đồng về văn hoá. 

Hơn nữa, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP và đã tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

“Dòng vốn chảy vào Việt Nam 9 tháng qua vẫn rất tốt", bà Tuệ Anh nói. “Điều quan trọng là phải phân tích được nguồn vốn đó chảy vào lĩnh vực nào. Nếu đây là dòng vốn chất lượng, dù là từ Trung Quốc cũng không phải là vấn đề đáng quan ngại".

Đánh giá về bức tranh thu hút FDI, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài”.

Dù nguồn vốn chảy vào Việt Nam có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng theo ông Jacques Morisset, nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam vẫn nhiều hơn các nước khác trong khu vực.

Mới đây, để thu hút dòng vốn dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, và tăng tính hấp dẫn so với Việt Nam, nhiều quốc gia trong khu vực đã có những phản ứng chính sách rất nhanh để “hút” nguồn vốn này. 

Ví dụ, Thái Lan đã công bố gói ưu đãi trong đó có việc giảm thuế 50% cho các công ty dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Thái. 

Không thua kém, chính quyền Malaysia cũng đề xuất nhiều ưu đãi thuế để thu hút các tập đoàn đa quốc gia và các kỳ lân nhằm tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

“Căng thẳng thương mại là cơ hội tốt cho Malaysia trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với dòng vốn có giá trị gia tăng cao", Lim Guan Eng, Bộ trưởng Tài chính Malaysia nói và được Nikkei dẫn lời.

Đánh giá về những diễn biến chính sách trong khu vực, bà Tuệ Anh, cho hay, Việt Nam vẫn có ưu đãi đầu tư theo địa bàn, lĩnh vực, ngành công nghiệp cho những lĩnh vực ưu tiên. 

Do đó, cần xem Malaysia và Thái Lan đã giảm thuế gì, từ đó so sánh với Việt Nam để đưa ra những chính sách phù hợp.

“Điều này thể hiện Malaysia và Thái Lan cũng đang phải cạnh tranh với Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn này", bà Tuệ Anh nói. 

Tuy nhiên, các nước giảm thuế mạnh và có nhiều chính sách ưu đãi vào các lĩnh vực tự động hóa, công nghệ cao cũng là thách thức với Việt Nam bởi Việt Nam sẽ không chỉ khó thu hút nguồn vốn mới chất lượng, mà còn khó có thể giữ chân các doanh nghiệp FDI ngay tại thị trường trong nước.

Vũ Dung

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.