|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vinasun lần đầu báo lỗ từ năm 2008 do chi phí tăng

11:47 | 21/04/2020
Chia sẻ
Biên lợi nhuận gộp giảm, trong khi cơ cấu chi phí tăng cao khiến Vinasun có quí báo lỗ đầu tiên (10,177 tỉ đồng) từ khi niêm yết vào năm 2008.

Mới đây, Vinasun đã công bố báo cáo tài chính quí I/2020. Báo cáo chỉ ra rằng đây là quí đầu tiên công ty báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2008.

Mức lỗ xác định là 10,177 tỉ đồng, giảm tương đối sâu so với mức lãi 31,584 tỉ đồng trong cùng kì trước đó. Tuy nhiên, về cơ cấu doanh thu, khoản lỗ chủ yếu đến từ việc phía không thể kiểm soát các chi phí nhiều hơn do doanh thu sụt giảm.

Doanh thu quí I/2020 của Vinasun thấp hơn hẳn so với thời điểm một năm trước đó (331 tỉ đồng so với 474 tỉ đồng). Điều này đi cùng với nhịp giảm đều về doanh thu của công ty từ năm 2016 tới nay. Đây cũng là một căn cứ để Vinasun kiện Grab khi cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới mức sụt giảm về doanh thu.

Báo cáo tài chính cũng chỉ ra rằng biên lợi nhuận gộp của Vinasun đã giảm từ 22,8% về 15,1% trong quí I/2020. Mức giá vốn hàng bán đang chiếm tỉ lệ tăng dần trong cơ cấu doanh thu của Vinasun.

Tỉ lệ trực tiếp làm ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp của công ty, giảm từ 108 tỉ vào quí I/2019 xuống còn 50 tỉ vào quí I năm nay. Chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp cũng liên tục tăng về mặt tỉ lệ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Vinasun báo lỗ.

Vinasun lần đầu báo lỗ từ năm 2008 do cơ cấu chi phí tăng cao - Ảnh 2.

Cơ cấu chi phí gia tăng, Vinasun báo lỗ lần đầu tiên kể từ khi niêm yết. Ảnh: BCTC

3 loại chi phí đó lần lượt chiếm 19,8%; 82,3% và 58,9% lợi nhuận gộp. Cùng kì năm trước, các tỉ lệ tương tự lần lượt là 10%; 43,7% và 30,7%.

Có thể thấy việc Vinasun báo lỗ quí I năm nay đến nhiều từ các nguyên nhân nội tại (hầu hết đều do tỉ lệ các mức chi phí tăng vọt) hơn là giảm doanh thu do các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh như công ty đã tuyên bố.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của Vinasun cũng cho biết công ty năm ngoái đã lãi sau thuế 108,7 tỉ đồng. Đây là con số cao hơn mức 89 tỉ năm 2018, nhưng thấp hơn hẳn so với giai đoạn 2013-2017.

Với việc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Vinasun, cũng như các công ty taxi khác, đã tạm dừng hoạt động từ ngày 1/4 đến 22/4. 

Vinasun lần đầu báo lỗ từ năm 2008 do cơ cấu chi phí tăng cao - Ảnh 1.

Tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, yêu cầu Grab bồi thường Vinasun 4,8 tỉ đồng. Ảnh: VTV

Từ tháng 12/2019 đến tháng 3/2020, công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đã liên tục theo đuổi vụ kiện với Grab Việt Nam với mong muốn có một phiên tòa phúc thẩm. Phiên tòa sơ thẩm diễn ra hồi tháng 12/2019 đã kết thúc với sự không hài lòng của cả hai bên.

Vinasun cho rằng Grab Việt Nam đã cạnh tranh không lành mạnh, với một trong những biểu hiện cụ thể là liên tục cung cấp các mã giảm giá cho khách hàng. Grab hoàn toàn phủ nhận những cáo buộc, cho rằng phán quyết của tòa sơ thẩm dẫn đến tình trạng thiếu công bằng, cạnh tranh trong tương lai.

Hôm 10/3, Tòa Tòa án Nhân dân Cấp cao TP HCM đã ra phán quyết phúc thẩm giữ nguyên quyết định của tòa sơ thẩm, yêu cầu Grab bồi thường Vinasun 4,8 tỉ đồng. Trong khi đó, phía nguyên đơn một mực mong muốn mức bồi thường là 41,2 tỉ.

Tiểu Phượng