|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vốn cho nông nghiệp thoáng hơn

06:47 | 25/09/2018
Chia sẻ
Hộ gia đình, tổ hợp tác có dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ dễ tiếp cận vốn ngân hàng hơn...
von cho nong nghiep thoang hon Nguồn vốn nông nghiệp công nghệ cao đã đến được với người nuôi tôm?
von cho nong nghiep thoang hon Làm nông nghiệp công nghệ cao: 'Đói' vốn và đất đai

Nghị định 116/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực từ 25-10 tới được kỳ vọng sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về tài sản bảo đảm, hạn mức cho vay.

Cần vốn nhưng không vay được

Ông T.V.L (ngụ TP HCM), một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh nông sản, cho biết dù thời gian qua Chính phủ có rất nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhưng những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng (NH).

"Vừa qua, có một số quy định mới hỗ trợ tốt hơn nhưng bản thân tôi đi hỏi thì được biết phải chờ hướng dẫn, chưa triển khai được. Nhiều chính sách về hỗ trợ liên kết để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhưng chúng tôi cần vốn thì không vay được. Chúng tôi hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình, thu mua trả tiền ngay cho nông dân rồi bán cho siêu thị. Thông thường siêu thị sẽ trả tiền sau 30-60 ngày nhưng khi chúng tôi đem hợp đồng này đi thế chấp để vay khoảng 80% giá trị khoản tiền mà siêu thị sẽ trả cũng không được" - ông L. nêu.

Theo một số hộ nông dân, họ rất mong muốn nhà nước niêm yết công khai các tiêu chí để dự án được vay vốn và công bố đường dây nóng để người dân phản ánh khi bị gây "khó dễ". "Nông dân sẽ dễ bị nản lòng nếu liên tục bị các NH từ chối cho vay với lý do không rõ ràng" - ông L. đề nghị.

Ông Trầm Quốc Thắng (HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, huyện Củ Chi, TP HCM) từng vay 20 tỉ đồng vốn NH để đầu tư sản xuất heo giống (tổng dự án gần 38,5 tỉ đồng) nhưng vẫn nhận thấy việc tiếp cận vốn tín dụng không hề dễ dàng. Chẳng hạn, đất nông nghiệp và tài sản đầu tư trên đất nông nghiệp được NH định giá rất thấp, dẫn đến hạn mức cho vay thấp, không đủ vốn để tổ chức sản xuất. Năm 2017, ông Thắng đã trả hết nợ vay và dự định vay tiếp để mở rộng sản xuất nhưng không thực hiện vì ngành heo 2 năm qua thiếu ổn định, NH chưa mặn mà.

Thời gian qua, TP HCM đã thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị bằng cách hỗ trợ lãi suất (60%-100% lãi suất) cho các dự án vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp định hướng như trồng hoa lan, hoa mai, kiểng lá, bonsai, nuôi cá cảnh, tôm, bò sữa… Tuy nhiên, việc hỗ trợ chỉ được thực hiện khi dự án được tổ chức tín dụng chấp thuận cho vay.

von cho nong nghiep thoang hon

Một dự án chăn nuôi bò và sản xuất sữa sạch của bà con nông dân Củ Chi, TP HCM. Ảnh: NGỌC ÁNH

Mở rộng đối tượng vay

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tín dụng, NH Nhà nước (NHNN), cho biết Nghị định 116 đã bổ sung nhiều đối tượng mới có thể tiếp cận chính sách ưu đãi tín dụng, nâng hạn mức cho vay với nông dân, hộ gia đình giúp đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.

Cụ thể, nâng mức cho vay tín chấp (không có tài sản bảo đảm) tối đa với cá nhân, hộ gia đình ngoài khu vực nông thôn có sản xuất - kinh doanh nông nghiệp lên 100 triệu đồng; đối với cá nhân, hộ gia đình ở khu vực nông thôn được vay 200 triệu đồng. Nghị định cũng bổ sung chính sách hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, như các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... sẽ được NH thương mại xem xét cho vay tối đa 70% nhu cầu vốn thực hiện dự án.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, quy định này đã mở rộng đối tượng làm nông nghiệp được tiếp cận vốn NH, vì trước đây chỉ có doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao mới được hưởng chính sách này. Đồng thời, Nghị định 116 cho phép NH thương mại được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất - kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng. Qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn về tài sản cho khách hàng, đặc biệt là các tài sản có giá trị lớn trên đất nông nghiệp như nhà kính, nhà lưới...

"Trước đây nhiều người làm nông nghiệp có dự án hiệu quả nhưng không có tài sản thế chấp, nay quy định mới cũng gỡ nút thắt này khi cho vay tín chấp. Ngành NH sẽ tạo mọi điều kiện cho DN, hộ gia đình, hộ sản xuất tiếp cận vốn thuận lợi với điều kiện các dự án phải có phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, an toàn" - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Dưới góc độ NH thương mại, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), đánh giá quy định mới nâng hạn mức cho vay không có tài sản bảo đảm với nông dân, hộ gia đình lên 200 triệu đồng sẽ tạo hành lang pháp lý, cơ sở cho NH đưa thêm vốn vào phân khúc đang được khuyến khích. Nhiều DN lớn cũng đổ vốn vào nông nghiệp, đầu tư nhiều hơn về công nghệ, hỗ trợ nông dân cả đầu vào và đầu ra. Giờ nếu bài toán vốn được giải quyết sẽ giúp nông nghiệp phát triển bền vững hơn.

Dự án phải khả thi

Theo các NH, chính sách khai thông dòng vốn vào nông nghiệp đã có, điều quan trọng nhất hiện nay là dự án của nông dân và DN phải hiệu quả, khả thi. Các NH sẽ phải phối hợp chính quyền địa phương, các hiệp hội trong việc tìm hiểu nhu cầu vốn của khách hàng, bơm vốn đúng mục đích, đúng địa chỉ.

Thực tế ở TP HCM thời gian qua cho thấy việc các cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp khó vay vốn chủ yếu do không có tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được định giá thấp. Một số chủ đầu tư có lịch sử nợ xấu, dù đã hoàn trả lãi, gốc đầy đủ nên khi có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất tiếp thì bị từ chối. Ngoài ra, việc cấp phép xây dựng chuồng trại, nhà lưới, nhà sơ chế… trên đất nông nghiệp còn gặp khó khăn.

Do vậy, phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM cho rằng nếu NH phối hợp tốt với các hiệp hội, đoàn thể ở địa phương sẽ kiểm soát được dòng vốn. Bởi nguyên tắc trước khi giải ngân là các NH phải tìm hiểu kỹ nhu cầu, mục đích vay vốn và sử dụng vốn vay có đúng hay không? Đơn cử, nếu cho hộ nông dân vay 200 triệu đồng để nuôi heo thì NH phải biết được số tiền nông dân này giải ngân xong có xây chuồng trại, mua con giống, mua thức ăn hay không. "NH phải biết được đường đi của dòng tiền, nông dân dùng tiền vay để làm gì. Nợ xấu chỉ xảy ra khi việc chăn nuôi của nông dân đổ bể nhưng xác suất này thấp. Sợ nhất là nông dân vay tiền xong sử dụng sai mục đích, tiêu xài cá nhân rồi không có khả năng trả nợ" - vị phó tổng giám đốc này nói.

Cho vay nông nghiệp không quá rủi ro

Ông Trần Ngọc Tâm cho biết gần đây nhiều NH đã chuyển hướng đẩy mạnh vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khi khu vực này đang được nhà nước khuyến khích. Thực tế, đẩy vốn vào nông nghiệp, cho nông dân, hộ sản xuất vay từng món vay nhỏ, phân tán rủi ro, không lo nợ xấu. Dù cho vay nông nghiệp có yếu tố rủi ro về mùa vụ, thời tiết, thị trường nhưng vẫn có thể khắc phục được vào những mùa vụ tiếp theo...

Xem thêm

Thái Phương - Ngọc Ánh