|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp BĐS lên kịch bản ứng phó với tình huống mới

07:39 | 05/08/2020
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản vẫn đang gặp nhiều vấn đề, trong đó bên ngoài là dịch bệnh, còn bên trong là những vấn đề liên quan đến chính sách, lệch pha cung cầu,… Ngay trong giai đoạn COVID-19 lực cầu vẫn có nhưng nguồn cung thì rất hạn chế.

Thị trường "tắc" không hẳn bởi dich bệnh

CEO Đại Phúc Land: Chúng tôi đã có kịch bản điều chỉnh trong tình huống mới - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam. (Ảnh: Hà Lê)

Chia sẻ Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Bất động sản trong vòng xoáy bất định: Xoay chuyển và thích nghi” do Bizlive tổ chức sáng 4/8, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) đánh giá, cuộc khủng hoảng đầu tiên là khủng hoảng tài chính năm 2008 và nó ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường BĐS. 

Để giải cứu thị trường do cuộc khủng hoảng này Chính phủ đã bơm rất nhiều tiền. Do đó, đến cuộc khủng hoảng thứ 2 xuất hiện nợ xấu rất nhiều. Còn đợt khủng hoảng do đại dịch COVID-19 lần này, sự tác động từ khách quan nhiều hơn, thị trường BĐS cũng tốt hơn nhiều so với 2 lần khủng hoảng trước.

Chính phủ cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong điều tiết thị trường đã nhiều hơn, xử lí nhanh và chuẩn xác hơn về mặt chính sách. Các doanh nghiệp cũng dày dặn kinh nghiệm hơn, lực dày hơn và quản trị tốt hơn. Đối với thị trường, khách hàng cũng thông minh hơn biết cách đánh giá thị trường tốt hơn.

"Với các yếu tố này, tôi cho rằng, chúng ta sẽ hoá giải các khó khăn của thị trường tốt hơn so với các lần khủng hoảng trước", ông Đính nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Đính, hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng Chính phủ cần phải có những chính sách cụ thể hơn để tháo gỡ khó khăn. Bởi một phần tắc rất lớn là do chính sách chứ không phải dịch bệnh.

Chẳng hạn như mô hình condotel, các nhà đầu tư bỏ tiền vào và muốn có thanh khoản thì phải có giấy tờ pháp lí thì họ mới mang ra thị trường để giao dịch được.

"Như vậy, thứ doanh nghiệp cần nhất là chính sách chứ những chính sách trong đợt COVID-19 vừa qua đến giờ nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hề được hưởng", ông Đính nói.

Doanh nghiệp lên kịch bản ứng phó với tình huống mới

CEO Đại Phúc Land: Chúng tôi đã có kịch bản điều chỉnh trong tình huống mới - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land. (Ảnh: Hà Lê)

Trước nguy cơ phải đối mặt với giãn cách xã hội một lần nữa, ông Đính cho rằng, doanh nghiệp phải đẩy mạnh các giải pháp online, bán hàng từ xa và cũng phải cơ cấu, tinh gọn bộ máy, song cũng tránh tối đa cắt giảm quân số chờ thị trường hồi phục.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm doanh số quí I của doanh nghiệp giảm 50%, quí II tuy có sự phục hồi nhưng chưa cao. 

Theo bà Hương, tâm lí của khách hàng có phần cân nhắc thận trọng hơn. 

Về hướng đi trong thời gian tới, bà Hương cho biết, cuối năm nay, Đại Phúc Land dự kiến đưa ra sản phẩm căn hộ với giá trị phù hợp với thu nhập của khách hàng.

“Dù dịch bệnh nhưng chúng tôi vẫn duy trì hoạt động đầu tư phát triển dự án và có kịch bản điều chỉnh khi tình huống mới xảy ra. Hiện chúng tôi đầu tư phát triển một đại đô thị tại khu đông bắc TP HCM, hướng tới nhu cầu nhà ở là chính. Khách hàng có 50% mua sản phẩm của dự án là để ở, đầu tư mang tính dài hạn.”, bà Hương cho biết.

Còn theo ông Trương Hữu Quang, Phó Tổng giám đốc Tuấn Minh Group, giai đoạn khó khăn này là một phép thử cho doanh nghiệp BĐS nói chung, nhất là các doanh nghiệp mới và Tuấn Minh Group nói riêng. Đây sẽ là bước đệm để các doanh nghiệp nhìn nhận lại mình và trong một vài năm tới sẽ đón đầu xu hướng đi lên của thị trường.

"Hiện tại, doanh nghiệp chúng tôi vẫn duy trì hoạt động kinh doanh rất tốt, chúng tôi cũng có kế hoạch rõ ràng cho 6 tháng cuối năm và giai đoạn tiếp theo. Và mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhân lực của chúng tôi không giảm nhiều do chuyển sang làm online và lương cũng không bị giảm", ông Quang cho biết.

Ông Đinh Thế Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Hải Phát Land đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam so với thế giới vẫn còn khá non trẻ nên chưa theo kịp xu hướng của thế giới. Đôi khi có những thời điểm mà cung không gặp được cầu, chẳng hạn lượng cầu lớn thì cung không đủ hoặc ngược lại.

Theo ông Quỳnh, đầu năm 2020 lượng cầu lớn nhưng khó tiếp cận các chủ đầu tư do ảnh hưởng của dịch. Sang quý II, doanh nghiệp bắt nhịp được và có sự thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng.

Phó Tổng giám đốc Hải Phát Land cho biết, ông rất quan tâm đến tính thời điểm của thị trường bất động sản. Theo dự báo của vị này, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng tốc trong quí III để về đích cuối năm nay.

Hà Lê