VKC Holdings lỗ hơn 200 tỷ 9 tháng đầu năm, giá cổ phiếu chỉ còn 2.000 đồng
Báo cáo tài chính quý III/2022 của VKC Holdings (Mã: VKC) cho thấy cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu thuần quý III/2022 giảm 91% so với cùng kỳ về 18 tỷ đồng. Công ty lãi gộp 773 triệu đồng, biên lợi nhuận gộp quý này đạt 4,3%.
Các chi phí đều tăng mạnh, đặc biệt là chi phí lãi vay nên cả quý, doanh nghiệp lỗ sau thuế 16,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 264 triệu đồng.
Doanh nghiệp giải trình, bên cạnh doanh thu của các ngành giảm, các chi phí như lãi vay tăng cao, chiếm 61% tổng chi phí do phát sinh từ lãi trái phiếu và lãi vay ngắn hạn từ khách hàng. Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng do cơ cấu tổ chức mới, sửa chữa di dời và mở rộng mạng lưới hệ thống phân phối chưa hợp lý trong điều kiện nguồn vốn và tín dụng cho kinh doanh không đáp ứng đã khiến công ty thua lỗ.
Nửa đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận lỗ 191 tỷ đồng. Tính chung cả ba quý, VKC lỗ sau thuế gần 208 tỷ đồng, doanh thu thuần giảm 63% về 255 tỷ đồng.
Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu là 502 tỷ, lợi nhuận sau thuế 3,1 tỷ. Như vậy sau 9 tháng, VKC đã thực hiện được 51% chỉ tiêu doanh thu và còn cách xa kế hoạch lợi nhuận.
Trước đây, VKC Holdings có tên gọi là CTCP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh, được thành lập từ năm 1993. Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực thương mại lốp xe – phụ tùng, sản xuất cáp viễn thông - dây điện, sản xuất các sản phẩm về nhựa, sản xuất vật liệu xây dựng – nội thất.
Tháng 9/2021, VKC chính thức gia nhập vào hệ sinh thái của Louis do ông Đỗ Thành Nhân dẫn dắt. Đồng thời, một loạt nhân sự của Louis Holdings đã sang tiếp quản VKC.
Cũng giống như những thành viên cùng nhóm "Louis", VKC cho thấy nhiều bất ổn về tình hình tài chính sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt vì tội "thổi giá" cổ phiếu.
Những ngày đầu tháng 10, VKC thông báo mất khả năng thanh toán đối với lô trái phiếu 200 tỷ đồng.
Theo VKC, ngày 9/9 là ngày đến hạn thanh toán lãi của lô trái phiếu VKCH2123001 cho trái chủ, VKC đã cố gắng thu xếp tài chính để thanh toán cho trái chủ nhưng đến ngày 29/9 công ty vẫn chưa thu xếp được tài chính và ra thông báo tạm hoãn thanh toán lãi cho trái chủ.
Nguyên nhân chính được VKC đưa ra là sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt, các ngân hàng đang có quan hệ tín dụng đánh giá rủi ro của lô trái phiếu trên là rất cao nên các ngân hàng này đã ngưng cung cấp nguồn vốn tín dụng cho VKC. “Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, VKC lý giải.
Tính đến cuối quý III/2022, tổng tài sản của VKC đã giảm 250 tỷ đồng so với đầu năm về 431 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền, tương đương và tiền gửi ngân hàng hơn 4 tỷ đồng. Các khoản phải ngắn hạn là 263 tỷ, chiếm 61% tổng tài sản, song phải trích lập hơn 65 tỷ đồng nợ khó đòi. Hàng tồn kho giảm mạnh từ 160 tỷ về 30 tỷ.
Trước đó, với ban điều hành mới tiếp quản, VKC cho biết đã rà soát lại tình hình tài chính và nhận thấy nhiều bất thường như giá trị hàng tồn kho thiếu chưa rõ nguyên nhân và đã ghi nhận trên báo cáo tài chính bán niên 2022 là 102 tỷ đồng. Các khoản phải thu khách hàng lên đến 163 tỷ đồng, trong đó, không có khả năng thu hồi là 84 tỷ đồng và doanh nghiệp đã trích lập dự phòng là 65 tỷ đồng. Hiện tại, ban lãnh đạo VKC đang tiếp tục rà soát và đánh giá lại các khoản phải thu nêu trên và nhiều khả năng số tiền không có khả năng thu hồi sẽ cao hơn số 84 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối quý III, bên cạnh khoản vay trái phiếu nói trên, doanh nghiệp chủ yếu đi vay ngắn hạn số tiền gần 155 tỷ đồng từ các ngân hàng, giảm 47% so với đầu năm. Lỗ lũy kế của VKC tính đến cuối tháng 9 là 185 tỷ khiến vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 36 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu bằng 11 lần.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VKC đang nằm trong diện cảnh báo từ 4/6/2022. Giá mỗi cổ phiếu VKC chốt phiên 21/10 chỉ còn 2.000 đồng.