Việt Nam tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường gạo châu Á
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan, với những người mua chủ chốt gồm Trung Quốc, Philippines và Indonesia.
Chính phủ cho biết sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Phi lên 25% lượng xuất khẩu và 10% cho các thị trường ở châu Mỹ.
"Sản xuất gạo của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung vào gạo sạch và hữu cơ và đa dạng hóa các sản phẩm gạo chế biến", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương nhận định.
Giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2018 có thể lên đến 3,2 tỉ USD - 3,3 tỉ USD, tăng 26,9% so với giá trị 2,6 tỉ USD năm ngoái, Bộ Công Thương cho biết hôm 11/10.
Ảnh: Reuters. |
Theo đó, Việt Nam đang cố gắng tăng chất lượng và đa dạng gạo xuất khẩu cũng như xây dựng thương hiệu gạo để tăng giá trị xuất khẩu.
Việt Nam có kế hoạch giảm lượng gạo chất lượng thấp và tăng xuất khẩu gạo thơm, đặc sản và gạo Japonica. Bộ Công Thương không đưa ra ước tính về khối lượng gạo xuất khẩu trong năm 2018.
Để đạt được điều này, Bộ có kế hoạch mở cửa thị trường gạo, tăng cường đàm phán, thúc đẩy kinh doanh gạo và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Cả nước đã xuất khẩu 4,89 triệu tấn gạo trong 9 tháng đầu năm 2018, tăng 6,7% so với năm trước, trong khi doanh thu xuất khẩu gạo trong 9 tháng tăng 21,3% hàng năm lên 2,46 tỉ USD, số liệu chính thức cho thấy.