Doanh nghiệp FDI có xu hướng nhỏ đi?
Khi doanh nghiệp FDI 'ít' đóng góp cho ngân sách | |
5 tác động của làn sóng FDI vào bất động sản Việt Nam |
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2017 (PCI) cho thấy các doanh nghiệp FDI đã mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm vừa qua, doanh thu trung vị đạt 2,43 triệu USD, cao gấp 3 lần so với các năm trước.
Tính riêng năm 2017, vốn FDI đăng ký mới đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44% so với 2016 và có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Với 2.591 lượt dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, số vốn giải ngân cũng ở mức kỷ lục 17,5 tỷ USD, một con số ấn tượng trong bối cảnh toàn cầu đang suy giảm.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập VCCI. |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI), đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay đã thực chất hơn, mức độ giải ngân tăng cao, cải thiện qua từng năm và đầu tư nước ngoài cho các lĩnh vực cũng đa dạng hơn, tập trung vào những ngành mang lại giá trị cốt lõi cho nền kinh tế.
Tuy nhiên theo kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu PCI, sự gia tăng về doanh thu cũng đi kèm với chi phí kinh doanh tăng cao tới 2,02 triệu USD điều này có nghĩa khả năng sinh lời bị ảnh hưởng.
Tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi giảm xuống còn 54,3% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua, trong khi đó, 37,9% doanh nghiệp báo lỗ cũng là con số kỷ lục mới.
Khảo sát PCI cũng cho thấy các doanh nghiệp FDI có xu hướng nhỏ đi, cả về quy mô lao động và vốn chủ sở hữu, chủ yếu hướng vào xuất khẩu và chuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia.
Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có xu hướng đa dạng hóa theo thời gian. Tỉ trọng doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán buôn và bán lẻ từng chiếm gần 15% số doanh nghiệp FDI trong năm 2014, tuy nhiên trong những năm gần đây con số này giảm dần và chỉ còn chưa đến 10% vào năm 2017.
Sản xuất chế tạo tiếp tục là lĩnh vực hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ trọng 66% trong điều tra năm 2017, lĩnh vực phát triển nhanh nhất là máy vi tính, các sản phẩm điện tử và quang học.
Điều này cho thấy một xu hướng tích cực của các doanh nghiệp FDI trong việc chuyển dịch sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn.
Bà Trang cho rằng, cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của đầu tư nước ngoài để các doanh nghiệp FDI có thể tập trung vào các ngành nghề phù hợp với chính sách và định hướng và triển của nền kinh tế, đóng góp tích cực hơn vào việc thay đổi cơ cấu của nền kinh tế chứ không chỉ đơn thuần là thu hút nguồn vốn vào các lĩnh vực mang lại lợi ích bề mặt hoặc chóng vánh
Theo báo cáo PCI 2017, mặc dù đã có những cải thiện đáng kể và được đánh giá tốt bởi cộng đồng doanh nghiệp, song các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của các nhà đầu tư sau khi đã đăng ký và cấp phép thành công vẫn là gánh nặng và là mối quan ngại đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp phải giành quá nhiều thời gian để tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính quan liêu, có thể gây tổn hại đến năng suất của doanh nghiệp. Nhiều thủ tục như thuế, hải quan vẫn gây rất nhiều phiền hà và tốn kém đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Dù có xu hướng giảm nhưng vẫn có tới 45% các doanh nghiệp cho rằng vẫn phải đối mặt với việc phải chịu các chi phí không chính thức khi xin giấy phép đầu tư, khi tham gia ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các cơ quan nhà nước, khi làm thủ tục thông quan, khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc khi giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Mặc dù các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam có thể chấp nhận tình trạng này như một phần của cuộc chơi tuy nhiên tham nhũng có thể là một trong những trở ngại thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật, đại diện VCCI cho rằng các quy định và chính sách của Việt nam hiện nay tương đối mở cửa so với các nước khác trong khu vực. Điều này cũng không quá ngạc nhiên vì trong quá trình đàm phán TPP và nay là CPTPP cũng như EVFTA, chúng ta cũng đồng thời sửa pháp luật về đầu tư.
“Tuy nhiên vấn đề ở chỗ là làm thế nào để biến những quy định rất tự do, thông thoáng và đơn giản trên những văn bản pháp luật thành hiện thực. Đây là câu chuyện cùng với các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện môi trường kinh doanh ở trong nước”, bà Trang nhận định.
Bà Trang nhấn mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư trong nước không chỉ bằng những công cụ ưu đãi mà hơn thế nữa còn là một môi trường kinh doanh tốt có thể tạo ra cơ hội và động lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh, điều này mang tính bao trùm hơn và mang lại nhiều kết quả hơn.
“Vấn đề của Việt Nam hiện nay là làm thế nào để cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ bằng những công cụ ưu đãi đơn thuần, cũng không phải dưới sức ép của các cam kết mà là để đáp ứng nhu cầu nội tại của các doanh nghiệp và bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, bà Trang cho biết.
Đại diện VCCI mong muốn những chuyển động này sẽ mạnh mẽ hơn, không chỉ là những ý chí ở các cơ quan cấp cao mà còn là hành động thiết thực và thực tế ở bộ máy chính quyền cấp cơ sở.