|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vietcombank muốn mua cao ốc đất vàng: Phải theo giá thị trường!

11:29 | 23/08/2019
Chia sẻ
Bên cạnh giá trị quyền sử dụng đất còn phải tính đến giá trị vị thế mảnh đất khi Vietcombank muốn mua cao ốc đất vàng 11 Láng Hạ.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang có ý định mua công trình tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại tại địa điểm số 11 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội làm trụ sở làm việc.

Đây là dự án có diện tích hơn 1.000m2 nằm giữa lòng Hà Nội. Trước đó, dự án này do Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Thương mại làm chủ đầu tư và đã bị bỏ hoang hàng chục năm.

Ngày 12/7/2017, Vietcombank – chi nhánh Ba Đình đã ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện và Hợp đồng tín dụng trị giá 250 tỷ đồng với Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Thương mại để thực hiện dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại cao tầng tại số 11 Láng Hạ cao 20 tầng với 7 tầng khối đế, 13 tầng phần thân và 3 tầng hầm.

"Việc mua bán bất động sản phải theo giá thị trường, đó là nguyên tắc. Và Vietcombank, một doanh nghiệp cổ phần như muôn vàn doanh nghiệp khác, cũng phải tuân thủ nguyên tắc đó", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) khẳng định khi trao đổi về vấn đề này.

photo-1

Vietcombank muốn mua cao ốc đất vàng 11 Láng Hạ làm trụ sở làm việc

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, nếu Vietcombank muốn mua công trình tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại tại số 11 Láng Hạ thì không thể tiến hành mua theo hình thức chỉ định mà phải qua đấu giá. Nếu Vietcombank trả giá cao nhất thì họ được mua công trình này.

Về việc tính toán giá trị công trình, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý, đây vẫn là đất của Nhà nước. Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Thương mại ban đầu là thành viên của Tổng công ty Sông Hồng thuộc Bộ Xây dựng. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của công ty này, ông Phạm Đình Mạnh, từng là cán bộ của Bộ Xây dựng và là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty.

"Khi tính toán giá trị của công trình phải tính đến hai yếu tố: giá trị sử dụng đất và giá trị vị thế của mảnh đất đó. Đất ở vùng sâu vùng xa là một giá, còn đây là mảnh đất vàng thì phải tính giá khác. Đây là hai yếu tố hình thành nên giá bán mảnh đất trên.

Thủ tục đấu giá cứ thực hiện theo quy định của pháp luật, nếu Vietcombank thắng thì trong tổng số tiền phải trả, họ sẽ được trừ đi phần đóng góp 250 tỷ đồng trước đó.

Khoản tiền thu được từ vụ mua bán này chủ đầu tư phải nộp cho nhà nước, dĩ nhiên họ có thể trừ đi phần chi phí đã bỏ ra xây dựng công trình", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Trước đó, cho ý kiến về đề xuất mua tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại tại số 11 Láng Hạ của Vietcombank, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng cho biết, Vietcombank được quyền mua công trình trên, tuy nhiên, việc mua bán công trình này phải được UBND TP Hà Nội chấp thuận. 

Đồng thời, Vietcombank phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tín dụng và pháp luật có liên quan khi thực hiện mua bán tổ hợp công trình này.

Bộ Xây dựng lưu ý, Vietcombank phải sử dụng đúng mục đích công năng của công trình này đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận đầu tư.

Trường hợp Vietcombank muốn thay đổi công năng từ tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại sang chỉ sử dụng làm văn phòng để phục vụ cho hoạt động của ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng tại công trình này thì phải được UBND TP Hà Nội chấp thuận trước khi chuyển đổi công năng sử dụng và phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại tổ hợp văn phòng, thương mại dịch vụ cao tầng tại số 11 Láng Hạ sau khi mua bán được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Bộ đề nghị Vietcombank liên hệ với Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hà Nội để được hướng dẫn cụ thể.

Thành Luân