|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vinacam: Giá urê hạ nhiệt, kali và NPK có thể sẽ tăng trong quý II

15:14 | 14/04/2022
Chia sẻ
Tập đoàn Vinacam cho biết thị trường phân bón tháng 4 và quý II sẽ chịu tác động lớn từ chiến sự Nga - Ukraine. Theo đó, giá urê đã hạ nhiệt, kali và NPK sẽ tăng, còn DAP đi ngang.

Giá urê hạ nhiệt, nguồn cung dồi dào

Vinacam vừa đưa ra nhận định thị trường phân bón tháng 4 và quý II sẽ chịu tác động lớn từ chiến sự Nga - Ukraine.

Đối với mặt hàng urê, hầu hết các nhà sản xuất lớn ở khu vực Đông Nam Á đã hết hàng giao từ tháng 4 tới nửa đầu tháng 5.

Tại Việt Nam, sau một thời gian sôi động từ cuối tháng 3, thị trường urê đã hạ nhiệt và hầu hết các nhà nhập khẩu đã chuẩn bị đủ hàng cho đầu vụ Đông Xuân.

Trước tình hình giá thế giới đang ở mức cao hơn nội địa, các nhà máy sản xuất urê và thương nhân đang tranh thủ xuất khẩu từ nguồn sản xuất, nguồn nhập khẩu hoặc mua gom trong nước.

“Giá urê tại Việt Nam sau khi tăng đến 18.500 đồng/kg thì đã chững lại ở mức 17.500 đồng/kg, khá hấp dẫn để xuất khẩu khi thị trường trong nước thấp điểm, không có sức mua”, Vinacam nhận định.

Nhìn chung, giá urê đang trong xu hướng điều chỉnh sau một đợt tăng nóng gần gấp đôi từ 550 USD/tấn FOB Đông Nam Á trong vòng 4 tuần.

Vinacam cho rằng với những tín hiệu tích cực từ đàm phán về hạt nhân Iran, nguồn cung sẽ được cải thiện và nhiều khả năng mức giá thế giới cho tháng 5 sẽ ở mức khoảng 800-850 USD/tấn FOB.

Riêng urê đục ở Việt Nam có khả năng sẽ tăng khi hoạt động xuất khẩu đang diễn ra rất sôi động và mùa vụ tại phía Nam sẽ bắt đầu từ cuối tháng 4 cho đến hết tháng 5 khi mùa mưa đến.

Giá kali, NPK sẽ tăng khi nguồn cung trong nước cạn kiệt

Trong khi mặt hàng urê hạ nhiệt vì nguồn cung dồi dào thì giá kali lại có xu hướng đi lên. Cụ thể, giá chào mới về Việt Nam đã đạt mức 950 USD/tấn CFR kali bột và 1000 USD/tấn CFR kali miểng. Các nhà sản xuất khẳng định rằng giá sẽ lên 1100 USD/tấn CFR với lali bột và 1300 USD/tấn với CFR kali miểng trong tháng 6.

Mức giá trên hiện đang cao hơn giá trong nước nên thay vì nhập khẩu, các thương nhân có lượng tồn kho kali lớn lại tích cực xuất đi theo mức giá 850 - 900 USD/tấn FOB (cao hơn giá bán lẻ hiện tại 1,3 – 2,4 triệu đồng/tấn).

Giá urê, kali biến động trái chiều trong quý II. (Ảnh minh họa: Vinacam)

Vinacam cho rằng khi nguồn hàng tồn kho trong nước cạn dần, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu kali theo giá mới, điều này có nghĩa giá kali quý III có thể cán đích 20 - 22 triệu đồng/tấn cho kali bột và 23 - 25 triệu đồng/tấn cho kali miểng.

Tương tự với sản phẩm NPK, nguồn nhập NPK từ Nga đã bị chặn, nhập khẩu từ Trung Quốc thì ách tắc vì hàng rào kỹ thuật từ kiểm hóa hải quan. Điểm sáng trước nay cho dòng NPK nhập khẩu từ Hàn Quốc đã mới có thông báo chính thức “chỉ có thể sản xuất NP vì nguồn kali cạn kiệt”.

Cùng với việc một loạt nhà máy sản xuất NPK quy mô nhỏ tạm đóng cửa do giá nguyên liệu cao, sản xuất không có lời thì giá NPK sản xuất trong nước bây giờ thực sự nằm trong tay các ông lớn có tiềm lực mạnh như Bình Điền, Phú Mỹ và Cà Mau...

Giá DAP thế giới đi ngang

Sau một đợt tăng giá mạnh, giá DAP thế giới đã có dấu hiệu chững lại trong tuần này.

“Một số bản chào về Việt Nam với mức giá 1.150-1.200 USD/tấn CFR cho cửa khẩu Lào Cai (tương đương giá vốn khoảng 30 triệu đồng/tấn tại TP HCM). Mức giá này sẽ khá rủi ro để các thương nhân nhập khẩu Việt Nam có thể cân nhắc mua hàng”, Vinacam nhận định.

Hiện, nguồn cung DAP từ các nhà sản xuất nội địa ngày càng eo hẹp khi vấn đề nguồn nguyên liệu chưa được giải quyết triệt để, trong khi phần lớn lượng hàng sản xuất ra lại ưu tiên cho thị trường xuất khẩu.

Trong khi, nguồn cung thế giới khó tăng lên khi Trung Quốc và Nga đang có thể áp đặt những biện pháp khắt khe hơn để hạn chế xuất khẩu. Nguyên liệu đầu vào của các nhà máy đều tăng mạnh, nhất là lưu huỳnh và ammonia, càng khiến cho các nhà sản xuất không có áp lực phải giảm giá nhiều.

Thị trường Việt Nam mặc dù có điều chỉnh đi ngang sau một đợt tăng mạnh. Tuy nhiên, Vinacam cho rằng mặt hàng DAP sẽ sớm tăng giá trở lại khi nguồn hàng tồn kho giá rẻ đã hết, cộng với việc xuất khẩu ồ ạt và vụ mùa đang đến gần. Dự kiến giá DAP 64 nhập khẩu sẽ leo lên mức 28 – 30 triệu đồng/tấn trong quý II.

Hoàng Anh