|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam sắp có thêm nhà máy lọc dầu quy mô 10 triệu tấn

18:36 | 16/03/2022
Chia sẻ
Quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia mới chỉ đáp ứng được nhu cầu trong khoảng 5-7 ngày. Để đảm bảo nguồn cung trong nước, Chính phủ đã quy hoạch nhà máy lọc dầu có quy mô sản xuất 10 triệu tấn tại Vũng Tàu, ngoài việc tăng công suất các nhà máy hiện có.

Nhiều bất cập trong dự trữ xăng dầu quốc gia

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 16/3, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi với Bộ Công Thương về việc dự trữ quốc gia với mặt hàng xăng dầu trong bối cảnh giá cả biến động mạnh.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Chúng ta có dự trữ, nhưng lượng dự trữ rất ít, chỉ đáp ứng được nhu cầu trong khoảng 5-7 ngày. Quỹ này chỉ được sử dụng trong những tình huống đặc biệt", ông Diên nói.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ tham mưu để nâng mức dự trữ này lên ít nhất 1-2 tháng và dự trữ bằng hàng hóa thay vì bằng tiền như hiện tại.

Dự trữ xăng dầu chỉ được 5-7 ngày, Việt Nam sắp có thêm nhà máy lọc dầu quy mô 10 triệu tấn - Ảnh 1.

Quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia mới chỉ đáp ứng được nhu cầu trong khoảng 5-7 ngày. (Ảnh minh hoạ: Phạm Mơ)

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu lãnh đạo Công Thương chỉ ra những bất cập trong dự trữ xăng dầu ở Việt Nam khi giao cho các doanh nghiệp đầu mối.

Theo Nghị định 83, 95, các đầu mối xăng dầu cũng phải có dự trữ về lưu thông ít nhất là 20 ngày. Liệu các doanh nghiệp có lẫn lộn giữa dự trữ quốc gia và dự trữ thương mại?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Hiện, nước ta chưa có hệ thống kho dự trữ riêng mà giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu mối. Cơ chế trên rõ ràng là bất hợp lý.

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp đầu mối có thực hiện dự trữ bắt buộc hay không, trong khi cùng lượng xăng dầu đó, để ở kho đó lại là "ẩn số".

"Nếu sớm có cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối chắc chắn sẽ tốt.

Chúng tôi sẽ đề xuất cơ chế tách bạch được dự trữ quốc gia bằng những tổng kho do nhà nước quản lý với dự trữ doanh nghiệp bằng những kho của doanh nghiệp. Điều này giúp việc kiểm soát, vận hành sẽ tốt hơn", Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã trình cấp có thẩm quyền xem xét việc thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ và nâng mức dự trữ để tránh khi bất trắc.

Sắp có nhà máy lọc dầu quy mô 10 triệu tấn

Bàn luận về việc dự trữ xăng dầu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá mặt hàng này vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, khi nguồn sản xuất xăng dầu trong nước mới được khoảng 13 triệu tấn/năm, tương đương 70% nhu cầu. Ngoài ra, nguồn dầu thô cho hai nhà máy lọc dầu hiện vẫn phải nhập khẩu do khai thác trong nước cũng chưa đáp ứng được.

Dự trữ xăng dầu chỉ được 5-7 ngày, Việt Nam sắp có thêm nhà máy lọc dầu quy mô 10 triệu tấn - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giải trình về dự trữ xăng dầu và giá xăng dầu trong cuộc họp Thường vụ Quốc hội sáng 16/3. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Dù vậy, lãnh đạo Chính phủ khẳng định: "Dự trữ xăng dầu trong thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu. Dự trữ xăng dầu đến ngày 10/2 vẫn còn khoảng 1,2 triệu tấn, cùng với sản xuất trong tháng 2 khoảng 0,9 triệu tấn; cộng nhập khẩu thêm khoảng 0,9 triệu tấn là có 3 triệu tấn. Trong khi nhu cầu 1 tháng hiện nay khoảng 1,8 triệu tấn".

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Chính phủ đã chỉ đạo nhà máy lọc dầu Bình Sơn tăng công suất lên 105%, Nghi Sơn cam kết sản xuất trở lại và nhập khẩu cho quý II tăng thêm là 2,4 triệu m3. Dự trữ cũng đảm bảo đúng quy định.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định Việt Nam phải làm chủ sản xuất xăng dầu trong nước và theo quy hoạch sẽ có nhà máy lọc dầu có quy mô sản xuất 10 triệu tấn tại Vũng Tàu.

"Hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã triển khai, cố gắng trong 10 tháng sẽ xong thủ tục đầu tư. Nếu có thêm 10 triệu tấn, cộng 13 triệu tấn hiện nay, chúng ta sẽ có 23 triệu tấn, đủ nhu cầu trong nước", Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ cho tăng khoan dầu, khai thác dầu thô khi hiện mới đáp ứng 50% dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu.

Dù vẫn còn một số bất cập trong điều hành khoan thăm dò song Chính phủ đã làm việc trực tiếp với PVN để điều chỉnh cơ chế khi khoan dầu, phục vụ trực tiếp sản xuất trong nước chứ không xuất khẩu nữa.

Phạm Mơ