|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công nghệ nông nghiệp tại Việt Nam: 'Đốt tiền' thôi là chưa đủ

08:57 | 09/11/2022
Chia sẻ
Mặc dù là một quốc gia có ngành nông nghiệp phát triển và quan trọng, hệ sinh thái startup công nghệ nông nghiệp (agritech) lại chưa thu hút được quá nhiều sự chú ý.

Cần thêm thời gian để đón nhận công nghệ

MimosaTEK, một trong những startup agritech đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập từ năm 2014 nhưng mãi tới năm 2018 mới thương mại hoá sản phẩm của mình. Hiện tại, MimosaTEK cung cấp nền tảng điện toán đám mây kết nối với hệ thống cảm biến, cho phép nông nhân theo dõi môi trường và các điều kiện khác theo thời gian thực bằng smartphone. Nông dân cũng có thể tự động hoá quy trình tươi tiêu hoặc kế hoạch bón phân.

 Một cảm biến do MimosaTEK phát triển. (Ảnh: MimosaTEK). 

Phần lớn trong số 500 khách hàng của công ty này ở Lâm Đồng. Giải pháp IoT của MimosaTEK có chi phí từ vài trăm USD đến vài nghìn USD song anh Trí cho biết MimosaTEK đặt mục tiêu giảm 10% chi phí sản xuất mối năm.

Dù vậy, những công nghệ như vậy là chưa đủ để thúc đẩy sự đón nhận. “Ngay cả “đốt tiền” cũng không đủ để thuyết phục người nông dân dùng công nghệ nếu không phù hợp”, anh Trí nói với Tech in Asia. Bên cạnh đó, anh Trí cũng thừa nhận vấn đề nằm ở việc tệp khách hàng là nông dân có khả năng chi trả không quá cao.

 Một trang trại ở Lâm Đồng dùng giải pháp của MimosaTEK. (Ảnh: MimosaTEK). 

Anh Trí nói thêm rằng các startup cần làm việc với nông dân từ giai đoạn chuẩn bị trước vụ mùa, tối ưu hệ thống dựa trên cây trồng và các điều kiện khác như trang trại ngoài trời hay nhà kính. Nếu một trang trại nào đó mang lại năng suất cao hơn, nó giúp ích rất nhiều cho hoạt động “marketing truyền miệng”.

Khoa Lưu, người đồng sáng lập và COO của Koina, cũng có quan điểm tương tự. “Bạn cần xây dựng niềm tin. Trong hầu hết các trường hợp, nông dân chỉ làm việc với chúng tôi nếu chúng tôi giúp họ bán được hàng”, anh chia sẻ.

Thành lập vào năm 2021, Koina muốn xây dựng một hệ sinh thái văn hoá nông nghiệp dựa trên công nghệ tại Việt Nam với thành viên sáng lập đến từ nhiều công ty như Grab, Vingroup, và SCommerce.

Koina có một nền tảng giúp nông dân nhập dữ liệu liên quan đến vụ mùa và trang trại để nhận lại các thông tin như dự đoán sản lượng, giá hàng hoá cũng như cung cầu thị trường.

Hiện tại, Koina đang được thử hiện với hơn 2.000 người trồng cam ở Vĩnh Long. Trong tương lai, Koina muốn kết nối nông dân với các dịch vụ khác như nhân sự và tài chính.

Anh Lưu cho biết Koina hiện dùng hệ thống cộng tác viên là các người dân địa phương để có thêm khách hàng. “Hành trình số hoá đối với nông dân là quá trình dài và bạn phải làm điều này từ từ”, anh chia sẻ.

Vấn đề đầu tiên là chuỗi cung ứng

Với một số nhà sáng lập agritech địa phương, họ đang ở trong tình thế “con gà – quả trứng”. Trước khi người nông dân đón nhận công nghệ của họ, startup cần giúp họ bán hàng.

Vì thế, các chợ điện tử kết nối nông dân với người mua có lẽ là một hình kinh doanh phổ biến nhất. “Vấn đề quan trọng là giải quyết bài toán đầu ra cho nông dân. Nếu bạn không thể bán hàng, áp dụng công nghệ không có ý nghĩa”, Phạm Ngọc Anh Tùng, đồng sáng lập sàn giao dịch FoodMap, nói.

Năm 2017, Anh Tùng là người dẫn dắt một dự án IoT có tên Demeter cho Cau Dat Farm, một startup được Seedcom đầu tư. Hệ thống này cho phép nông dân tự động hoá nhiều quy trình vận hành và quản lý trang trại tốt hơn.

Năm 2020, anh chuyển hướng sang FoodMap với mục tiêu kết nối nông dân với người mua cá nhân hoặc các hộ kinh doanh. Startup này tìm kiếm nguồn hàng trực tiếp từ nông dân, ưu tiên các đặc sản địa phương bên cạnh các mặt hàng tươi sống khác.

Về khía cạnh B2B (đóng góp 80% doanh thu của FoodMap), FoodMap cung cấp hàng hoá cho các siêu thị như Lotte và Farmers Market. Trong khi đó, với mô hình B2C, FoodMap đưa các mặt hàng đến trực tiếp với người dùng cuối thông qua các sàn TMĐT như Tiki, Lazada và Shopee.

FoodMap vừa nhận 3 triệu USD vốn đầu tư vào tháng 1 và hiện đang có hai nhà kho ở TP HCM. Anh Lưu của Koina cho rằng tăng tiếp cận hàng hoá của nông dân đồng nghĩa với việc giải quyết bài toán chuỗi cung ứng địa phương. Anh cho rằng đây là khía cạnh “bị bỏ quên” vì phần lớn các công ty muốn xuất khẩu nông sản ra nước ngoài (đặc biệt là sang Trung Quốc).

Koina tập trung vào các mặt hàng “không dành cho xuất khẩu” như cam, xoài, cà chua hay cà rốt. Với dữ liệu trên nền tảng, Koina có thể tối ưu được quy trình thu hoạch, vận chuyển và đặt hàng.

Koina cung ứng nông sản đến những người mua bán buôn hoặc các kênh bán lẻ hiện tại. Khác với các kênh truyền thống, Koina cam kết mua một lượng nông sản nhất định từ nông dân ngay cả khi giá giảm.

Nhiều vốn đầu tư hơn sẽ tới?

Mảng agritech ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu và chưa nhận được nhiều sự chú ý như tại Indonesia và Singapore, Justin Ahmed, giám đốc công ty tư vấn Beanstalk Agtech, nói. So với Indonesia, ông Ahmed nhận định Việt Nam thiếu các công ty quy mô trung bình ở mảng nông nghiệp. Đây là các công ty có thể chi trả cho việc áp dụng công nghệ và ủng hộ công nghệ.

“Có một số công ty lớn, đầu tư nhiều công nghệ ở mảng xử lý sữa hay thịt ở Việt Nam nhưng nó chưa đủ để thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ địa phương”, ông nói thêm.

Theo ông Hero Choudhary, đối tác điều hành tại Beenext, các nhà đầu tư mạo hiểm thường quan tâm đến các mô hình kinh doanh không cần nhiều tài sản (asset-light). Tuy nhiên, các startup agritech thường cần đầu tư nhiều vào tài sản cố định hoặc duy trì kho hàng.

Ở trường hợp ở Việt Nam, tăng đầu tư vào mảng này có thể giúp các startup mở ra nhiều cơ hội mới ở các sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn, tối ưu vận hành và tăng thu nhập cho nông dân, ông Hero nói thêm.

Cả Koina và FoodMap đều cho biết đều đang lên kế hoạch cho các vòng gọi vốn mới. Vinnie Lauria, đối tác sáng lập của Golden Gate Ventures, nhận định phần lớn các nhà đầu tư ở Việt Nam quan tâm đến mảng TMĐT hoặc fintech. Công ty của ông mới đây kêu gọi 120 triệu USD cho quỹ đầu tư thứ 4 và agritech nằm trong tầm ngắm của họ.

Nam Khánh