|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu

22:27 | 31/07/2018
Chia sẻ
Hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện.
viet nam ngay cang phu thuoc vao nguon nhien lieu nhap khau Phát triển năng lượng tái tạo trong nước để hạn chế phụ thuộc nguồn nhiên liệu nhập khẩu
viet nam ngay cang phu thuoc vao nguon nhien lieu nhap khau
Một dự án thủy điện đang vận hành. Ảnh: IL

“Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia”, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Thành, cho biết tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam ngày 31-7.

Theo báo cáo của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, nhìn chung ngành năng lượng đã có những kết quả tích cực theo các định hướng chiến lược đề ra và đạt được một số mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, cũng có một số mục tiêu đã không thực hiện được.

Đến nay, chỉ tiêu về công suất lọc dầu chắc chắn không đạt được. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 25-30 triệu tấn dầu thô, nhưng với những gì diễn ra trên thực tế, đến năm 2020 chỉ đạt 16,5 triệu tấn từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia cũng không đạt được. Chiến lược đặt mục tiêu dự trữ xăng dầu quốc gia là 45 ngày tiêu thụ bình quân năm 2010 và 60 ngày năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2015, dự trữ chỉ đạt 62,7 ngày nhu cầu, trong đó dự trữ sản xuất chỉ đạt 21,2 ngày, trong khi dự trữ thương mại 32 ngày.

Ngoài ra, chỉ tiêu liên kết hệ thống năng lượng vẫn chưa đạt được, trong đó có liên kết lưới điện khu vực và liên kết hệ thống khí thiên nhiên khu vực. Điều này dẫn đến chưa đạt được liên kết hệ thống năng lượng khu vực đủ mạnh.

Mục tiêu đặt ra là liên kết lưới điện khu vực cấp điện áp đến 500kV từ năm 2010-2015 và liên kết hệ thống khí thiên nhiên khu vực từ năm 2015-2020. Tuy nhiên, thực tế việc mua bán điện với Trung Quốc, Lào và Campuchia chủ yếu được thực hiện qua các đường dây 220kV và vẫn chưa thực hiện được liên kết hệ thống khí tự nhiên khu vực.

Nguyên nhân được chỉ ra là do suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 2008-2009 và sự biến động mạnh của giá nhiên liệu trên thế giới.

“Những yếu tố này khiến tính chính xác của các kết quả dự báo bị ảnh hưởng mạnh cũng như ảnh hưởng đến quyết định đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng trong giai đoạn vừa qua”, ông Nguyễn Văn Thành cho biết.

Theo Bộ Công Thương, mục tiêu phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn tới là cung cấp đủ nhu cầu các dạng năng lượng trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2016-2035.

Tại diễn đàn, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trần Văn Tùng, ngành năng lượng đang phải đối mặt với bài toán phức tạp và đa mục tiêu, một mặt cần đáp ứng nhu cầu cao để phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng mặt khác, cần đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế về phát triển bền vững trong bối cảnh tới hạn của các nguồn năng lượng truyền thống.

Theo ông Tạ Cao Minh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội tự động hóa Việt Nam, hiện tốc độ tăng GDP của Việt Nam từ 6-7% nên nhu cầu tiêu thụ năng lượng điện gần 20%/năm.

Hiện nay năng lượng điện than gần như khai thác hoàn toàn. Thủy điện cũng khai thác khắp nơi trên đất nước. Điện hạt nhân tạm ngừng. Do đó, không còn cách nào khác là phát triển nguồn năng lượng mới, như điện gió, điện mặt trời, sóng biển, sinh khối…

Do đó, giải pháp được đưa ra là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời chuyển giao, làm chủ các công nghệ các nguồn năng lượng mới, bền vững như điện gió, điện mặt trời. Đây là lời giải cho bài toán năng lượng trong thời gian tới.

Xem thêm

Thùy Dung