Vinachem lỗ luỹ kế gần 4.000 tỉ đồng, nợ quá hạn trên nghìn tỉ
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC.
Nửa đầu năm, Vinachem đạt 18.129 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 15% so với cùng kì 2019.
Giá vốn tăng mạnh, doanh thu tài chính lại giảm 42% nên dù chi phí tài chính và bán hàng có giảm song tập đoàn vẫn lỗ 797 tỉ đồng nửa đầu năm. Lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ là 860 tỉ đồng. Tại ngày 30/6, tổng lỗ luỹ kế của Vinachem lên tới 3.965 tỉ đồng.
Trước đó, tại Hội nghị giao ban đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm vào giữa tháng 7, tập đoàn cho biết tình hình sản xuất kinh doanh của Vinachem gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, các yếu tố như thời tiết diễn biến bất lợi (mưa đá ở miền Bắc, hạn hán tại Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc canh tác, giảm nhu cầu phân bón.
Nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đều gặp khó. Do vậy kết quả sản xuất kinh doanh trong quí II của toàn Tập đoàn giảm so với cùng kì năm trước.
Nợ đi vay gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu, nợ quá hạn hơn nghìn tỉ
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Vinachem đạt 52.038 tỉ đồng, trong đó tổng nợ đi vay 24.022 tỉ đồng, giảm 1.376 tỉ đồng so với đầu năm.
Riêng khoản nợ đi vay chủ yếu là ngân hàng đã gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu, tổng nợ phải trả gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kì hạn của tập đoàn cuối tháng 6 đạt 3.804 tỉ đồng.
Phía kiểm toán đã đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ với báo cáo tài chính của Vinachem.
Tại thời điểm 30/6, một số dự án của Vinachem như dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan, Lào, hợp đồng với các bên liên quan đã dừng triển khai và đang thực hiện các thủ tục thanh lý; dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm, dự án xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón diamon photphat (DAP) số 2 và dự án mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay chưa được quyết toán dự án hoàn thành, hoạt động không hiệu quả.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, CTCP DAP số 2 – Vinachem chưa xử lí hết các tồn tại theo kết luận của kiểm toán nhà nước và Bộ Công thương. Ngoài ra, Đạm Ninh Bình không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn.
Cũng tại ngày 30/6, báo cáo tài chính giữa niên độ của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, CTCP DAP số 2 – Vinachem, CTCP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc phản ánh nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ luỹ kế làm âm vốn chủ sở hữu.
Những vấn đề trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục tại Đạm Ninh Bình, DAP số 2 – Vinachem, Đạm Hà Bắc.
Phía kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về kế hoạch dòng tiền cho 12 tháng tới cũng như các bằng chứng cho thấy các đơn vị nêu trên có khả năng trả nợ cho các khoản nợ đến hạn và đã quá hạn hay không.
Do đó, kiểm toán không thể xác định liệu báo cáo tài chính giữa niên của Đạm Ninh Bình, DAP số 2 - Vinachem cùng Đạm Hà Bắc cho kì kế toán từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2020 đang được hợp nhất vào báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Vinachem với giả định các đơn vị này sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không.
Tới thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán độc lập, kiểm toán cũng chưa thu thập được báo cáo tài chính của CTCP Phân bón và Hoá chất Cần Thơ cho giai đoạn 6 tháng đầu năm được soát xét.
Phía kiểm toán cũng nhấn mạnh một số khoản vay của Vinachem đã quá hạn thanh toán. Trong đó, số dư nợ gốc quá hạn là 1.064 tỉ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng là gần 609 tỉ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm đã tạm bàn giao cho Đạm Ninh Bình quản lí, vận hành từ năm 2012 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.