VN-Index mất gần 32 điểm do lo ngại virus corona đi vào lịch sử giảm điểm của TTCK Việt Nam, hoảng loạn bán tháo có thái quá?
Phiên khai xuân Canh Tý giảm mạnh đi vào lịch sử
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên khai xuân giảm mạnh nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Đóng cửa phiên giao dịch 30/1, VN-Index giảm 31,88 điểm (3,22%) xuống 959,58 điểm; HNX-Index giảm 2,04% xuống 104,11 điểm; UPCoM-Index giảm 1,01% xuống 55,65 điểm. Thời điểm giảm sâu nhất, VN-Index mất đến 37,46 điểm.
Thống kê từ nguồn dữ liệu FiinPro cho thấy, phiên giao dịch hôm qua lọt Top10 phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày 30/1/2012 nếu tính điểm số tuyệt đối.
Trong khi đó, phiên giao dịch ngày 5/2/2018 ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày 30/1/2012 với việc VN-Index giảm 56,33 điểm, xuống còn 1.048,71 điểm. Thời điểm đó, toàn thị trường ghi nhận hơn 70 mã giảm sàn. Rổ VN30 có với 27 cổ phiếu giảm giá, trong đó 13 cổ phiếu giảm sàn, điển hình các mã BID, BVH, CTG, GAS, STB, VCB, VIC...
Phiên giảm điểm 5/2/2018 khiến giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam bốc hơi hơn 180.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 8 tỉ USD. Một trong những nguyên nhân của việc giảm điểm của thị trường tại thời điểm này là việc căng margin tại các CTCK.
Ngoài phiên 5/2/2018, trong 10 phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng 8 năm trở lại đây còn có 7 phiên giảm sâu khác trong năm 2018 với số điểm từ 32 - 49 điểm. Đây cũng là năm đánh dấu việc lao dốc của TTCK Việt Nam sau thời gian tăng nóng.
Theo dõi dữ liệu lịch sử, phiên giảm 31,88 điểm hôm nay chỉ ít hơn 1 điểm so với phiên ngày 8/5/2014. VN-Index giảm 32,88 điểm phiên 8/5/2014 do những lo ngại của nhà đầu tư về địa chính trị liên quan đến những căng thẳng trên biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa Việt Nam.
Xét theo tỉ lệ mất điểm, phiên 8/5/2014 được xem như là "ngày đen tối" nhất của TTCK Việt Nam khi ghi nhận phiên có tỉ lệ giảm cao nhất trong 8 năm trở lại đây với 5,88%.
Như vậy, sau năm 2019 không nhiều biến động mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam mở màn năm 2020 tính theo Âm lịch bằng một phiên giảm sâu, xếp thứ 19 trong 20 phiên có tỉ lệ giảm cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.
Theo đó, sự kiện thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm do lo ngại về virus corona đã đi vào lịch sử thị trường cùng với hàng loạt sự kiện khác như tỉ lệ margin cao (đầu năm 2018), giá dầu giảm mạnh (2015), sự kiện biển Đông (2014), 'bầu' Kiên bị bắt (2012).
Những cổ phiếu nào khiến VN-Index lao dốc mạnh?
Phiên giảm điểm hôm qua chứng kiến sắc đỏ bao phủ trên diện rộng, trong đó có một số cổ phiếu ngành hàng không (HVN, VJC) và doanh nghiệp có thị trường tại Trung Quốc (ANV, VHC) giảm sâu. Tuy nhiên, đà giảm điểm của thị trường chủ yếu lại đến từ các cổ phiếu ngành ngân hàng.
Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, toàn thị trường có 11 cổ phiếu khiến VN-Index mất hơn 1 điểm trong phiên hôm qua. Trong đó có 4 mã nhóm Ngân hàng (VCB, BID, CTG, TCB). Ngoài ra, một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng tác động tiêu cực đến thị trường như MBB, VPB, STB và HDB. Tổng số điểm mà 8 mã này lấy đi của VN-Index là gần 13 điểm.
Cùng với đó, một số cổ phiếu vốn hóa lớn ngành thực phẩm đồ uống (SAB, VNM, MSN), họ Vingroup (VHM, VRE) cũng tác động tiêu cực đến chỉ số. Trong khi, những tác động tích cực của một số cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình đóng góp một phần nhỏ vào nâng đỡ thị trường như DHG, EIB, VCF, NT2...
Điều này cho thấy rằng những lo ngại về ảnh hưởng dịch viêm phổi do virus corona gây ra không chỉ đơn thuần là liên quan đến các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp (hàng không, du lịch) hay các đơn vị có doanh thu lớn từ Trung Quốc (thủy sản, dệt may) mà còn đè nặng lên tâm lí chung của toàn thị trường. Kết quả là các cổ phiếu bluechip bị bán mạnh.
Bán tháo diễn ra, ai mua hôm qua?
Trong bối cảnh thị trường giảm sâu, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI - công ty chứng khoán lớn nhất tại Việt Nam chia sẻ trên trang cá nhân: "Thị trường chứng khoán không có lý do gì mà sụt giảm đồng loạt nghiêm trọng như sáng nay".
"Thận trọng với dịch cúm Vũ Hán là rất cần thiết dù thực chất xác suất bị lây bệnh nhỏ hơn rất nhiều tai nạn giao thông chết người. Nhưng lo sợ tới mức đòi đóng cửa biên giới Trung Quốc hay từ chối phục vụ khách đến từ Trung Quốc là quá cực đoan.
Nếu thực hiện như vậy thì sẽ kéo ngành hàng không, ngành du lịch nghỉ dưỡng và cả ngành xuất khẩu nông sản chết, nền kinh tế gặp khó, nghèo đói sẽ gia tăng, lúc ấy không chết vì virus Corona mà chết vì đói chết vì bệnh mà không có tiền mua thuốc!", ông Nguyễn Duy Hưng bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, thị trường vẫn luôn có "cái lí" riêng. Khi những rủi ro bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh xảy ra, nhiều nhà đầu tư đã chọn giải pháp an toàn bằng việc tất toán tài khoản.
Trong khi đó, không ít nhà đầu tư mạo hiểm với quan điểm tin tưởng vào sự kiểm soát dịch bệnh và tham gia bắt đáy. Minh chứng bằng việc thanh khoản thị trường tăng đột biến lên mức 5.070 tỉ đồng, vùng cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Tại thời điểm này, những lo ngại về tác động tiêu cực của dịch bệnh virus corona đến thị trường là có cơ sở, nhưng việc bán tháo có phải là thái quá vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Trong báo cáo nhận định đưa ra tối qua (30/1), hầu hết các công ty chứng khoán đã khuyến nghị nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục đầu tư, giảm tỉ trọng cổ phiếu, cùng với đó là đánh giá thị trường sẽ cần thời gian để cân bằng trở lại.