Lộ diện 'hòn đá tảng’ cản dòng vốn 100.000 tỷ
Cho vay nông nghiệp công nghệ cao đạt 32.339 tỷ đồng
Sáng nay (4/7) Trung ương Hội Nông dân VN phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn ... |
Chuyên gia nói gì về gói 100.000 tỷ đồng và nông nghiệp công nghệ cao
Rục rịch từ những tháng cuối năm 2016 nhưng đến nay gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao mới thực sự bắt ... |
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn với thủ tục thế chấp tài sản trên đất nông nghiệp. - Ảnh minh họa |
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đến nay các ngân hàng đã cam kết cho vay 120 nghìn tỷ, giải ngân gần 33 nghìn tỷ. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm rất vướng liên quan tới thế chấp tài sản trên đất.
Cụ thể, tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm thì không được cấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, nên khi đưa ra thế chấp thì không được chấp nhận. Chính phủ đã đưa vấn đề này vào Nghị quyết, giao NHNN phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu tháo gỡ.
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Agribank – đơn vị cam kết số vốn lớn nhất cho nông nghiệp công nghệ cao - cũng cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay là tài sản thế chấp. Vì đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, có thể lên tới 30-40 tỷ đồng mỗi ha, nhưng các tài sản trên đất lại không được thế chấp vay vốn.
“Lúc được mùa thì các tài sản này rất giá trị, nhưng gặp thiên tai, mất mùa thì không đáng bao nhiêu, kể cả nhà máy tới 500 tỷ đồng nhưng mất mùa thì cũng thế”, ông Khánh giãi bày. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao lại thuê đất từ nhiều hộ nông dân và "sổ đỏ" của các mảnh đất này vẫn do từng chủ hộ nắm giữ, nên doanh nghiệp không thể đem thế chấp chính quyền sử dụng đất. Theo ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn 0,5%-1,5%/năm so với lãi suất thông thường cùng kỳ hạn, mang lại nhiều hy vọng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, đến nay, những khái niệm về nông nghiệp công nghệ cao, tiêu chí đánh giá dự án, quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao; yêu cầu, quy định tiếp cận nguồn vốn, tài sản đảm bảo, lãi suất… vẫn còn nhiều điểm cần làm rõ. “Phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất, việc tiếp cận gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng hẳn sẽ rất khó khăn”- ông Môn nói.
Từ kinh nghiệm đầu tư vào ngành chăn nuôi hàng chục năm nay, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Công ty Ba Huân cho rằng, không phải ai cũng làm được nông nghiệp công nghệ cao vì doanh nghiệp “lên bờ xuống ruộng nhiều lắm rồi”.
Bà Ba Huân cho biết, đến nay số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến trứng chỉ “đếm đầu ngón tay”. Theo bà, vấn đề rất khó khi đầu tư chính là đầu ra cho sản phẩm. Theo bà Ba Huân, khi sản phẩm hướng tới bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thì “đi đến đâu họ tự giới thiệu đến đó”. Từ đó, việc tiếp cận vốn từ ngân hàng không phải là vấn đề lớn.
Trên thực tế, các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao gặp rất nhiều vướng mắc liên quan tới đất đai. Ông Trần Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoa Anh Đào – người đã mất thời gian 10 năm để nghiên cứu trồng và nhân giống hàng loạt hoa anh đào Nhật Bản ở điều kiện thời tiết Việt Nam, cho biết doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp muốn kinh doanh phải có diện tích, mặt bằng kinh doanh lớn.
Theo ông Lệ, muốn tìm một quỹ đất để phát triển hoa, rau, ông phải đi rất nhiều địa phương mới có thể thực hiện ước mơ khởi nghiệp bằng nông nghiệp công nghệ cao của mình. “Tìm được một diện tích đất đủ lớn để làm nông nghiệp đã khó, làm sao để làm ăn suôn sẻ còn khó hơn. Chúng tôi khi thực hiện dự án hoa, rau sạch tại địa phương đã gặp phải rất nhiều rắc rối từ thủ tục, cơ chế hoạt động” - ông Lệ cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho rằng, tín dụng đối với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một hướng đi mới song chưa có tiền lệ, vì vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro khi khai thác dự án, trong khi cần vốn đầu tư lớn.
Ông Hùng nhấn mạnh, việc các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới... chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải nhanh chóng sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyển sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.