FWD - Tập đoàn bảo hiểm giàu có với những vụ M&A khủng
Trụ sở FWD tại Hong Kong.
Tập đoàn FWD là một cái tên không quá mới trong giới tài chính nhưng chỉ thực sự gây ấn tượng đối với thị trường Việt Nam sau khi thông tin về thương vụ hợp tác có giá trị "khủng" với Vietcombank (một trong những Big4 ngân hàng) được tiết lộ.
Vào cuối tháng 7, hãng tin Bloomberg hé lộ về thông tin cạnh tranh giữa Tập đoàn FWD và Prudential để trở thành đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền của Vietcombank. Hợp đồng được dự kiến có giá trị khoảng 1 tỉ USD và có thời gian hợp tác ít nhất trong 10 năm, đây là giá trị hợp đồng hợp tác bảo hiểm lớn nhất cho tới nay tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ hãng này, có vẻ như FWD đang dành được ưu thế với mức giá cao hơn các đối thủ cạnh tranh khác. Đáng chú ý, thông tin cho biết FWD sẽ mua lại công ty con của Vietcombank là Vietcombank Cardif Life Insurance theo một phần của thoả thuận.
Vietcombank Cardif Life Insurance là công ty bảo hiểm được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Vietcombank, Tập đoàn tài chính BNP Paribas Cardif và SeABank nhằm phân phối các sản phẩm bảo hiểm tại các ngân hàng.
Tập đoàn FWD - Tham vọng thị phần với chiến lược M&A khủng
FWD là doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Tập đoàn Pacific Century Group (PCG) có trụ sở tại Hong Kong được thành lập bởi ông Richard Li, con trai út của tỉ phú Lý Gia Thành, người giàu nhất Hong Kong.
Pacific Century Group (PCG) là tập đoàn đầu tư châu Á được thành lập năm 1993, tập trung vào 3 lĩnh vực chính: dịch vụ tài chính, công nghệ, truyền thông & viễn thông và bất động sản. Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, PCG sở hữu công ty quản lí tài sản PineBridge Investments và tập đoàn bảo hiểm FWD.
Ông Richard Li. (Nguồn: The Japan Times)
Tập đoàn bước chân vào lĩnh vực bảo hiểm vào năm 2013 bằng cách mua lại doanh nghiệp bảo hiểm của Tập đoàn ING tại Hong Kong, Macao và Thái Lan với giá 2,1 tỉ USD. Sau đó, FWD mở rộng thị phần sang các thị trường châu Á bao gồm Indonesia, Philippines, Singapore, Việt Nam và Nhật Bản.
Hiện nay, FWD đã trở thành Tập đoàn bảo hiểm hiện diện tại 9 nước châu Á với tổng tài sản hơn 30 tỉ USD với 5 triệu khách hàng và 4.600 nhân viên. FWD chuyên cung cấp các dịch vụ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm cho người lao động.
Thị trường Đông Nam Á với các nền kinh tế mới nổi là một điểm đến đầu tư được FWD chú trọng với tỉ lệ thâm nhập bảo hiểm vẫn còn thấp, có nhiều cơ hội để phát triển. Đây cũng là nơi mà các nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực bảo hiểm đang cố gắng giành thị phần.
Theo Reuters, FWD đã chi hơn 6 tỉ USD cho 6 giao dịch mua lại trong 6 năm qua nhằm mở rộng dấu ấn tại khu vực châu Á. Đầu tháng 7/2019, FWD gây ấn tượng mạnh mẽ với thương vụ mua lại có giá trị lớn nhất trong ngành bảo hiểm Đông Nam Á.
Ông Huỳnh Thanh Phong (bên trái), Giám đốc điều hành của Tập đoàn FWD bắt tay với ông Arthid Nanthawithaya, Giám đốc điều hành của SCB, trong một buổi lễ kí kết tại Bangkok (Ảnh: SCB).
FWD đã chi ra 92,7 tỉ baht (tương đương 3 tỉ USD) để mua lại công ty bảo hiểm nhân thọ SCB Life Assurance của Siam Commercial Bank (SCB), ngân hàng có tài sản lớn nhất Thái Lan, sau gần 4 tháng đàm phán, theo đưa tin từ Nikkei. Tại Thái Lan, SCB Life Assurance là công ty bảo hiểm nhân thọ có thị phần đứng thứ tư.
Các nhà phân tích cho rằng thoả thuận này sẽ giúp FWD nhanh chóng mở rộng cơ sở khách hàng tại Thái Lan thông qua mạng lưới của SCB.
FWD cũng là đối tác chiến lược bancassurance của nhiều ngân hàng lớn tại châu Á như Security Bank Corporation (Philippines), HSBC (Malaysia), Commonwealth of Australia (Indonesia)...
Tập đoàn này cũng dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh sang thị trường Trung Quốc với mục tiêu trở thành tập đoàn bảo hiểm có mạng lưới rộng khắp châu Á - Thái Bình Dương. Theo thông tin từ Reuters, Tập đoàn FWD đang lên kế hoạch IPO tại Singapore.
FWD tiến vào thị trường Việt Nam
FWD chính thức gia nhập vào thị trường bảo hiểm Việt Nam vào năm 2016 sau khi mua lại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern Việt Nam và đổi tên thành Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam.
Sau đó, FWD đã nhanh chóng kí kết hợp tác triển khai mô hình bancassurance với hai ngân hàng là ABBank và Nam A Bank. Phương châm hoạt động được FWD xác định là trở thành công ty bảo hiểm hàng đầu Châu Á Thái Bình Dương và "thay đổi hoàn toàn cách khách hàng cảm nhận về bảo hiểm".
Khác với những sản phẩm của các công ty bảo hiểm khác, FWD cho biết đã gỡ bỏ ra khỏi danh mục loại trừ bảo hiểm như rủi ro lặn biển, leo núi, tai nạn máy bay riêng, 1 số biến chứng khi mang thai, tiêm phòng.
Đối với tất cả sản phẩm bảo hiểm của FWD, điều khoản loại trừ sẽ chỉ còn các yếu tố: tự tử, tự gây thương tích, vi phạm pháp luật và những sự kiện gây tổn thất lớn như chiến tranh…
Đây là một trong những điểm mới, nổi bật mà chưa một hãng bảo hiểm nhân thọ nào tại thị trường Việt Nam làm được.
Năm 2018, FWD Việt Nam được Bộ Tài chính chấp thuận của tăng vốn điều lệ lên 2.811 tỉ đồng.
Theo báo cáo tài chính của FWD Việt Nam năm 2018, phí bảo hiểm khai thác mới của công ty đạt 581 tỉ đồng, tăng 126% so với năm trước; số lượng hợp đồng khai thác mới tăng 186%, đạt hơn 107.000 hợp đồng.
Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của FWD Việt Nam đạt 1.876 tỉ đồng, tăng gần 36% so với năm trước. Tổng doanh thu hoạt động năm 2018 của công ty đạt 827 tỉ đồng, gấp 2,4 lần con số của cùng kì năm trước. Trong đó, 700 tỉ đồng đến từ doanh thu bảo hiểm và hơn 112 tỉ đồng đến từ hoạt động tài chính.
Đáng chú ý, công ty vẫn tiếp tục lỗ 760 tỉ đồng trong năm 2018, cao hơn con số lỗ năm 2017 (544 tỉ đồng). Điều này cho thấy FWD vẫn trong quá trình đầu tư mạnh mẽ mở rộng thị phần.
Ngoài phát triển mảng bancassurance, FWD Việt Nam cũng tiên phong phát triển các kênh phân phối bảo hiểm khác như qua kênh tư vấn tài chính cá nhân và kênh thương mại điện tử qua việc hợp tác với TIKI, một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam.
Ông Anantharaman Sridharan, Tổng Giám đốc FWD tại Việt Nam (Ảnh: FWD Việt Nam)
Tại thị trường Việt Nam, mặc dù hoạt động được gần 3 năm tại Việt Nam nhưng ấn tượng về thương hiệu FWD còn khá mờ nhạt.
Tập đoàn FWD bắt đầu gây dấu ấn khi thể hiện tham vọng lớn của mình trở thành đối tác cạnh tranh trong thương vụ giành quyền phân phối độc quyền bảo hiểm qua mạng lưới Vietcombank.
Thương vụ đang trong quá trình đàm phán và chưa có kết quả cuối cùng, tuy nhiên theo những thông tin được rò rỉ mới nhất thì với tiềm lực tài chính từ Tập đoàn PCG và kinh nghiệm nhiều vụ M&A lớn tại thị trường châu Á, FWD là công ty có nhiều ưu thế cạnh tranh với các đối thủ khác.
Việt Nam - Thị trường tiềm năng cho những thương vụ M&A bảo hiểm
Theo Bloomberg, thị trường Việt Nam đang thu hút được nhiều sự quan tâm của nhiều công ty bảo hiểm lớn trên thế giới nhờ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Trước đó, ngân hàng BIDV cũng tìm cách bán cổ phần của mình tại Metlife, một liên doanh bảo hiểm nhân thọ với Tập đoàn MetLife Inc.
Trong năm 2017, một loạt các hợp đồng phân phối bảo hiểm tương tự đã được kí kết tại Việt Nam. Điển hình là hợp đồng có thời hạn 20 năm giữa Sacombank với Dai-ichi Life hay hợp đồng giữa Techcombank và Manulife cũng có thời hạn tới 15 năm.
Cùng trong năm nay, hãng bảo hiểm Anh Aviva cũng có kế hoạch bán lại thị phần bảo hiểm tại thị trường Singapore và Việt Nam.
Thương vụ thu hút được khá nhiều sự quan tâm của 6 đối tác lớn gồm Công ty bảo hiểm Allianz (Đức), Nippon Life (Nhật Bản), MS&AD Insurance (Nhật Bản) và hai công ty bảo hiểm Canada là Sun Life Financial cùng Manulife Financial. Thỏa thuận này có thể trị giá tới 2,5 tỉ USD.
FWD và dấu ấn của CEO Huỳnh Thanh Phong
Ông Huỳnh Thanh Phong - Tổng Giám đốc của Tập đoàn FWD
Ông Huỳnh Thanh Phong, Tổng Giám đốc Tập đoàn bảo hiểm FWD, là người đã gắn bó với tập đoàn từ những ngày đầu thành lập. Ông là Việt kiều Canada, từng sinh sống tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trước khi trở thành chuyên gia định phí và là thành viên Hiệp hội Định phí Mỹ và Hiệp hội Định phí Canada.
Ông Phong được xem là người đặt nền móng cho thị trường bảo hiểm Việt Nam hơn 20 năm về trước. Ông từng giữ chức vụ Tổng giám đốc đầu tiên của Prudential Việt Nam, dẫn dắt tập đoàn gặt hái nhiều thành công và trở thành một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ dẫn đầu thị trường bấy giờ.
Sau đó, ông được mời làm Giám đốc điều hành của Prudential châu Á và là lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Prudential toàn cầu. Năm 2010, ông đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành khu vực Tập đoàn AIA, phụ trách các thị trường Singapore, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam.