|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietjet muốn huy động 2.000 tỷ đồng trái phiếu nhằm trả tiền xăng dầu, lương nhân viên,...

14:29 | 25/07/2023
Chia sẻ
Trước đó, hồi tháng 5/2023, HĐQT Vietjet cũng đã thông qua phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ để bổ sung nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Ảnh minh họa: MH.

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) vừa thông qua phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Mục đích nhằm thực hiện chương trình chi trả các chi phí hoạt động về xăng dầu, chi phí cảng, điều hành bay, kỹ thuật, lương, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc tàu bay (PDP) và các chi phí khác. 

Trái phiếu phát hành là loại trái phiếu thông thường, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 60 tháng. Lãi suất cố định tối đa 12%/năm cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên, các kỳ còn lại sẽ tính lãi suất bằng biên độ tối đa 3,5%/năm cộng với lãi suất tham chiếu. Lãi sẽ được trả 6 tháng/lần.

Trước đó, hồi tháng 5/2023, Vietjet cũng thông qua phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ để bổ sung nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến cuối quý I/2023, Vietjet vay 10.000 tỷ đồng trái phiếu thường dài hạn kèm 650 tỷ đồng trái phiếu dài hạn đến hạn phải trả. Các lô trái phiếu này đều không có tài sản đảm bảo, lãi được trả vào mỗi kỳ bán niên với lãi suất cố định 9% - 9,5%/năm cho năm đầu tiên.

 Nguồn: BCTC quý I/2023 của Vietjet.

Số liệu từ trang thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy trong quý II/2023 có 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 19.281 tỷ đồng, giảm 34,4% so với quý I/2023 và giảm 83% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 28 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 17.281 tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng giá trị phát hành.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt khoảng 48.687 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt 42.787 tỷ đồng, giảm 76%, tổng giá trị phát hành công chúng đạt 5.900 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. 

Nửa đầu năm, bất động sản là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất khi chiếm hơn 34,9% tổng giá trị phát hành, theo sau là nhóm ngân hàng chiếm 29%. Nhóm tập đoàn đa ngành và nhóm logistics chiếm lần lượt là 10,4% và 8,5% tổng giá trị phát hành, các nhóm ngành nghề khác chiếm 17,2%.

Trong báo cáo mới công bố, SSI Research nhận định "thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam dường như đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, ít nhất trong ngắn hạn nhờ các động thái từ Chính phủ nhưng các giải pháp hiện tại mang tính ngắn hạn, thiên về hỗ trợ cho các tổ chức phát hành sẽ khó có thể ngay lập tức khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư".

Minh Hằng