|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vĩnh Phúc rà soát các dự án, điều tra đối tượng đầu cơ, thổi giá, gây 'sốt ảo' thị trường bất động sản

16:36 | 11/03/2022
Chia sẻ
Thời gian gần đây, tại các khu vực có quy hoạch xây dựng, dự kiến thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc có dấu hiệu hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại đất đai, bất động sản gây "sốt ảo" trên thị trường.
Vĩnh Phúc rà soát các dự án, điều tra đối tượng đầu cơ, thổi giá, gây 'sốt ảo' thị trường bất động sản - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa).

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra chỉ thị tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đô thị, nhà ở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành nguồn lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và nông thôn.

Tuy nhiên thời gian gần đây, tại các khu vực có quy hoạch xây dựng, dự kiến thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp có dấu hiệu hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại đất đai, bất động sản gây "sốt ảo" trên thị trường.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư dự án tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định pháp luật; quảng cáo, rao bán sản phẩm của dự án khi chưa thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục gây ảnh hưởng đến thị trường, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Trước những thực trạng trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao các sở gấp rút triển khai một số giải pháp nhằm đưa thị trường hoạt động ổn định.

Trong đó, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát các dự án khu đô thị, khu nhà ở đô thị thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không xem xét giải quyết những đề xuất mới về chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở trên địa bàn.

Đồng thời, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công khai thông tin về quy hoạch đô thị; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh; danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu… theo quy định để người dân mua nhà ở biết, minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ tăng giá BĐS.

Sở Xây dựng sẽ tiến hành rà soát, quản lý chặt chẽ các dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai, đảm bảo việc đưa BĐS vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án BĐS phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc và hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá BĐS.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc sẽ kiểm soát việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án; thay đổi đăng ký doanh nghiệp, thành viên góp vốn, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án bất động sản theo quy định.

Còn Sở Tài chính thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Công an tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch, huy động vốn, kinh doanh BĐS của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc chủ động kiểm tra, nắm bắt thông tin để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, lũng loạn, xúi giục, kích động, gây bất ổn thị trường BĐS.

Đồng thời, Công an tỉnh tổ chức theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, "sốt ảo"; điều tra các đối tượng có hành vi đầu cơ, "thổi" giá, làm thị trường tạo cơ sốt đất ảo để kiếm lời.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị NHNN Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tài chính, ngân hàng tăng cường công tác quản lý, giám sát cho vay, bảo lãnh, thế chấp, giải chấp,... đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án kinh doanh BĐS.

Ngọc Anh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.