|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Viettel muốn cùng thu phí tự động: Chấm dứt độc quyền

08:55 | 14/03/2017
Chia sẻ
Viettel tham gia vào chuỗi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu phí tự động là việc tốt, khi này sân chơi bình đẳng hơn, đúng nghĩa kinh tế thị trường.

Chấm dứt thực trạng một mình một sân

Mới đây, Viettel có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phối hợp với nhà mạng này triển khai dịch vụ ETC cho 2 tuyến đường bộ cao tốc là Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài – Lào Cai trong quý I/2017.

Viettel cũng muốn người đứng đầu ngành GTVT hỗ trợ, giới thiệu để làm việc xúc tiến với các chủ đầu tư, doanh nghiệp BOT toàn quốc hợp tác triển khai dịch vụ ETC trên cơ sở đàm phán thỏa thuận cung cấp dịch vụ và được phép làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia gắn với công tác cấp phát thẻ định danh phương tiện (thẻ RFID).

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 13/3, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Nghệ An cho biết: "Chúng ta đang triển khai một trạm thu phí tự động thí điểm đầu tiên ở Quảng Bình, tôi đã vào tham quan, kiểm tra thì thực tế để làm được một trạm thu phí đó là phải 2-3 doanh nghiệp hợp tác cùng làm, mới hoàn thiện được.

Từ trước đến nay thì Bộ GTVT chỉ định cho Tasco - VETC làm đồng loạt 28 trạm thu phí thí điểm vì khi đó chưa có nhà cung ứng nào đứng ra nhận làm. Tại thời điểm đó thì dịch vụ này chưa phổ biến, nên chỉ có một mình Tasco - VETC một sân.

Viettel muốn tham gia vào dịch vụ thu phí tự động không dừng

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, nếu có làm trạm thu phí không dừng, thì cần phải đảm bảo chất lượng tốt là được, còn nó có nhiều mặt tốt như giảm lượng cán bộ thu phí, tiện lợi cho các doanh nghiệp vận tải, thẻ bán khắp mọi nơi trên cả nước, rất dễ mua.Thực tế làm trạm thu phí không dừng này không hề phức tạp, vì chỉ cần mua một cái thẻ như thẻ điện thoại, dán vào kính, 1 trạm có 2 luồng điện, luồng điện 1 là luồng điện bình, luồng điện 2 là máy phát, khi mất điện lưới thì có điện máy phát. Thu phí thì được tận dụng bằng máy, không làm ảnh hưởng mức tiền thu của các nhà xe".

Hơn nữa, khi càng có nhiều nhà cung ứng thì mình có thể tổ chức đấu thầu, quan trọng nhất là làm sao tìm được nhà cung ứng đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý. Ngày 20/3 này, chúng tôi sẽ đi kiểm tra cùng đoàn Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, các trạm BOT từ Nghệ An đến Quảng Bình, để triển khai hàng loạt trạm thu phí không dừng.

Tất nhiên, khi có các doanh nghiệp vào thêm như Viettel thì quy luật cạnh tranh sẽ tốt hơn vì đơn vị nào đưa ra giá tốt, chất lượng phù hợp thì sẽ được lựa chọn. Và cũng cần tổ chức đấu thầu, chủ đầu tư BOT phải đưa ra một mức giá cố định, đấu thầu mà tham rẻ, cuối cùng chất lượng dở cũng không thể được, phải xác định tiền nào của ấy. Tiêu chuẩn về công nghệ, giá cả là quan trọng nhất, phải biết công nghệ nước nào tốt, giá cả bao nhiêu.

"Trước đây, nếu chỉ có một doanh nghiệp cung ứng thì chắc chắn mức giá không cạnh tranh, cao hơn bình thường, khi đó chủ đầu tư BOT cộng vào tiền đầu tư, chia ra giá vé, thời gian thu phí, cuối cùng chỉ dân, doanh nghiệp vận tải là phải gánh chịu thiệt thòi.

Làm thu phí tự động rất cần thiết, bởi nó có thể kết hợp với cân trọng tải, kết hợp 2 trong 1", ông Hùng chỉ rõ.

Đồng tình quan điểm, ông Trần Thanh An - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Quảng Nam, cho rằng: "Tôi nghĩ Viettel tham gia vào chuỗi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu phí tự động là việc tốt, vì khi có nhiều nhà thầu sẽ có sự cạnh tranh công bằng hơn là chỉ định thầu như hiện nay.

Khi có nhiều nhà đầu tư tham gia, chúng ta có thể tổ chức đấu thầu nhà thầu nào giá thành hợp lý, chất lượng ổn thì lựa chọn, tránh việc độc quyền, một mình, một sân thích làm gì thì làm. Khi này, sân chơi sẽ bình đẳng hơn, theo đúng ý nghĩa kinh tế thị trường.

Thực tế sẽ chấm dứt tình trạng độc quyền, hét giá rồi tung ra vô số các điều kiện, cuối cùng cộng vào giá vé, người dân phải gánh hết".

Ông Nguyễn Văn Long - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Thừa Thiên - Huế cũng cho rằng, càng nhiều nhà cung ứng dịch vụ thì càng tốt, cơ chế thị trường càng cạnh tranh thì càng tốt, còn độc quyền bao giờ cũng triển khai một mình một kiểu, áp đặt mức giá vé thu phí tùy theo số tiền họ phải chi ra để lắp đặt hệ thống thu phí.

"Chúng tôi hy vọng khi có nhiều nhà thầu khác nhau vào cung cấp dịch vụ thì mọi thứ sẽ tốt hơn", ông Long nói.

Bộ GTVT cần đứng ra đại diện các chủ đầu tư để chọn thầu

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho hay, việc đấu thầu, thêm nhà thầu tránh độc quyền là việc tốt, mà Viettel là doanh nghiệp lớn có thể hoàn toàn tin tưởng.

Trước đây việc cung ứng dịch vụ thu phí tự động tại các trạm BOT chủ yếu là Bộ GTVT chỉ định thầu, ban đầu chỉ có Tasco - VEC, sau có thêm Công ty Đầu tư công nghệ hạ tầng VIETIN nên về mức giá, chất lượng không có sự cạnh tranh.

Thậm chí, nếu chỉ có một đơn vị cung ứng họ sẽ có nhiều điều kiện khó hiểu, thậm chí kéo dài thời gian hoàn thiện, như hiện nay quá trình làm các trạm thu phí không dừng trên 28 trạm vẫn còn nhiều khó khăn.

"Giờ đây khi có thêm các nhà cung ứng khác, không riêng gì Viettel thì có thể đưa ra các tiêu chí về chất lượng, giá cả, ai tốt thì được chọn, đương nhiên nó ảnh hưởng tốt đến quá trình thu phí tới đây của các trạm BOT.