Vietnamobile đơn độc trong cuộc chiến nhà mạng
Xuất hiện trên thị trường từ năm 2009, đến năm 2016 Vietnamobile chính thức chuyển đổi thành CTCP Viễn thông Di động Vietnamobile, là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà mạng này theo đuổi định hướng cung cấp mạng dữ liệu, gói dữ liệu giá siêu rẻ, SIM số đẹp, thậm chí cả miễn cước.
Theo số liệu mới nhất từ Cục Viễn thông, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), trong ba tuần đầu tháng 2/2021 thì Vietnamobile đã "chia tay" 33.000 thuê bao, tương ứng với tỷ lệ rời mạng là 89,2%.
Điều này đồng nghĩa, cứ mỗi ngày, trung bình có 1.570 thuê bao rời Vietnamobile. Trong khi đó, nhà mạng này không ghi nhận thuê bao chuyển đến.
Vậy nguyên nhân từ đâu mà số lượng ra đi của khách hàng lại có sự chênh lệch lớn giữa Vietnamobile và ba ông lớn là Viettel, Vinaphone và Mobifone?
Ôm lỗ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, thị phần chưa tới 3,8%
Lãnh đạo của Cục Viễn thông từng chia sẻ "trong nhiều năm liền, tổng thị phần của ba doanh nghiệp lớn nhất là Viettel, Vinaphone, Mobifone luôn chiếm trên 90%, năm 2019 tăng cao nhất lên tới 96,2%. Các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 3,8% thị phần".
Điều này đồng nghĩa là sau hơn một thập kỷ hoạt động thì Vietnamobile vẫn là doanh nghiệp nắm cho mình thị phần chưa tới 3,8%.
Theo nguồn tin chúng tôi có được thì doanh thu của Vietnamobile tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2016 - 2019. Song, lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn lại đi lùi, lỗ lớn và đỉnh điểm năm 2018 lỗ hơn 3.468 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Vietnamobile hơn 13.982 tỷ đồng. Những khoản lỗ trong nhiều năm đã khiến vốn chủ sở hữu âm 9.809 tỷ đồng.
Năm 2020, Vietnammobile đạt doanh thu khoảng 1.940 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2019, lợi nhuận ước tính cả năm đạt 2,5 triệu USD.
Sở hữu số cửa hàng khiêm tốn, đánh vào phân khúc người trẻ
Vietnamobile chỉ sở hữu 178 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên cả nước với chỉ ba cửa hàng chính tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Tính trung bình thì mỗi tỉnh có chưa tới ba điểm giao dịch.
Con số này quá ít ỏi so với những doanh nghiệp trong ngành nhưng cũng dễ hiểu khi tương xứng với thị phần Vietnamobile đang nắm.
Về chiến lược phát triển, Vietnamobile chọn con đường khác biệt khi đánh vào phân khúc khách hàng trẻ, thay vì cạnh tranh trên mọi mặt trận vốn đang là sân chơi riêng của các đại gia Viettel, MobiFone và Vinaphone.
Việc chọn đối tượng khách hàng trẻ đồng nghĩa Vietnamobile phải xác định doanh thu trên một thuê bao sẽ không nhiều.
Hơn nữa, những người trẻ là những người dễ thay đổi. Tuy Vietnamobile cung cấp dịch vụ giá rẻ nhưng nếu dịch vụ đó không tốt thì người dùng sẵn sàng quay lưng tức thì với doanh nghiệp. Đây cũng là lý do tại sao các ba ông lớn nhà mạng bỏ ngỏ phân khúc này.
Bên cạnh đó, cuối năm 2018, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên đầu số MNP xuất hiện theo yêu cầu của Bộ TT&TT, cũng thúc đẩy số lượng thuê bao rời Vietnamobile nhiều hơn đáng kể so với các nhà mạng khác.
Ngoài ra, điểm mấu chốt lý giải sự thất bại của Vietnamobile còn đến từ sự bỏ ngỏ cuộc đua mạng 5G năm 2020.
Trong khi các ông lớn Viettel, MobiFone và VNPT, công ty mẹ của Vinaphone lần lượt tham gia vào thị trường 5G thì phía Vietnamobile lại chưa có thông tin chính thức nào.
Thực tế là sau khi được rót thêm 450 triệu USD vào năm 2016, Vietnamobile đã chi đầu tư cho mạng 3G, một phần mạng 4G và các chiến dịch marketing,...Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn bị hạn chế phủ sóng, yếu tố sống còn của doanh nghiệp viễn thông.
Cộng thêm khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng qua các năm khiến doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu, khó có thể mạnh tay chi đầu tư 5G.
Số lượng cửa hàng ít, lượng băng tần hạn chế, rào cản trong mạng 5G, ...đây là một trong những vấn đề lớn khiến cho Vietnamobile cũng như các doanh nghiệp nhà mạng nhỏ khác khó cung cấp trải nghiệm tốt nhất đến khách hàng và khiến người dùng phải "tạm biệt" Vietnamobile nhiều hơn số khác.
Năm 2019, nhà mạng này đã có đề xuất với các bộ ngành liên quan về các chính sách quản lý thị trường viễn thông, phân bổ, đấu giá băng tần hợp lý hơn. Nhà mạng này cũng xin không tham gia chuyển mạng giữ số với các thuê bao sim số đẹp. Tuy nhiên, những đề xuất này đến nay vẫn chưa được chấp thuận.
Đi con đường riêng biệt, chuyển đổi thành mạng di động dữ liệu
Báo cáo của Bộ TT&TT cho biết năm 2020, doanh thu dịch vụ viễn thông chỉ tăng nhẹ khoảng 0,3% so với năm 2019. Do đó mà năm 2021, các doanh nghiệp nhà mạng chủ động tìm cách xoay xở trong thế khó.
Cụ thể, ba ông lớn là Viettel, MobiFone và VNPT chiếm 90% thị phần lựa chọn "cởi bỏ” hoàn toàn chiếc áo doanh nghiệp viễn thông, trở thành doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp số.
Ngược lại, Vietnamobile lại xây dựng hình ảnh và chuyển đổi sang mạng di động dữ liệu.
Theo Cục Viễn thông thì năm 2020, doanh thu dữ liệu di động chỉ đạt 34% tổng doanh thu dịch vụ viễn thông di động, trung bình thế giới đạt trên 43%. Còn doanh thu dịch vụ di động hiện vẫn dựa chủ yếu vào các loại hình dịch vụ truyền thống, đặc biệt là thoại, SMS, đang chiếm hơn 54%, trong khi những dịch vụ này đã bão hòa.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/