Chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/lần có còn hiệu quả khi giá tăng sốc?
Chu kỳ điều hành 10 ngày/lần chưa hợp lý?
Sau 7 đợt tăng liên tiếp, giá xăng đang ở mức cao kỷ lục với 28.985 - 29.824 đồng/lít, giá dầu khoảng 20.987 - 25.268 đồng/lít, kg, tăng 27 – 44% so với đầu năm.
Các chuyên gia cho rằng chu kỳ điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần hiện nay chưa hợp lý.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết giá xăng dầu tăng sốc là hệ lụy của việc đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu không sát thực tiễn, dự báo diễn biến thị trường (cung - cầu - giá cả) thiếu sát thực tế.
Điều này dẫn đến việc điều hành thiếu chủ động, chưa linh hoạt nhiều kịch bản ứng phó với những đột biến xảy ra như vừa qua.
"Điển hình như những đợt điều chỉnh giá xăng dầu sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Việc điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày/lần, nếu kỳ điều hành giá rơi vào ngày nghỉ lễ, tết thì lùi sang kỳ điều hành giá tiếp theo khiến giá trong nước luôn "lệch pha" với giá thị trường thế giới.
Bởi giá thế giới thì tăng hàng ngày trong khi giá trong nước kìm lại 10 ngày, thậm chí 20 ngày không tăng theo", ông Thỏa nói.
Ngoài ra, quy trình lấy giá thế giới bình quân của kỳ trước để áp dụng cho chu kỳ sau, trong khi thực tế giá chu kỳ sau đã tăng hơn... luôn làm cho giá vốn cao hơn giá bán lẻ hiện hành, gây lỗ cho doanh nghiệp, xảy ra hiện tượng găm hàng, chờ giá.
Theo chuyên gia này, chu kỳ điều chỉnh giá này cần được sửa đổi cho phù hợp với biến động của thị trường, theo hướng bãi bỏ chu kỳ điều hành 10 ngày/lần, thay bằng hàng ngày.
"Nếu chưa làm được theo biến động hàng ngày như thế giới thì cần rút ngắn kỳ điều chỉnh xuống 5 ngày/lần, phù hợp với phương thức mua bán hiện nay cuả các thương nhân xăng dầu", ông Thỏa đề xuất.
Có quan điểm tương tự, trao đổi với người viết, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng trong tương lai, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu sẽ vận động theo thị trường, thay đổi hằng ngày.
"Chúng ta muốn xây dựng thị trường xăng dầu có tính cạnh tranh, giá cả lên xuống theo cơ chế thị trường.
Thực tế, thời gian điều hành giá xăng dầu đang ngày càng được rút ngắn, từ 30 ngày xuống 15 ngày và nay là 10 ngày/lần. Với lộ trình này, tôi cho rằng trong tương lai, thời gian điều chỉnh có thể rút ngắn hơn nữa xuống 3 - 7 ngày/lần và dần dần giá xăng dầu hàng ngày sẽ vận động thế giới", ông Thịnh nói.
Chuyên gia này cho rằng giá xăng dầu vận động theo thế giới là xu hướng tất yếu của nền kinh tế. Do vậy, khi doanh nghiệp tham gia cuộc chơi "kinh tế thị trường" thì buộc phải thích nghi, xây dựng kế hoạch kinh doanh, tiết giảm chi phí sản xuất tối đa để đảm bảo lợi nhuận.
Nếu rút ngắn chu kỳ điều hành doanh nghiệp đỡ khó nhưng người dân lại khổ
Những bất cập trong chu kỳ điều hành giá xăng dầu trên cũng được đại biểu Trần Xuân Hòa (Đồng Tháp) đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương sáng 16/3 và yêu cầu Bộ Công Thương đưa ra giải pháp đưa giá xăng dầu trong nước tiệm cận hơn với thế giới.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định chu kỳ điều hành 10 ngày/lần như hiện nay là phù hợp.
"Dù đại biểu nói thế giới biến động từng ngày từng giờ nhưng thực tế chúng ta chưa phải nền kinh tế thị trường đầy đủ. Chúng ta phải điều hành theo sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Rõ ràng, chúng ta phải kết hợp hài hòa và nhuần nhuyễn. Chúng ta không thể tả, cũng không thể hữu khi học tập kinh nghiệm của các nước", ông Diên nói.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu không phải là quyết định của cá nhân ngành công thương, mà là đề xuất của Liên ngành, được Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ngoài ra, chu kỳ điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần phù hợp với chu kỳ hạch toán của các doanh nghiệp và chu kỳ lấy giá, tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của ngành thống kê.
Bộ trưởng nhấn mạnh trong Nghị định 95 quy định, trường hợp giá xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của người dân thì Liên Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ điều hành kỳ dày hơn.
"Tuy nhiên, chúng ta phải đặt lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp lên trên, nếu không sẽ rất gay.
Điều hành dày hơn thì doanh nghiệp đỡ khó nhưng người dân lại khổ. Do vậy, chúng tôi thường động viên các doanh nghiệp xăng dầu rằng kinh doanh lúc lãi, lúc lỗ là chuyện bình thường", ông Diên nói.
Trong thời gian qua, giá xăng dầu trong nước liên tục dựng đứng do tác động của xung đột Nga – Ukraine, nguồn cung trong nước chưa ổn định.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương thống nhất nếu giá xăng tăng mạnh, Liên Bộ Tài chính – Công Thương sẽ 2 ngày 1 lần báo cáo Chính phủ để xin ý kiến điều chỉnh phù hợp.