VietJet Air tìm kiếm cơ hội gì từ việc hợp tác với Japan Airlines?
Nguồn ảnh: nuadvisory.net |
CEO Nguyễn Thị Phương Thảo của VietJet Air (VJA) là người khá tỉ mỉ trong cuộc sống cá nhân của mình. Bà luôn giữ thói quen tập yoga và các bài tập thể dục khác hằng ngày dù công việc có bận rộn tới đâu đi nữa. Và bà có hẳn một chuyên gia tạo mẫu tóc người Nhật vì bà thích chú ý đến từng chi tiết.
Bây giờ hãng hàng không của bà cũng đã có một đối tác Nhật Bản là Japan Airlines (JAL). Đối tác này có thể giúp huấn luyện các nhân viên VietJet cách chú ý đến từng các chi tiết nhỏ, để từ đó xây dựng lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu VietJet.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác thúc đẩy VietJet và JAL hợp tác với nhau là nhằm khai thác tuyến đường bay béo bở Việt-Nhật với hơn 1 triệu lượt hành khách/năm.
Cuối tháng trước, VietJet đã tổ chức một cuộc họp báo tại trụ sở chính ở TPHCM. Và CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, 47 tuổi, xuất hiện cùng với chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch tập đoàn Sovico Holdings. Việc ông Hùng xuất hiện tại buổi họp báo này cho thấy VietJet thực sự quan tâm tới mối quan hệ đối tác với JAL.
Bà Thảo đã nói với các nhà báo rằng đây là mối quan hệ đối tác quan trọng nhất của Vietjet từ trước tới nay. Bà nhấn mạnh rằng VietJet sẽ hợp tác trong nhiều lĩnh vực với JAL, bao gồm bán hàng, đào tạo nhân viên và cải thiện dịch vụ. Vợ chồng bà sau đó đã hỏi Phó chủ tịch Tadashi Fujita của JAL về những gì mà Vietjet cần làm để đạt được đẳng chấp về chất lượng như của JAL, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên.
Kể từ chuyến bay đầu tiên vào tháng năm 2011, VietJet đã sử dụng chiến lược giá thấp và thỉnh thoảng có các màn trình diễn bikini trên máy bay để thu hút hành khách, từ đó đều đặn tăng thị phần trên thị trường hàng không của Việt Nam.
Vấn đề lớn nhất VietJet từng gặp phải là bảo đảm các chuyến bay đúng giờ. Nhưng tỷ lệ các chuyến bay bị hoãn đã giảm từ khoảng 50% xuống còn 12,3% trong 3 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, VietJet cũng đa dạng hóa lựa chọn ăn uống và mua sắm trên máy bay nhiều hơn so với Vietnam Airlines.
Bây giờ khi đã xóa dần đi hình ảnh "chi phí thấp, chất lượng thấp" trước đây, thách thức tiếp theo của Vietjet là tăng cường các tuyến bay quốc tế và nâng cao chất lượng dịch vụ của mình.
Vốn là một người tỉ mỉ, sau khi được chính phủ chấp thuận tham gia ngành kinh doanh hàng không vào năm 2007, bà Thảo đã không bắt tay vào kinh doanh ngay, mà thay vào đó dành 6 năm nghiên cứu mô hình kinh doanh hàng không giá rẻ.
Bà Thảo thường nói về việc phụ nữ Việt Nam cần phải có một vị thế lớn hơn trong xã hội. Bà đã chủ động đề cử nhiều người phụ nữ vào vị trí lãnh đạo tại VietJet, và đã tuyển hơn 10 phi công nữ. Bà cũng đã mang theo con nhỏ của mình trong các chuyến công tác xa.
Năm ngoái, bà Thảo nói với tờ Nikkei (Nhật Bản) rằng VietJet phải tăng tỷ lệ doanh thu từ các chuyến bay quốc tế từ 20% lên 40% trong vài năm tới. VietJet đã đặt hàng 120 máy bay từ Airbus và 100 máy bay từ Boeing. Số máy bay trên sẽ được tăng cường cho đội bay của VietJet, hiện đã có khoảng 50 máy bay.
Khoảng 740.000 người Nhật Bản đã đến Việt Nam vào năm 2016, tăng 10,4% so với năm trước. Trong khi đó, số lượng người từ Việt Nam đi Nhật Bản là vào khoảng 240.000, tăng 27,9% so với cùng kỳ 2015. Bên cạnh đó, tại thời điểm cuối năm 2016, có khoảng 200.000 người Việt Nam đang sống tại Nhật Bản, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2012.
Trong thời gian tới, Nhật Bản có kế hoạch tuyển dụng nhiều điều dưỡng viên người Việt để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân lực ngành này tại xứ sở hoa anh đào.
Bên cạnh việc tư vấn, JAL có thể có thể giúp VietJet lấp đầy ghế trên các tuyến bay mới đi từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đến Tokyo và Osaka, thông qua các chuyến bay liên danh (code-share).
Hai hãng hàng không cũng hy vọng sự hợp tác này sẽ tạo điều kiện cho VietJet kết nối dễ dàng hơn với các chuyến bay nối tiếp (connecting flight) tại Nhật Bản.