|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VNDirect: Điện gió sẽ là điểm nhấn trong giai đoạn sau giá FIT

11:24 | 05/12/2022
Chia sẻ
Theo VNDirect, khác với giai đoạn bùng nổ của giá FIT trong 2019-2021, khi nhiều doanh nghiệp, bất kể quy mô lớn hay nhỏ, có hay không có kinh nghiệm đều tham gia chạy đua mảng điện gió. Giai đoạn đó đã kết thúc, khi chính sách mới được ban hành, dù theo bất kỳ cơ chế nào, sẽ hướng đến một môi trường cạnh tranh khốc liệt nhưng lành mạnh hơn.

(Dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Ngô)

Theo báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 mới công bố, các chuyên gia CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng bản dự thảo mới nhất trong tháng 11 của Bộ Công Thương về Quy hoạch điện VIII đã tiếp thu và điều chỉnh những thông tin quan trọng, trong đó tiếp tục đề cao hơn nữa tầm quan trọng của điện gió với tỷ trọng lớn trong giai đoạn 2022-2050.

Do đó, sẽ tiếp tục có một giai đoạn phát triển nóng của nguồn điện này sau khi giai đoạn chạy đua FIT kết thúc.

Theo VNDirect, khác với giai đoạn bùng nổ của giá FIT trong 2019-2021, khi nhiều doanh nghiệp, bất kể quy mô lớn hay nhỏ, có hay không có kinh nghiệm đều tham gia chạy đua mảng điện này. Giai đoạn đó đã kết thúc, và khi chính sách mới được ban hành, dù theo bất kỳ cơ chế nào, sẽ hướng đến một môi trường cạnh tranh khốc liệt nhưng lành mạnh hơn.

Trong đó, những doanh nghiệp có lợi thế về quy mô, khả năng đàm phán giá và khả năng tiếp cận với dòng vốn lớn sẽ nắm trong tay những yếu tố quyết định để mở rộng danh mục và sở hữu “miếng bánh” lớn hơn trong ngành.

Các chuyên gia VNDirect đưa ra một số yếu tố sẽ là chủ đề chính cho giai đoạn phát triển sau giá FIT. Thứ nhất, cạnh tranh giá và chi phí đầu tư sẽ là chủ đề chính trong các năm tới, giúp tăng tính hiệu quả của thị trường cũng như hấp dẫn được các doanh nghiệp thực sự có năng lực tham gia vào ngành.  

Thứ hai, doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ có nhiều lợi thế trong việc đàm phán giá, đặc biệt trong bối cảnh thị trường điện bán lẻ đang dần được hình thành.

Thứ ba, doanh nghiệp có kinh nghiệm dày dặn trong việc phát triển và vận hành các dự án năng lượng tái tạo sẽ có năng lực đấu thầu tốt hơn nhờ khả năng quản lý hiệu quả, tiết kiệm chi phí cũng như tiềm lực tiếp cận các nguồn vốn lớn với chi phí rẻ.

 

Theo bản dự thảo tháng 11 của Bộ Công Thương, dự kiến, tốc độ tăng trưởng kép công suất điện gió sẽ đạt mức 16% trong giai đoạn 2022-2045, trong đó, công suất điện gió trên bờ sẽ tăng mạnh 4,6 lần từ mức 21.480MW trong năm 2030 lên đạt 66.050MW trong năm 2050.

Bên cạnh đó, dự kiến Việt Nam sẽ ghi nhận 7.000MW điện gió ngoài khơi đầu tiên trong giai đoạn 2022-2030, sau đó tăng trưởng công suất sẽ bắt đầu tăng tốc  và đạt 87.500MW trong 2050.

Nhìn chung, công suất điện gió dự kiến sẽ chiếm 18% tổng công suất toàn hệ thống trong năm 2030, cao hơn 5 điểm % so với dự thảo tháng 3/2021, sau đó sẽ tục sở hữu tỷ trọng cao nhất đạt 30% trong 2045. 

 

Ở một khía cạnh khác, VNDirect nhận thấy xu hướng giảm giá chi phí quy dẫn (LCOE) cũng là một yếu tố quan trọng, thúc đẩy sự bùng nổ của nguồn điện này trong tương lai. Tuy rằng hiện tại suất đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo vẫn đang cao hơn so với nguồn điện truyền thống, con số này đang dần được thu hẹp nhanh chóng nhờ những cải thiện về hiệu quả công suất cũng như lợi thế kinh tế từ quy mô.

Ở chiều ngược lại, dự kiến các nguồn nhiệt điện sẽ ghi nhận LCOE ngày càng tăng do những cải tiến “xanh” để giảm phác thải cũng như chi phí đầu vào ngày càng tăng cao. 

VNDirect cho rằng Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất tiếp tục củng cổ triển vọng tươi sáng của năng lượng tái tạo. Trong đó, bản dự thảo mới nhất trong tháng 11 của Bộ Công Thương đã tiếp thu và điều chỉnh những thông tin quan trọng, trong đó tiếp tục nâng cao tầm quan trọng của năng lượng tái tạo. 

"Chúng tôi giữ vững quan điểm mảng điện này sẽ là mũi nhọn trong kế hoạch phát triển ngành điện của Việt Nam ở cả ngắn và dài hạn", VNDirect nhận định. 

Như Huỳnh

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.