|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nửa đầu năm Vinachem lỗ hơn nghìn tỉ đồng, dự kiến tiếp tục lỗ hơn 500 tỉ trong quí III

07:00 | 13/07/2020
Chia sẻ
Tập đoàn Vinachem cho biết do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thời tiết bất lợi khiến nhu cầu phân bón giảm đã tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh nửa đầu năm.

Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã tổ chức Hội nghị giao ban nhằm đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm đồng thời triển khai nhiệm vụ công tác quí III/2020.

Nửa đầu năm Vinachem lỗ hơn nghìn tỉ đồng, dự kiến tiếp tục lỗ hơn 500 tỉ trong quý III - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn phát biểu (Ảnh: Vinachem).

6 tháng đầu năm 2020, tình hình sản xuất kinh doanh của Vinachem gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, các yếu tố như thời tiết diễn biến bất lợi (mưa đá ở miền Bắc, hạn hán tại Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc canh tác, giảm nhu cầu phân bón.

Nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đều gặp khó. Do vậy kết quả sản xuất kinh doanh trong quí II của toàn Tập đoàn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế quí II ước đạt 9.559 tỉ đồng, bằng 86% kế hoạch; lũy kế 6 tháng ước đạt 18.443 tỉ đồng, bằng 41,5% so với mục tiêu năm.

Doanh thu quí II ước đạt 10.432 tỉ đồng, bằng 91% so với kế hoạch quí; lũy kế 6 tháng ước đạt 19.971 tỉ đồng, chỉ đạt 43% mục tiêu năm.

Lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn quí II ước lỗ 442 tỉ đồng; nửa đầu năm ước lỗ 1.025 tỉ đồng. Trong đó 4 đơn vị thuộc Đề án 1468 ước lỗ 1.907 tỉ đồng, tăng lỗ 1.326 tỉ đồng; các đơn vị còn lại lãi 882 tỉ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019.

Nộp ngân sách nhà nước đạt 300 tỉ đồng trong quí II, lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 670 tỉ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã sản xuất và cung ứng cho thị trường 1,5 triệu tấn phân bón các loại, 1,4 triệu lốp ô tô, hơn 2,3 triệu chiếc săm lốp xe máy, 137 nghìn tấn chất giặt rửa và các sản phẩm hoá chất.

Một số sản phẩm có sản lượng tăng so với cùng kỳ là: Săm xe đạp tăng 19%, que hàn tăng 83%, chất giặt rửa tăng gần 12%. Trái lại các sản phẩm có sản lượng giảm như: Lân chế biến, NPK, urê, quặng apatit...

Quyết định số 1468 được ban hành ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về "Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công thương".

Các doanh nghiệp trực thuộc Vinachem có trong Đề án 1468 gồm: CTCP Phân đạm Hoá chất Hà Bắc, CTCP DAP – Vinachem, CTCP DAP số 2 – Vinachem, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.

Theo thông tin từ báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán của Vinachem, cuối năm 2019 Tập đoàn có 23 công ty con và 9 công ty liên kết.

Năm 2019 Tập đoàn đạt 40.625 tỉ đồng doanh thu hợp nhất, lãi sau thuế 249 tỉ đồng; giảm lần lượt 7% và 44% so với năm 2018.

Quí III Tập đoàn dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 9.622 tỉ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 28.065 tỉ đồng.

Doanh thu quí III ước đạt 10.210 tỉ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 30.181 tỉ đồng. Tuy nhiên Tập đoàn dự kiến lỗ hợp nhất 546 tỉ đồng trong quí III.

Trong đó các đơn vị thuộc Đề án 1468 lỗ 930 tỉ đồng, các đơn vị còn lại lãi 384 tỉ đồng (lũy kế 9 tháng ước lãi 1.266 tỉ đồng, tăng 14% so cùng kì năm 2019).

Với các khoản vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại cho các dự án nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai, Tập đoàn cho biết sẽ cơ cấu kéo dài thời hạn vay, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả, điều chỉnh lãi suất tiền vay, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, có giải pháp đặc thù về xếp nhóm nợ và tiếp tục cho các công ty vay vốn lưu động, duy trì hạn mức vay vốn lưu động.

Năm 2020 Tập đoàn đặt kế hoạch 45.983 tỉ đồng doanh thu, tăng nhẹ 0,7% so với năm 2019.

Các đơn vị thuộc Đề án 1468 ước lỗ trước thuế 2.576 tỉ đồng, tăng lỗ 41,5% so với năm 2019. Nguyên nhân tăng lỗ là năm 2020 khấu hao cơ bản của các đơn vị này tăng 1.091 tỉ đồng so với năm trước. Tập đoàn cho biết đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị giãn khấu hao cho ba đơn vị, nếu được chấp thuận thì khấu hao cơ bản sẽ giảm gần 896 tỉ đồng và số lỗ giảm còn 1.681 tỉ đồng.

Còn các đơn vị không thuộc Đề án 1468 dự kiến lãi trước thuế 1.702 tỉ đồng, tăng 4% so với năm 2019.

Hoàng Kiều