|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vốn chảy vào bất động sản yếu ớt, thị trường thật sự chật vật?

15:02 | 06/08/2020
Chia sẻ
Dư nợ tín dụng và nguồn vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản đồng loạt giảm trong nửa đầu năm 2020.
Nguồn vốn đổ vào bất động sản đang teo lại, thị trường thật sự khó khăn? - Ảnh 1.

Giá nhà không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. (Ảnh: Hạ Vũ)

Dư nợ tín dụng vào BĐS giảm

Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) trong quí II/2020. Theo đó, hoạt động kinh doanh BĐS đã có tiến triển tốt hơn, sôi động hơn quí trước và có những tín hiệu lạc quan, tích cực. 

Đến nay, thị trường đang dần từng bước khôi phục lại sau thời gian giãn cách xã hội và sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng phát triển. 

Theo tổng hợp từ 54/63 UBND có báo cáo số liệu, trong quí II/2020 có 29.674 giao dịch BĐS thành công. Riêng Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công (tăng 16% quí I), TP HCM có 3.958 giao dịch thành công (tăng 41% so với quí I). 

"Lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý II/2020 bình quân trên cả nước tăng khoảng 30 - 40% so với quí I/2020 do các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội", báo cáo nêu.

Về tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, Bộ Xây dựng dẫn báo cáo của NHNN cho biết, tính đến 31/3/2020 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 526.396 tỉ đồng, giảm 0,87% so với hết tháng 2/2020, tăng 0,87% so với 31/12/2019. 

Như vậy, từ cuối năm 2019 và trong 6 tháng đầu năm 2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản có xu hướng giảm.

Theo số liệu thống kê, bình quân dư nợ tín dụng trong 5 năm gần đây khoảng 7,3% (trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế). Tuy nhiên, tỉ trọng dư nợ tín dụng BĐS giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019 và giảm còn 6,3% trong quí I/2020.

Bên cạnh đó, cơ cấu dư nợ BĐS cũng có thay đổi theo từng giai đoạn.  Cụ thể, cho vay đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà chiếm tỉ lệ 38,9%; các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê chiếm 7,2%; các dự án xây dựng KCN, khu chế xuất chiếm 3,9%.

Ngoài ra, các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng chiếm 4%; các dự án nhà hàng, khách sạn chiếm 9,7%; cho vay mua quyền sử dụng đất chiếm 9,1%; cho BĐS khác chiếm 27,3%.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, đại dịch COVID-19 đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới và trong nước, theo đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. 

Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm, chỉ bằng 95,1% so với cùng kì, song mức độ giảm đang cải thiện dần so với các tháng trước đó. 

Đối với nguồn vốn FDI, trong nhiều năm trở lại, lĩnh vực BĐS luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo). 

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì vốn đăng kí đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chỉ đứng thứ 4 với tổng vốn đăng kí gần 850 triệu USD, chiếm khoảng 11% tổng nguồn vốn FDI đăng kí mới.

Về hoạt động của doanh nghiệp BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, sau thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại và bắt đầu mở bán các dự án, công bố kế hoạch kinh doanh thời kì sau đại dịch cùng với kế hoạch tuyển dụng lao động và tìm kiếm nhân sự phù hợp cho kế hoạch lâu dài. 

"Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh và phát triển BĐS đã có những giải pháp để tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở những địa phương, ngoài các đô thị lớn", báo cáo nên.

Động thái mới của Ngân hàng Nhà nước

Dịch COVID-19 khiến công tác triển khai, mở bán, ra mắt dự án… của nhiều doanh nghiệp BĐS bị đình trệ. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã phải thốt lên "đây là một giai đoạn khó khăn chưa từng có".

Thống kê kết quả kinh doanh quí đầu năm của nhiều doanh nghiệp BĐS đại chúng giao dịch trên sàn chứng khoán cũng cho thấy, không ít doanh nghiệp có sự tăng trưởng về lợi nhuận nhưng lại có dòng tiền kinh doanh âm.

Do đó, với tình hình hiện nay, nếu doanh nghiệp nào cân đối được dòng tiền để tiếp tục phát triển các dự án còn dang dở thì cơ hội để vực dậy sẽ rộng hơn và ngược lại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tín dụng vào BĐS đang bị siết chặt, việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn. Đây cũng là lí do khiến cuộc đua phát hành trái phiếu và M&A được đẩy mạnh trong thời gian gần đây.

Mới đây, NHNN đã có văn bản đề xuất lùi lộ trình áp dụng tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung dài hạn được qui định tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22 về các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng.

Theo đó, NHNN cho biết, đến nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh từ bên ngoài.

Trong nửa đầu năm, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81% là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011 – 2020.

NHNN cũng cảnh báo việc doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp qui mô và tạm dừng hoạt động, đồng thời áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Việc xem xét lùi lộ trình đối với tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là cần thiết, để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch, NHNN cho biết.

Hà Lê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.