VinaCapital đổ 11 triệu USD vào FPT Retail: 'Ông lớn' bán lẻ đáng giá bao nhiêu trong mắt quỹ ngoại?
FPT hoàn tất chuyển nhượng 30% vốn tại FPT Retail cho Dragon Capital và VinaCapital |
Thông tin từ VinaCapital cho biết Vietnam Opportunity Fund Ltd đã đầu tư 11 triệu USD trong thương vụ này.
VinaCapital không cho biết chi tiết về khối lượng cổ phiếu mà quỹ này đã mua lại từ FPT nhưng lưu ý rằng VOF là một trong các nhà đầu tư "lớn nhất" trong đợt bán 35% cổ phần FPT Retail của FPT cho nhà đầu tư tổ chức.
Đáng chú ý, theo VinaCapital, FPT đã cam kết sẽ niêm yết cổ phiếu của FPT Retail trong tương lai gần để đảm bảo tính thanh khoản cho cổ phiếu. FPT Retail chưa niêm yết cũng là một trong các lý do VOF đầu tư vào FPT bên cạnh yếu tố hấp dẫn từ ngành bán lẻ.
“Tiêu dùng là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư của VinaCapital. Nhu cầu về điện thoại và thiết bị di động của người dân Việt Nam rất lớn và đây được xem là công cụ thứ hai của họ để giao tiếp và truy cập internet. Vì vậy chúng tôi quyết định khoản đầu tư ý nghĩa ở một công ty bán lẻ hàng đầu của Việt Nam và chưa niêm yết”, ông Andy Ho, Giám đốc VinaCapital cho hay.
Trong khi đó, phía FPT ngày 11/8 cho biết đã thực hiện chuyển nhượng 30% vốn tại FPT Retail cho Dragon Capital và VinaCapital. Số vốn này tương đương với 6 triệu cổ phiếu FPT Retail.
Năm 2016, FPT Retail thu về 10.585 tỷ đồng doanh thu, tăng 35% so với năm trước và 259 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 44%. EPS năm 2016 ước tính khoảng 10.000-11.000 đồng/cp.
Đến thời điểm hiện tại, số lượng cổ phiếu FPT Retail mà VinaCapital mua lại với số tiền 11 triệu USD, tương đương khoảng 250 tỷ đồng vẫn chưa được công bố.
Trong trường hợp VinaCapital là nhà đầu tư lớn nhất mua lại cổ phần từ FPT trong đợt chào bán này, số lượng cổ phiếu FPT Retail ước tính nằm trong khoảng từ 3-6 triệu cổ phiếu. Giá cổ phiếu này do đó không thấp hơn 42.000 đồng/cp và có thể lên tới mức 80.000 đồng/cp.
Cũng có khả năng số cổ phần mà VOF mua lại ít hơn Dragon Capital, do VinaCapital cũng chỉ khẳng định mình là một trong những nhà đầu tư mua lượng cổ phần lớn nhất.
Cũng phải lưu ý rằng , P/E của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đang ở mức 17,59 lần. Vốn hóa thị trường của MWG hiện đang xấp xỉ 16.300 tỷ đồng. Trong khi, một công ty bán lẻ điện thoại, điện máy khác là CTCP Trần Anh (TAG) lại có vốn hóa 952 tỷ đồng.
Cách đây hơn 3 năm, MWG chào sàn ở mức giá 85.000 đồng/cp. Sau nhiều lần chia tách, chi trả cổ tức, giá cổ phiếu đã tăng gấp 5 lần và hiện đang giao dịch ở mức 105.800 đồng/cp. Nhiều quỹ đầu tư đã thắng lớn nhờ đầu tư MWG từ những ngày đầu.
Mới đây, Thế giới Di động thông báo sẽ thực hiện lấy ý kiến cổ đông về việc nâng mức chi cho các giao dịch M&A từ 500 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng. Đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp này là một công ty bán lẻ điện máy và dược phẩm.
Sắp tới, Trần Anh cũng thực hiện lấy ý kiến cổ đông. Điều này cùng với một số thông tin khác làm dấy lên nghi vấn về việc hai doanh nghiệp này “về cùng một nhà”, hỗ trợ đắc lực trong công cuộc lấn sâu hơn thị phần điện máy phía Bắc của Thế giới Di động.