Làm nông nghiệp công nghệ cao: 'Đói' vốn và đất đai
Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Chính phủ quyết định thực hiện từ năm 2012. Tuy nhiên đến nay, sau 5 năm triển khai, Chương trình này chưa gặt hái kết quả như kỳ vọng, trong số nhiều nguyên nhân thì có khó khăn về đất đai và vốn.
Làm nông nghiệp có thể cho doanh thu 9 tỷ đồng/ha/năm
Là địa phương đang dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Lâm Đồng đã có gần 50.000 ha đất sản xuất ứng dụng công nghệ cao (CNC), chiếm 18% diện tích đất canh tác, với 9 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC (chiếm 31% số doanh nghiệp CNC của cả nước).
Nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được trưng bày tại Hội nghị toàn quốc về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diễn ra tại Đà Lạt sáng 14/8/2017. |
Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, có được kết quả như hiện nay là nhờ tỉnh đã xác định nông nghiệp ứng dụng CNC là khâu đột phá trong sản xuất, do đó tỉnh đã triển khai chương trình nông nghiệp ứng dụng CNC từ năm 2003. Tỉnh đã và đang triển khai quy hoạch 1 khu nông nghiệp ứng dụng CNC, 1 khu công nghiệp nông nghiệp, 7 khu nông nghiệp CNC tập trung và 19 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC.
Đặc biệt, hiện nay, tại Lâm Đồng, đã có mô hình sản xuất rau cao cấp đạt 400 triệu đến 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có doanh nghiệp sản xuất rau thủy canh đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng/ha/năm; hoa đạt đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm; chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng/ha/năm và cà phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm. Nhiều sản phẩm đã được chứng nhận nhẵn hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Toàn tỉnh Lâm Đồng cũng đã có 19 nông sản được công nhận nhãn hiệu, bên cạnh đó tỉnh đang xây dựng và phát triển thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" giai đoạn 2017-2020 với nguồn ngân sách đầu tư khoảng 11 tỷ đồng.
Đến nay, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp toàn tỉnh; lợi nhuận cho người sản xuất đạt trên 30% so với doanh thu.
Hiện giá trị sản xuất năm 2016 của tỉnh Lâm Đồng đạt bình quân hơn 160 triệu đồng/ha/năm, trong đó có khoảng 14.000 ha đạt từ 250 - 500 triệu/ha/năm; khoảng 12.000 ha đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm; 1.500 ha đạt từ 1-2 tỷ/ha/năm.
Vẫn khó khăn về vốn và đất đai
Dù kết quả làm nông nghiệp ứng dụng CNC của Lâm Đồng được đánh giá là hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước. Tuy nhiên, bản thân địa phương này cũng đang gặp nhiều rào cản, trong đó có rào cả về đất đai và nguồn vốn tín dụng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết tỉnh đã thực hiện nhiều cách tích tụ ruộng đất, như: nhà nước giải phóng mặt bằng, thuê đất của dân ổn định và xây dựng hạ tầng rồi cho doanh nghiệp thuê lại; doanh nghiệp tự làm dự án, tỉnh duyệt và giao đất cho doanh nghiệp (từ 20-50 năm); doanh nghiệp tự thỏa thuận mua đất hoặc thuê đất của dân, nhà nước hỗ trợ làm thủ tục để nhà đầu tư thỏa thuận đền bù, giải tỏa mặt bằng.
Tuy nhiên, cái khó trong quá trình tích tụ ruộng đất là việc giải phóng mặt bằng do giá đất đền bù cho nhân dân thấp hơn giá thị trường; một số lô đất có tổng tiền bồi thường, hỗ trợ san ủi khá lớn nên khó thực hiện việc thu hút đầu tư.
Còn về chính sách tín dụng, ông Sơn cho biết, tuy đã có hạn mức vốn cho nông nghiệp ứng dụng CNC, nhưng việc tiếp cận vốn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nội dung về thế chấp, xác nhận tài sản đầu tư cho nông nghiệp.
Chia sẻ sự khó khăn này, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cũng cho rằng, việc triể khai cho vay làm nông nghiệp ứng dụng CNC còn nhiều khó khăn. Bởi đây là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro khi triển khai dự án, trong khi lại thiếu các công cụ phòng ngừa rủi ro, nhất là chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp.
Hơn nữa, vốn đầu tư cho dự án nông nghiệp CNC rất lớn (theo thực tế tại Lâm Đồng, đầu tư ứng dụng nhà kính trong sản xuất tốn 1,3-3,0 tỷ đồng/ha) và giá thành trên một đơn vị sản phẩm khá cao. Nhưng hầu hết sản phẩm đầu ra chưa có được thị trường tiêu thụ ổn định, thiếu các chế tài cần thiết để bảo vệ và thông tin đến người dùng nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế.
Hơn nữa, theo ông Tần, hiện nay các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC như nhà kính, nhà lưới... chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp gây khó khăn cho doanh nghiệp khi làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, thế chấp vay vốn ngân hàng.
Hà Nam, Thái Bình xin thí điểm thuê đất dân rồi cho DN thuê lại sản xuất nông nghiệp Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang chậm giải ngân, một phần do doanh nghiệp gặp khó ... |
Vì sao gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao chậm giải ngân? Một số nguyên nhân kể đến như đây là chương trình mới, các ngân hàng thương mại đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn triển ... |
Nghị quyết trung ương 5: Nông nghiệp Việt mất dần giống Là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm, VN phải tốn cả nửa tỉ USD nhập giống cây trồng, vật nuôi các loại. Quá phụ thuộc ... |