Việt Nam Nay: Nơi hơn nửa triệu doanh nghiệp tạo thành bó đũa khổng lồ
Nhượng quyền thương hiệu: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt |
Năm 2010, nhận thấy thương mại điện tử ở Việt Nam lúc ấy vẫn còn sơ khai, Kiều Tiến Anh – khi đó là một cán bộ cấp cao của tập đoàn viễn thông Viettel - quyết định thôi việc và lập một trang thương mại điện tử để kết nối doanh nghiệp ở mọi tỉnh, thành trong cả nước với tên Việt Nam Nay (vietnamnay.com) vào năm 2010. Ý tưởng đúng xu hướng, cộng với nỗ lực đầy sáng tạo của Tiến Anh khiến Việt Nam Nay phát triển nhanh chóng, trở thành cộng đồng thương mại điện tử lớn nhất cả nước với hơn 575.000 doanh nghiệp tham gia.
Điểm nổi bật của Việt Nam Nay là doanh nghiệp phải công bố thông tin một cách minh bạch, tự đảm bảo uy tín của họ. Thông qua nền tảng này, doanh nghiệp trao đổi, hợp tác với những đối tác trong nước và quốc tế. Hệ thống quản lý các đại lý theo số điện thoại – mô hình kinh doanh trực tuyến tiên tiến nhất hiên nay. Việt Nam Nay khác biệt với các sàn ở chỗ nó tạo ra cộng đồng đại lý bán hàng khổng lồ thông qua một thao tác nhấp chuột. Khi đại lý được cấp quyền truy cập, tên riêng và số điện thoại của đại lý sẽ hiện ra trên mỗi trang web của nhà cung cấp.
“Đến với chúng tôi, doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều tiền và thời gian dành cho hoạt động thương mại điện tử”, Tiến Anh khẳng định.
Bỏ vị trí Giám đốc kinh doanh tại Viettel Cambodia, trong 9 năm qua, Kiều Tiến Anh, người sáng lập Công ty cổ phần Thương mại điện tử Việt Nam luôn miệt mài với hành trình tạo ra cộng đồng, bởi theo anh, giá trị và sức mạnh của cộng đồng chính là nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh. Ảnh: Kiều Tiến Anh |
Mức độ minh bạch về thông tin mà doanh nghiệp cung cấp sẽ tỷ lệ thuận với điểm đánh giá. Những doanh nghiệp có điểm đánh giá càng cao thì càng có nhiều cơ hội xuất hiện trên trang chủ, đồng thời họ sẽ hưởng nhiều ưu đãi về quảng cáo. Các nhà đầu tư hay đối tác sẽ chọn những doanh nghiệp có thông tin minh bạch nhất để tìm hiểu nhằm giảm thiểu thời gian và công sức.
Dựa vào dữ liệu của doanh nghiệp thành viên, Việt Nam Nay có thể phân tích thị trường Việt Nam theo nhiều ngành, lĩnh vực. Với dữ liệu lớn về thị trường trong nước, Việt Nam Nay có thể trở thành nhà tư vấn, đối tác cho các doanh nghiệp nước ngoài khi họ muốn tìm hiểu, đầu tư vào Việt Nam.
“Ví dụ, nếu một công ty nước ngoài muốn tổ chức một sự kiện, hội thảo ở Việt Nam, chúng tôi có thể giúp bằng cách gửi thông tin về hội thảo tới mọi doanh nghiệp trong mạng lưới. Những doanh nghiệp có nhu cầu có thể đăng ký tham gia sự kiện”, Tiến Anh lấy dẫn chứng.
Doanh nhân Kiều Tiến Anh giảng dạy về thương mại điện tử tại Hà Nội. Ảnh: Kiều Tiến Anh |
Hiện nay hầu như mọi doanh nghiệp đều có thể chi vài triệu đồng cho việc lập trang web, nhưng sau đó họ sử dụng chúng không hiệu quả.
“Nhưng sau khi lập web, họ không tận dụng nó, hoặc không biết cách để nhiều người biết tới nó vì không có nhân viên chuyên trách về thương mại điện tử”, Tiến Anh nêu thực trạng.
Mục tiêu của Việt Nam Nay là doanh thu đạt 5 triệu USD/năm vào năm 2020. Theo Tiến Anh, đây không phải mục tiêu khó, vì nếu công ty có 5 triệu khách hàng, mỗi người chỉ cần chi 1 USD mỗi năm để đạt doanh số mục tiêu.
“Hoặc nếu Việt Nam Nay có 500.000 khách hàng, chúng tôi vẫn có thể đạt mục tiêu nếu mỗi người chi trung bình 10 USD mỗi năm để mua hàng. 1 hay 10 USD mỗi năm đều chỉ là mức chi tiêu thấp”, anh lập luận.