|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinalines yêu cầu dừng kế hoạch tăng vốn điều lệ cảng Quy Nhơn

16:23 | 03/04/2019
Chia sẻ
Nhà đầu tư cảng Quy Nhơn muốn tăng vốn điều lệ và động thái này có thể sẽ gây khó dễ cho việc chuyển giao 75,01% vốn của cảng này về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Sau động thái tăng vốn điều lệ cảng Quy Nhơn sẽ gây khó dễ cho việc chuyển giao 75,01% vốn của Cảng này về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ngay lập tức Vinalines đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu dừng kế hoạch tăng vốn điều lệ của cảng Quy Nhơn tại Đại hội cổ đông vào 10/4 tới đây.

"Kết luận Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu thu hồi cổ phần cảng Quy Nhơn trên cơ sở đảm bảo nguyên trạng, việc tăng vốn điều lệ vào thời điểm này sẽ là phức tạp thêm quá trình chuyển giao 75,01% vốn về Vinalines," lãnh đạo Vinalines cho biết.

Hiện nay, việc đàm phán giữa Vinalines và nhà đầu tư cảng (Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản Hợp Thành) về phần giá trị tăng thêm nhà đầu tư cảng được hưởng (trong thời gian đầu tư cảng Quy Nhơn từ năm 2012) đang gặp vướng mắc. Lý do đây là việc chưa có tiền lệ, chưa có khung pháp lý, các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá cũng chưa có phương pháp để xác định.

Bên cạnh đó, Vinalines đã có văn bản xin ý kiến các Bộ Tài chính, Kế hoạch đầu tư để xác định phương pháp phần vốn góp và giá trị tăng thêm để hoàn trả cho Hợp Thành.

Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông của Cảng Quy Nhơn phải đảm bảo đúng quy định của kết luận thanh tra.

"Việc tăng vốn khi Thanh tra Chính phủ đã kết luận chuyển giao nguyên trạng là không thể thực hiện," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

Được biết, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP) vừa có thư mời Đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Đáng chú ý, trong các Tờ trình được đưa ra lấy biểu quyết cổ đông, có Tờ trình về việc tăng vốn điều lệ Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn từ 404,09 tỷ đồng, lên 538,79 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2019. Hình thức tăng vốn là phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu.

Ngoài ra, còn có tờ trình về việc phê chuẩn Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Công ty. Tờ trình còn lại là về việc thực hiện đầu tư mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch đã được phê duyệt, cũng thực hiện trong năm 2019. Số tiền đầu tư mở rộng cảng được lấy từ phần tăng vốn điều lệ.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu Cảng Quy Nhơn không có quyết định bổ nhiệm nhân sự trong quá trình chuyển giao, tuy nhiên trong Đại hội cổ đông sắp tới, nhà đầu tư cảng hiện tại vẫn đưa ra tờ trình về việc thay đổi, bổ nhiệm lãnh đạo.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã thu hồi 2 văn bản trước đây có nội dung không đúng với quy định Nhà nước về cổ phần hoá cảng Quy Nhơn đồng thời cùng Vinalines tiến hành thủ tục pháp lý đăng ký lại số cổ phần và chuyển sang Nhà nước nắm giữ.

Cảng Quy Nhơn được thành lập từ đầu năm 1976, do Cục Đường biển trực tiếp quản lý. Cuối năm 2009, Bộ Giao thông chuyển cảng này từ Cục Đường biển về Vinalines. Doanh nghiệp này sau đó chuyển cảng Quy Nhơn thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên, hạch toán độc lập, là công ty con của Vinalines (Vinalines nắm giữ 100 vốn điều lệ).

Năm 2013, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, với tên gọi Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn. Vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 75,1%, còn lại các cổ đông nắm giữ 24,9%.

Theo kết luận thanh tra Chính phủ, cơ quan này đã phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình cổ phần hoá cảng Quy Nhơn. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã bán trái phép cổ phần Nhà nước tại đơn vị này.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao Bộ Giao thông chủ trì, thu hồi 75% cổ phần tại cảng Quy Nhơn đã được Bộ cho phép chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành.

Cảng Quy Nhơn là một trong những cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung bộ với hệ thống 20.960 kho, 12.000m3 bãi, 48.000m2 bãi chứa container, trên 306.568m2 mặt bằng. Cảng có 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824m, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 DWT với tần suất bình thường. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2015 là 7,5 triệu tấn.

Việt Hùng

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.