|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngóng chờ những thương vụ M&A nghìn tỉ trong ngành ngân hàng

07:48 | 13/11/2019
Chia sẻ
Vốn ngoại đang tích cực chảy vào ngành ngân hàng thông qua các thương vụ M&A. Trong thời gian tới, dự kiến có thêm nhiều thương vụ bán vốn khác với giá trị lên tới hàng nghìn tỉ đồng.
20180401_THN_NTNA_DoitenChinhanh_03

Ảnh minh họa (Nguồn: Vietcombank)

Loạt ngân hàng lên kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây đã hoàn tất thủ tục bán 603 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank. Với hơn 20.200 tỉ đồng thu được từ thương vụ này, vốn điều lệ của BIDV đã tăng lên 40.220 tỉ đồng, trở thành ngân hàng lớn nhất về vốn điều lệ trong hệ thống. 

Đây cũng là giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Bên cạnh BIDV, "ông lớn" khác là Vietcombank và MBBank cũng đang "rục rịch" chào bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài.

Mới nhất, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết MBBank có kế hoạch huy động khoảng 240 triệu USD từ việc bán 7,5% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua một đợt phát hành riêng lẻ vào cuối tháng 11/2019.

MBBank đã làm việc với khoảng 40 nhà đầu tư nước ngoài, gồm Nhật Bản, Hong Kong, Singapore và Hàn Quốc và dự kiến hoàn tất việc phát hành trong tháng 11.

Tại Vietcombank, ngân hàng này cũng đang kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần, tương đương 337,5 triệu cổ phiếu cho đối tác nước ngoài theo phương án tăng vốn đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 thông qua. Dự kiến, thương vụ này sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020 sau khi ngân hàng hoàn thành việc phát hành 1,484 tỉ cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu.

Agribank cũng nhận được đề xuất được hỗ trợ trong quá trình cổ phần hoá từ phía Tập đoàn Tài chính NongHyup (Hàn Quốc). Trong khi, Công ty tài chính ALC I của Agribank được Tập đoàn Srisawad Corporation (Thái Lan) đề xuất mua lại toàn bộ và sẽ hoàn trả 100% vốn điều lệ của ALC I cho Agribank cũng như chịu trách nhiệm trả hết phần nợ gốc mà ALC I đã vay của Agribank.

Không chỉ các "ông lớn", các ngân hàng có qui mô nhỏ cũng đang muốn tìm kiếm đối tác nước ngoài nhằm tăng cường qui mô vốn hiện có.

Cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) thông báo hai nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore dự kiến sẽ mua cổ phần trong đợt phát hành mới để trở thành cổ đông nước ngoài trong đợt tăng vốn điều lệ sắp tới của nhà băng này.

Bên cạnh NCB, rất nhiều ngân hàng trong nước cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài đặc biệt là tại các nhà băng đang trong quá trình tái cơ cấu như OceanBank, CBBank, Dong A Bank.

Tại buổi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 6, Chủ tịch Ngân hàng J.Trust cho biết đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tình hình của CBBank và đã gửi bản chào tham gia mua lại để tái cơ cấu ngân hàng này đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ðối thủ của J.Trust trong thương vụ này là Tập đoàn Clermont của Singapore khi cũng muốn tham gia tái cấu trúc CBBank.

Hồi tháng 7, Tập đoàn Maruhan bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong tiến trình tham gia tái cơ cấu một số ngân hàng, đặc biệt là OceanBank.

Những yếu tố thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy vào ngành ngân hàng

Sau một thời gian tăng trưởng tín dụng nhanh chóng, trong khi vốn chủ sở hữu tăng chậm thời gian qua đã khiến hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhiều ngân hàng hiện đang ở mức khá thấp không đáp ứng được điều kiện của chuẩn mức Basel II. Đặc biệt là khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8, hệ số CAR của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam ở mức 11,94%. Trong đó, CAR của nhóm NHTM Nhà nước thấp nhất 9,65%; CAR của nhóm NHTM Cổ phần cũng chỉ ở mức 10,66%.

Từ năm 2020, khi tiêu chuẩn Basel II được triển khai rộng rãi, hệ số CAR của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm đi dựa theo công thức mới. Nếu không tìm được cách cải thiện, các ngân hàng phải hạn chế mức độ tăng trưởng tín dụng để giữ hệ số an toàn vốn trên ngưỡng tối thiểu.

Theo JP Morgan, áp dụng Basel II đồng nghĩa hệ số CAR của các ngân hàng có thể giảm thêm 1,5 - 3%. Còn hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch ước tính, để triển khai Basel II thì vốn các ngân hàng Việt Nam cần tăng thêm 4,1 tỉ USD, trong đó 90% thuộc về các ngân hàng quốc doanh.

Vì vậy, có thể nói rằng tăng vốn đã trở thành nhu cầu cấp thiết của hầu hết ngân hàng trong hệ thống. Trong khi đó, với nguồn lực trong nước khá hạn chế thì phương án tối ưu nhất lúc này có lẽ đến từ dòng vốn nước ngoài.

Diễn biến hệ số CAR của ngành ngân hàng Việt Nam


Ngóng chờ những thương vụ M&A nghìn tỉ trong ngành ngân hàng - Ảnh 3.

Nguồn: JP Morgan.

Mặt khác, hoạt động thu hút vốn ngoại của các nhà băng hiện đang được các cơ quan chức năng "bật đèn xanh". Theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhà nước dự kiến giảm tỉ lệ sở hữu tại các NHTM có vốn nhà nước về mức 65% và tiến đến còn 51%.

Còn đối với các ngân hàng trong diện tái cơ cấu, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cho biết, Chính phủ chủ trương không cấp thêm giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại, nhưng khuyến khích các ngân hàng nước ngoài mua các ngân hàng yếu kém và hiện có không ít ngân hàng nước ngoài quan tâm tới các thương vụ M&A. 

Ðiều này có nghĩa, nhà đầu tư nước ngoài có thể được mua cổ phần chi phối đối với ngân hàng Việt Nam, thậm chí sở hữu 100%.

Trong báo cáo thị trường M&A Việt Nam 2018 - 2019, nhóm nghiên cứu MAF và CMAC nhận định các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều cơ hội tham gia vào các ngân hàng Việt Nam, chẳng hạn như BIDV hay một số ngân hàng vẫn còn room cho nhà đầu tư chiến lược. Trong khi, các công ty tài chính, hoặc bảo hiểm của các ngân hàng cũng sẽ cần tìm đối tác để phát triển nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.

Một số nhà đầu tư Nhật bản và Hàn quốc đang có những động thái tiếp cận các ngân hàng yếu kém, tuy nhiên cần thêm thời gian để xem kết quả và hiệu quả của những thương vụ này.

Quốc Thụy