|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam để đón cơ hội từ CPTPP

07:03 | 30/03/2018
Chia sẻ
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam để đón cơ hội từ CPTPP, vấn đề là chất lượng, là sự lựa chọn để bảo đảm đúng định hướng ngành, lĩnh vực và dự án ưu tiên... Đó là chia sẻ của GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài (VAFIE) khi trao đổi với DĐDN xoay quanh vấn đề này.
von fdi se tiep tuc do vao viet nam de don co hoi tu cptpp Vì sao doanh nghiệp FDI 'chê' chất lượng lao động Việt Nam
von fdi se tiep tuc do vao viet nam de don co hoi tu cptpp Doanh nghiệp FDI có xu hướng nhỏ đi?
von fdi se tiep tuc do vao viet nam de don co hoi tu cptpp
GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài (VAFIE).

GS.TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, CPTTP tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư qua biên giới, nên tạo điều kiện để Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ các nước thành viên khác vì thương mại gắn liền với đầu tư, nhất là với các nước mà Việt Nam chưa có thỏa thuận FTA như Canada, Mexico. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn tìm kiếm thị trường đầu tư tại các nước thành viên khác.

- CPTPP là một “sân chơi” mới. Bên cạnh những cơ hội như ông vừa nêu, thì đó là những thách thức, cụ thể những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt khi tham gia “cuộc chơi” này là gì, thưa ông?

Nhìn lại 23 năm từ khi Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới từ tháng 7/1995 đến nay, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều và mạnh hơn. Do đó cách tiếp cận khoa học là hội nhập để phát triển, phải coi trọng đổi mới thể chế, cải cách nền hành chính quốc gia, đầu tư vào khoa học và công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh cả ba cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

Tham gia CPTPP cũng vậy, nếu chúng ta chuẩn bị tốt các điều kiện về điều hành kinh tế vĩ mô, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thì việc mở cửa thị trường có lợi cho cả doanh nghiệp và người dân.

Tuy vậy, một số sản phẩm của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh trên thị trường trong nước, đặc biệt là thực phẩm. Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất thịt lợn (Asprocer), ông Juan Carlos Domínguez kỳ vọng, năm 2017, Chile xuất khẩu thịt lợn tới các nước của CPTPP đạt 141 triệu USD, nhưng khi Hiệp định có hiệu lực, các đơn hàng có thể tăng 10 - 15%.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi bò Canada, ông Heinz Reimer, khi CPTPP có hiệu lực, đường đi của các loại thịt bò Canada sang Việt Nam rộng mở hơn, giúp nông dân và các nhà chế biến thực phẩm nước này có thể thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2025 sẽ tăng tổng giá trị xuất khẩu nông sản hàng năm lên ít nhất 75 tỷ CAD (tương đương 60,7 tỷ USD). Như vậy có thể thấy, đây là một trong những thách thức đang hiện hữu đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm.

- Được biết, trong CPTPP có một chương quy định khá toàn diện về đầu tư qua biên giới, trong đó có những nguyên tắc như tối huệ quốc, đối xử quốc gia, minh bạch và công khai thông tin, quyền của nhà đầu tư,.. Xin ông cho biết, các quy định hiện hành của Luật pháp Việt Nam đã thực sự phù hợp với những quy định này, thưa ông?

Hiện luật pháp Việt Nam đã có các quy định khá phù hợp về đầu tư. Tuy vậy, cần lưu ý đến 3 vấn đề mà CPTPP đòi hỏi cao hơn về đầu tư. Một là, công khai, minh bạch và dễ dự đoán của hệ thống luật pháp và sự thay đổi của pháp luật, đó là một nhược điểm của luật pháp Việt Nam; Hai là, đòi hỏi cao về quyền sở hữu trí tuệ, mặc dù đã “đóng băng” một số điều khoản liên quan như đối với dược phẩm; Ba là, lao động và quyền của người lao động, bao gồm quyền thành lập công đoàn độc lập. Do vậy, cần phải điều chỉnh, sửa đổi một số điều trong luật pháp có liên quan đến đầu tư.

- Để có thể tận dụng và đón đầu cơ hội đầu tư từ các thị trường thành viên trong khuôn khổ CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị và đón đầu các cơ hội từ các thị trường các nước thành viên CPTPP như thế nào, thưa ông?

Những thông tin trên đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất để cạnh tranh với sản phẩm từ các nước thành viên CPTPP trên thị trường trong nước; đồng thời tận dụng tốt nhất cơ hội mới để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang các nước tham gia Hiệp định.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục vào Việt Nam, vấn đề là chất lượng, là sự lựa chọn để bảo đảm đúng định hướng ngành, lĩnh vực và dự án ưu tiên; chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, ưu đãi quá mức cần thiết làm giảm thiểu lợi ích quốc gia.

Để thu hút đầu tư nước ngoài, cần tiếp cận quy định của chương đầu tư trong CPTPP để điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết trong hệ thống pháp luật Việt Nam có liên quan. Đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cấu trúc lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu năng; tinh giản biên chế, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức, xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, có trình độ ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp để thực hiện “Chính phủ kiến tạo, hành động” như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh.

Ngọc Hà

Ngọc Hà