|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vietcombank phê duyệt phương án phân phối gần 22.000 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2022

10:19 | 28/02/2024
Chia sẻ
Vietcombank dự kiến sẽ phân phối 22.000 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2022 qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này sẽ cần trình lên NHNN để báo cáo, xin ý kiến.

Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) vừa phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2022.

Theo đó, với lợi nhuận sau thuế riêng năm 2023 là 29.387 tỷ đồng, cộng với khoản điều chỉnh do thay đổi lợi nhuận năm trước hơn 3 tỷ đồng thì lợi nhuận phân phối của năm 2023 sẽ là 29.390 tỷ đồng.

Ngân hàng dự kiến trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 5% (1.469,5 tỷ đồng), quỹ dự phòng tài chính 10% (2.939 tỷ đồng) và quỹ khen thưởng, phúc lợi (3.291,5 tỷ đồng). Ngoài ra, Vietcombank còn ghi nhận khoản điều chỉnh giảm khác là 9,8 tỷ đồng. 

Sau khi trừ đi những khoản trích lập trên, lợi nhuận còn lại của năm 2022 là 21.680 tỷ đồng. Vietcombank dự kiến sẽ dùng toàn bộ khoản lợi nhuận này để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này sẽ cần được trình lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để xin ý kiến.

Phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 của Vietcombank. (Ảnh: Vietcombank).

Trong nội dung ĐHĐCĐ đầu năm 2023, Vietcombank cho biết kế hoạch phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm tối đa 27.685 tỷ đồng, lên hơn 75.000 tỷ đồng. NHNN đang chỉ đạo Vietcombank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng phê duyệt.

Trong năm 2023, Vietcombank đã phát hành được 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%, nâng tổng vốn điều lệ của ngân hàng này từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và 2020. 

Hiện tại, quy mô vốn lệ của Vietcombank đứng thứ ba toàn ngành ngân hàng, sau VPBank (hơn 79.000 tỷ đồng) và BIDV (hơn 57.000 tỷ đồng).

Minh Quang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.