Với Trung Quốc, xe điện không phải vấn đề tương lai mà là câu chuyện của hiện tại
Zhang Youping, một công dân Trung Quốc đã nghỉ hưu, mua một chiếc xe điện của hãng BYD tại một triển lãm xe với giá gần 20.000 USD tháng trước. Gia đình bà đã dùng xe xăng cả 10 năm trước đó nhưng gần đây bà quan tâm nhiều hơn đến giá xăng và quyết định chuyển sang xe điện “để tiết kiệm tiền”. Vài tháng trước đó, con trai bà cũng mua xe điện. Đó là một chiếc xe 10.000 USD từ Leapmotor, một thương hiệu xe điện Trung Quốc khác.
Năm nay, 25% xe mới được mua ở Trung Quốc là xe điện hoặc xe plug-in hybrid. Một số ước tính cho thấy có khoảng 300 công ty đang sản xuất xe điện ở Trung Quốc với giá từ 5.000 USD cho tới tiệm cận giá xe của Tesla hay các hãng xe Đức. Tại Trung Quốc đang có khoảng gần 4 triệu trạm sạc, gấp đôi so với một năm trước đó và con số này vẫn đang tăng lên.
Trong khi các thị trường xe điện khác phụ thuộc lớn vào trợ giá và hỗ trợ tài chính, Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn mới: Khách hàng cân cân đo đong đếm các lợi ích của xe điện so với xe xăng dựa trên tính năng và giá, thay vì căn nhắc các hỗ trợ của chính phủ. Để so sánh, Trung Quốc đang vượt xa Mỹ trong cuộc đua xe điện. Năm nay, Mỹ đạt mốc xe điện chiếm 5% doanh số xe mới bán ra. Trung Quốc đạt được mốc này từ năm 2018.
Ngay cả khi Mỹ đưa ra các chính sách mới nhằm thúc đẩy xe điện, nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi về việc liệu chúng có giải quyết được các vấn đề liên quan đến xe điện như thời gian đợi xe lâu, linh kiện hạn chế và giá cao. Điều luật giảm lạm phát mà Mỹ đưa ra hồi tháng trước có bao gồm khoản hỗ trợ thuế 7.500 USD cho xe điện với điều kiện liên quan đến nơi sản xuất xe và pin. Các nhà sản xuất xe cho rằng chính sách này không hỗ trợ nhiều dòng xe điện hiện tại và để đáp ứng các yêu cầu nói trên sẽ làm tăng chi phí sản xuất.
Trung Quốc cũng cần hơn một thập kỷ trợ giá, đầu tư dài hạn và chi phát triển hạ tầng làm nền tảng cho thị trường xe điện phát triển. Te Le, giám đốc đièu hành công ty tư vấn Sino Auto Insights, cho rằng sự cạnh tranh và tính năng động là thứ đang thúc đẩy thị trường Trung Quốc chứ không phải các hỗ trợ của chính phủ. “Trung Quốc đã đạt đến điểm cạnh tranh về giá. Chúng ta cạnh tranh dựa trên tính năng, đặc điểm sản phẩm”, bà Le nói.
Nưm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố phát triển xe điện là cách duy nhất để Trung Quốc “chuyển đổi từ một quốc gia xe lớn thành một cường quốc xe”. Với tham vọng này, Trung Quốc đặt mục tiêu mạnh mẽ: 20% xe mới bán ra sẽ là xe điện vào năm 2015. Trung Quốc nhiều khả năng đạt mục tiêu này vao năm nay, trước thời hạn 3 năm. Hiện là thị trường xe điện lớn nhất, Trung Quốc cũng là thị trường tăng trưởng nhanh nhất với doanh số được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi trong năm nay để chạm mốc 6 triệu xe – cao hơn toàn bộ thế giới cộng lại.
Trong số 10 thương hiệu xe điện bán chạy nhất, một nửa là của Trung Quốc, dẫn đầu bởi BYD. Hiện tại, BYD chỉ xếp sau Tesla nếu xét trên thị phần toàn cầu và hãng này cũng đang bắt đầu bán xe ra nướ ngoài. Các nhà sản xuất pin Trung Quốc như CATL và BYD cũng là các công ty lớn nhất trong ngành, trong khi đó Trung Quốc nắm được nguồn nguyên liệu thô quan trọng.
Nhu cầu xe điện mạnh là điểm sáng với nền kinh tế đang u ám của Trung Quốc. Nắm trong gói kích thích kinh tế, Trung Quốc nói sẽ tiếp tục bơm tiền vào xe điện. Tháng trước, Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục áp dụng chính xác miễn thuế cho xe năng lượng mới cho tới năm 2023 với tổng kinh phí 14 tỷ USD. Trước đó, theo kế hoạch, chính sách này sẽ hết hạn vào năm nay.
Gou Chaobo, một nhân viên 27 tuổi đang làm việc tại một công ty xây dựng vừa quyết định đổi xe xăng lấy xe đện, cho biết các hỗ trợ về tài chính không phải lý do anh chọn xe điện. Ở Thành Đô, xe truyền thống bị cấm lưu thông một số ngày trong tuần để giảm ô nhiễm và tắc đường. Dù vậy, xe điện vẫn được lưu thông. Với xe điện, người dùng được miễn phí đỗi xe trong 2 giờ đầu tiên ở các bãi đỗ xe công cộng.
Anh Gou nói rằng theo tính toán của anh chi phí dùng xe điện chỉ bằng 1/10 xe xăng. Khi đã chọn xong xe, anh còn được giảm giá gần 2.000 USD so với giá niêm yết. Bên cạnh đó, chính phủ cũng miễn thuế 10% khi mua xe “năng lượng mới”.
Anh Gou nói anh chọn xe điện “vì năng lượng mới là hướng đi của tương lai”. Ở các thị trường khác, xe điện từ các hãng xe truyền thống thường được coi là xe sang, trong khi đó các thương hiệu Trung Quốc cạnh tranh bằng các mẫu xe giá thấp, ví dụ như Wuling Hongguang Mini. Với giá 4.500 USD, Wuling Hongguang Mini là mẫu xe điện bán chạy nhất năm 2021.
Quyết tâm phát triển xe điện của Trung Quốc thể hiện mạnh mẽ nhất khi trải thảm đỏ cho nhà máy khổng lồ của Tesla ở Thượng Hải vào năm 2018. Đây được xem là động thái ép các thương hiệu trong nước cạnh tranh trực tiếp với một công ty đầu ngành. Bắc Kinh cho phép Tesla trở thành công ty xe nước ngoài đầu tiên được sản xuất ở Trung Quốc mà không cần đối tác địa phương. Chính phủ thậm chí còn hỗ trợ một số chi phí xây dựng nhà máy.
Sau những khó khăn ban đầu và ảnh hưởng từ COVID-19, Tesla hiện đang sản xuất xe ở Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ đâu. Dù vậy, với lợi thế hiểu khẩu vị khách hàng địa phương, các hãng xe nội địa cũng đang ra xe mạnh mẽ. Gần 80% xe điện bán ở Trung Quốc trong năm nay đến từ các hãng xe nội địa. Phần lớn các thương hiệu nước ngoài đều gặp khó khăn khi ra nhập thị trường và bắt kịp tốc độ của các đối thủ Trung Quốc.
Với cạnh tranh trong nước khốc liệt, phần lớn các công ty Trung Quốc vẫn đang lỗ và chưa thể giải quyết bài toán tăng quy mô để có thể giảm chi phí. Thế nhưng, việc bán xe ở nước ngoài cũng có nhiều rắc rối, ví dụ như vấn đề bảo hành. Khi doanh số xe xăng đi xuống, các hãng xe Trung Quốc không còn nhiều lý do để không chuyển sang xe điện.
Tháng trước, Geely Automobile Holdings tuyên bố mục tiêu đạt doanh số xe điện và xe hybrid tương đương xe động cơ đốt trogn vào năm tới. Jason Low, một chuyên gia của Canalys, cho biết các thương hiệu xe điện Trung Quốc quyết liệt hơn so với các hãng xe nước ngoài trong việc tích hợp công nghệ mới.